Bài 1: An Giang: Khu du lịch hoạt động “chui” trong dự án điện mặt trời, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường
Chưa được pháp luật công nhận vẫn khắc chữ là khu du lịch
Nhìn nhận chưa phải điểm du lịch nhưng…
Ngày 23/3/2022, trên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường điện tử có đăng bài với tựa đề “An Giang: Khu du lịch hoạt động “chui” trong dự án điện mặt trời, cùng với những bức xúc của du khách, môi trường hoạt động dịch vụ du lịch và có những yếu tố liên quan đến an toàn sức khỏe du khách chưa được thẩm định. Nội dung cụ thể là “Khu du lịch lịch điện mặt trời An Hảo” (ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã rầm rộ treo bảng, biển, băng rôn,… quảng cáo, thu hút du khách bán vé, thu tiền,... như đã làm từ nhiều tháng qua dù chưa được cơ quan chức năng công nhận là khu du lịch và nhiều cơ quan báo chí phản ánh.
Bảng giá tham quan ở khu điện mặt trời An Hảo
Sau khi bài báo đăng, phía Công ty CP du lịch An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai là doanh nghiệp quản lý dự án điện mặt trời An Hảo, cũng là đơn vị trực tiếp tổ chức hoạt động “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo”) có ý kiến phản hồi. Ngày 25/3/2022, tác giả bài báo đã có buổi làm việc với ông Trần Minh Trí - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang, nhằm trao đổi rõ thêm các vấn đề xung quanh nội dung bài báo.
Trong buổi làm việc tại trụ sở của Công ty (số 17 Nguyễn Văn Cưng, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn có bà Trần Thị Huyền Điểu (theo giới thiệu của ông Trí là Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Sao Mai).
Về “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo”, ông Trí cho biết hiện nay vẫn chưa được công nhận. Phía Tập đoàn Sao Mai đang gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, để yêu cầu bổ sung kết hợp phát triển du lịch vào quyết định chủ trương đầu tư. Công ty cũng đã gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước Tết năm 2021. Những yêu cầu bổ sung của các sở ngành, phía Công ty đều đã bổ sung. Theo ông Trí, hồ sơ chỉ còn vướng là điều chỉnh dự án là đầu tư khu du lịch điện mặt trời An Hảo kết hợp với phát triển du lịch. Tức là dự án điện mặt trời An Hảo thêm chức năng khai thác du lịch. Hồ sơ này tuần trước, bên Sao Mai đã gửi cho UBND huyện Tịnh Biên …
Dù vậy, ông Trí cho rằng làm du lịch tại xã An Hảo pháp luật không cấm, không trái đạo đức. Còn chuyện công nhận khu, điểm du lịch hay không giống như việc công nhận khách sạn có sao thôi. Luật Du lịch cũng không có chế tài khi một khu, điểm du lịch không được công nhận…
Tuy nhiên, ông Trí cũng nêu đã “lo” cho phóng viên của một báo đến làm việc… nhưng vẫn bị phóng viên này viết bài phản ánh về khu du lịch hoạt động “chui” và từ Tết đến nay nhiều báo đã đăng bài phản ánh về khu du lịch “chui” khiến ông rất buồn. Ông Trí không chấp nhận từ “chui” mà các báo đã sử dụng để phản ánh về Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” vì ông cho rằng từ “chui” chỉ có nghĩa với hình ảnh của con chuột chui vô hang rồi chui ra (…).
Xe điện đưa du khách đi tham quan
Than oán bị Bộ ngành Trung ương “hành” và xúc phạm phóng viên…
Tại buổi làm việc, ông Trí than oán và có ý cho rằng doanh nghiệp khổ nhọc vì các quy định. Luật pháp bây giờ, một dự án đầu tư triển khai đâu phải muốn là có liền. Đất đai, rồi quy định. Quy định này chồng chéo quy định kia, rồi xin thủ tục này kia. Thậm chí phải vác ba lô ra Bộ… muốn khùng luôn. Rồi về đây, một số cơ quan ban ngành cũng chưa tạo điều kiện rồi báo chí phản ánh…
Ông Trí còn kể này nọ rằng Công ty ông kết hợp làm du lịch, doanh thu có được mấy đồng, chủ yếu là tạo điều kiện cho có công ăn, việc làm, có ảnh hưởng gì tới ai đâu, lại có sản phẩm du lịch mới, có cái đa dạng để góp phần phát triển thương hiệu du lịch An Giang. Ông Trí còn so sánh, trong khi bây giờ, người ta bỏ ra mấy ngàn tỉ đồng làm điện, doanh thu 70 - 80 năm mới lấy vốn. Rồi còn bị cắt giảm công suất thì thời gian thu hồi vốn còn dài hơn… Còn bây giờ Công ty ông đang trong giai đoạn xây dựng đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, thì các anh cũng phải thông cảm… làm du lịch không phải để kiếm tiền, người ta làm du lịch vì niềm say mê, vì cống hiến thôi; làm đẹp cho quê hương, xứ sở … (?). Thu bạc cắc mà bỏ ra số tiền rất lớn, mà nay bị cơ quan này, mốt bị ông khách kia phàn nàn…
Tại buổi làm việc, ông Trí cho rằng, những bài báo phản ánh về Khu du lịch điện mặt trời An Hảo hoạt động “chui”, những nhà báo là nhóm lá cải, viết những bài báo rẻ tiền…
Ông Trí khẳng định Khu dự án điện mặt trời An Hảo đến nay vẫn chưa được công nhận là điểm du lịch nhưng việc quảng bá rầm rộ là “Khu du lịch điện mặt trời An Hảo” thu hút du khách vào tham quan để bán vé, thu tiền mà đơn vị này đã làm trong nhiều tháng qua không phải là “hoạt động chui”… Đồng thời, ông Trí yêu cầu phóng viên gỡ bài báo đã đăng. Cùng với ông Trí, bà Trần Thị Huyền Điểu, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Sao Mai cũng với thái độ hách dịch, khiếm nhã, yêu cầu tác giả gỡ bài báo đã đăng và công khai người dân nào, doanh nghiệp nào đã phản ánh …
Một điểm tham quan trong khu điện mặt trời An Hảo
Do không được phóng viên đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn tin và gỡ bài, Tổng Giám đốc Trần Minh Trí đã đập bàn và đuổi phóng viên ra về.
Với tinh thần cầu thị và mong muốn có phản hồi tiếp thu của Công ty cổ phần du lịch An Giang và Tập đoàn Sao Mai trước những vụ việc các báo, trong đó có Sức khỏe và Môi trường điện tử đã nêu nhưng cuộc đối thoại đã biến thành sự than oán cho cơ chế, chính sách, cho cách quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Việc hoạt động không phép, thu tiền của du khách phải được gọi là gì? Và điều đáng nói là tại buổi làm việc vị Tổng Giám đốc đã có thái độ khiếm nhã với phóng viên và miệt thị nghề báo, xin được hỏi ai cho ông có quyền này? Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt để mọi doanh nghiệp, bất kể ai cũng phải tuân thủ pháp luật trong kinh doanh.
VĨNH SƠN - LONG VIỆT