Người sáng lập hãng thời trang NEM liên quan đến khoản nợ mà BIDV muốn bán mãi không được là ai?

18/10/2021 08:46

Ngân hàng BIDV vừa đánh tiếng tiếp tục muốn bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần 9, khoản nợ có liên hệ với ông Trương Việt Bình, được biết đến là người khai sinh thương hiệu thời trang NEM.

Cụ thể, số dư của khoản nợ tính đến thời điểm 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi 174 tỷ, phí phạt quá hạn 67 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo đi kèm cho khoản nợ là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/05/2005.

Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo mới 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.

Hình ảnh hiếm hoi của ông Trương Việt Bình (phả) và đối tác
Hình ảnh hiếm hoi của ông Trương Việt Bình (phả) và đối tác

Đặc biệt, giá khởi điểm của khoản nợ tại BIDV là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, cứ mỗi khi không tìm được người mua, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, có giá trị một nửa khoản nợ. 

Về ông Trương Việt Bình, doanh nhân này vốn được biết là nhà sáng lập  thương hiệu NEM và các loạt các thương hiệu khác như NEM NEW, NEM Gold, NEM Luxury, NEM Premium… Ông Bình hiện đang là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019).

Các doanh nghiệp từng hoặc đang lên quan đến tên ông Trương Việt Bình và NEM gồm có: Công ty TNHH Bình Lý, CTCP Thời trang NEM, CTCP Thương mại NEM, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khánh Linh, Công ty Dịch vụ và Thương Mại An Thành.

Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2011, Công ty Bình Lý tiếp tục ra mắt thương hiệu phụ trợ như NEM Gold, NEM Classic, NEM Luxury… cung cấp sản phẩm đa dạng hơn.

Tuy nhiên, hãng thời trang NEM từng bị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank – Mã: CTG) siết nợ đối với khoản vay 111 tỷ đồng (gồm 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi). Chính ngân hàng cũng từng phải ra thông báo rao bán khoản nợ này vào năm 2018. 

Sau đó, đến cuối năm 2017 ông Bình buộc phải chuyển nhượng 70% cổ phần cho CTCP Stripe Việt Nam - pháp nhân do công ty Nhật Bản Stripe International thành lập. Trước thương vụ này được diễn ra, NEM từng được Stripe International đánh giá là đế chế thời trang công sở dành cho nữ lớn thứ hai tại Việt Nam. 

Công ty Nhật Bản cho biết việc mua lại NEM nằm trong kế hoạch tham gia thị trường Việt Nam, xa hơn là ASEAN với tiềm năng về dân số và tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở với tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%. Quả thật, thời điểm công ty Nhật Bản công bố thương vụ, số cửa hàng của NEM tại Việt Nam là 44, có lúc đã tăng lên 59 cửa hàng trên toàn quốc. 

Sau khoảng thời gian chuyển giao số cổ phần cho Stripe Việt Nam, vài năm trước vẫn xuất hiện thông tin Bình Lý vẫn còn hoạt động cùng với một chi nhánh tại quận Tân Bình, Tp.HCM. Còn hai chi nhánh khác của Công ty Bình Lý tại Quảng Ninh và Hải Dương ở trong trạng thái tạm nghỉ có thời hạn. 

Về bản thân ông Trương Việt Bình, theo như báo chí tìm hiểu thì đây là một vị doanh nhân có đời sống khá kín tiếng và có rất ít các thông tin chính thống về ông. Theo báo chí tìm hiểu thì ông Bình được biết đến là doanh nhân có niêm đam mê với phim ảnh, thậm chí từng đi đóng phim.

Ông cũng có thời gian làm việc cùng diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh (Tổng giám đốc Seven.am) trong quãng thời gian xây dựng Thương hiệu NEM. Theo lời kể của diễn viên Hải Anh, ông cùng vị doanh nhân từng mất hơn tháng để nghiên cứu thị trường Tp.HCM.

Theo thông tin từ đạo diễn Trần Lực - Giám đốc hãng phim Đông A, kể về sự giúp sức của các nhân ông Trương Việt Bình đối với nghiệp phim ảnh, ngoài tài trợ tài chính, Thời trang NEM của ông Bình còn đứng ra cung cấp hàng nghìn bộ trang phục trong quá trình quay hàng trăm tập phim

Bên cạnh quần áo có sẵn, ông Bình còn mời các nhà thiết kế nước ngoài theo dõi từ khâu kịch bản để tư vấn, thiết kế trang phục cho các vai diễn.

Bạn đang đọc bài viết "Người sáng lập hãng thời trang NEM liên quan đến khoản nợ mà BIDV muốn bán mãi không được là ai?" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).