Ngày 11/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga. Khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ba Tháng Hai bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ. Tổng dư nợ của khoản vay tính đến ngày 2/7/2021 là hơn 475 tỷ đồng. Giá khởi điểm được BIDV đưa ra là hơn 311 tỷ đồng bằng 65,4% giá trị khoản nợ. Đây là lần thứ 5, BIDV ra thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga.
Ngày 10/11, BIDV Phú Tài thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy. Đây là thông báo bán đấu giá lần 9 của ngân hàng này với khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy. Thông tin của BIDV cho hay, khoản nợ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy (tại thời điểm ngày 7/6/2021) có tổng dư nợ hơn 1000 tỷ đồng. Khoản nợ có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng được đảm bảo bởi nhiều tài sản, trong đó nổi bật là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại địa chỉ số 13 đường Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú. Q. 7. TP HCM; Lô 8.749.433 cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang... Giá khởi điểm được BIDV đưa ra là hơn 602 tỷ đồng chỉ bằng 58% giá trị khoản nợ.
Ngày 4/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Thành Quang với giá khởi điểm hơn 547 tỷ đồng.
Cuối tháng 10/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Đồng Nai vừa thông báo về việc bán đấu giá tài sản của công ty Cổ phần Găng tay Nam Việt. Giá trị khoản nợ của Công ty Cổ phần Găng ty Nam Việt tính đến ngày 21/10 là hơn 1.025 tỷ đồng, gồm 40 triệu USD và 99 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc quy đổi sang VNĐ là 801 tỷ đòng; dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 224 tỷ đồng. Đây là khoản nợ theo các hợp đồng tín dụng năm 2013, 2017, 2018 và 2019. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hàng loạt quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Đồng Nai, Long An, TP.HCM. Bên cạnh đó còn có hệ thống thiết bị dây chuyền, thiết bị nhà máy sản xuất găng tay y tế, công trình trên đất tại nhà máy (nhà xưởng, kho hàng, nhà khí nén, xưởng kĩ thuật bảo trì, hệ thống lạnh, kho trộn hóa chất...). Tài sản đảm bảo còn bao gồm gần 4,9 triệu cổ phiếu Công ty CP găng tay Nam Việt chưa niêm yết của cổ đông sáng lập. Ngoài ra, BIDV cũng đã ký kết sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ tương lai đối với tài sản bảo đảm là máy móc, thiết bị hình thành trong tương lai. Giá khởi điểm bằng với giá trị khoản nợ là 1.025 tỷ đồng.
Vào 14/10, BIDV cũng vừa tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Số dư của khoản nợ tính đến 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi 174 tỷ, phí phạt quá hạn 67 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/05/2005. Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo mới 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM. Đáng chú ý, giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ.
Ông Trương Việt Bình là người sáng lập thời trang NEM. Ông Bình hiện đang là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019). NEM cũng từng liên quan khoản nợ xấu hơn trăm tỷ đồng mà VietinBank đã phát thông báo rao bán vào năm 2018.
Đước biết, nhiều khoản nợ cũng được BIDV rao bán, thanh lý nhiều lần như khối tài sản của Công ty CP Thúy Đạt mà BIDV Thành Nam vừa thông báo đấu giá lần thứ 44. Tài sản bảo đảm của công ty này gồm nhiều loại máy móc, thiết bị, nhà máy có thể bán riêng lẻ hoặc toàn bộ. Nhưng sau nhiều lần đấu giá trong suốt 3 năm qua, nhiều tài sản vẫn chưa thanh lý được. Các tài sản bảo đảm là máy móc, nhà máy, nhà xưởng thường phải rao bán rất nhiều lần, hạ giá rất sâu vì khó có người mua. Khác với các TSBĐ là bất động sản, phương tiện vận tải, người muốn mua TSBĐ là máy móc, nhà xưởng,..phải là những người có nhu cầu sử dụng để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đó. Nhiều trường hợp, ngân hàng đã phải rao bán nhiều năm, hạ giá tới 50-70% mới thanh lý thành công.
Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.