Phiên khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, ngày 18/11/2021 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hành động đơn phương, sử dụng lực lượng chấp pháp vượt quá thẩm quyền, thậm chí sử dụng số lượng lớn tàu cá được trang bị vũ trang để duy trì hiện diện, tạo nguyên trạng mới, đồng thời, cản trở, can thiệp vào các hoạt động thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên của các quốc gia ven biển đang ngày càng mở rộng về phạm vi và tần suất gây quan ngại và xói mòn lòng tin giữa các bên.
Sự hiện diện với mật độ cao, quy mô lớn của các lực lượng hải quân không chỉ là biểu hiện của cạnh tranh sức mạnh quân sự mà còn tiềm ẩn rủi ro, sơ suất dẫn tới đối đầu.
Đặc biệt, sự gia tăng đột biến các hoạt động tập trận trên biển và trên không của các nước lớn đang làm lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang và quân sự hóa, khiến Biển Đông không chỉ là không gian biểu dương sức mạnh quân sự giữa các nước lớn, mà còn tiềm ẩn là điểm nóng xung đột của thế giới.
Xu hướng hợp tác
Bên cạnh những diễn biến căng thẳng, xu hướng hợp tác đã có dấu hiệu khởi sắc. Sau 14 năm gián đoạn, Việt Nam và Philippines đã nối lại thỏa thuận khảo sát nghiên cứu khoa học biển. Malaysia và Brunei đạt được thỏa thuận hợp tác về dầu khí trong khu vực dàn xếp thương mại trên biển giữa hai nước.
Trong khu vực, nhiều diễn đàn được tổ chức nhằm bàn thảo về các khía cạnh hợp tác biển, trong đó, có hợp tác bảo vệ môi trường biển, chống các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, khôi phục kết nối trên biển và phát triển kinh tế biển xanh.
Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, mặc dù còn những tuyên bố đơn phương làm phức tạp hóa tranh chấp, năm 2021 chứng kiến những chuyển động tích cực cả trong và ngoài khu vực. Các quốc gia, tổ chức có lợi ích liên quan như EU, Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ... đồng loạt công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh lợi ích và cam kết đóng góp cho hợp tác duy trì ổn định trên không gian biển, kể cả sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực Biển Đông nhằm củng cố và bảo vệ trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
ASEAN và các diễn đàn ASEAN chủ trì đã tìm được tiếng nói chung khi khẳng định quan ngại với các diễn biến trên thực địa, khẳng định vai trò thống nhất và phổ quát của UNCLOS trong việc xác lập các yêu sách biển và kêu gọi các bên hợp tác xây dựng lòng tin, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Tuyên bố về các Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). ASEAN cũng thành công trong việc ra Tuyên bố về Kinh tế biển xanh và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, sau một thời gian gián đoạn do tác động của Covid-19, quá trình đàm phán COC được tiếp tục với mục tiêu chung là hướng tới bộ quy tắc thực chất và hiệu quả.
Trên lĩnh vực pháp lý, mặc dù nhiều văn bản nội luật được ban hành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi áp dụng mập mờ, trao thẩm quyền vượt quá phạm vi chức năng của các lực lượng chấp pháp, đặc biệt là việc cho phép sử dụng vũ lực để trấn áp các hoạt động trên biển gây quan ngại về việc sử dụng vũ lực để hậu thuẫn, năm 2021 chứng kiến xu hướng tiếp diễn từ năm 2020 với việc vấn đề Biển Đông tiếp tục được nêu tại Liên hợp quốc.
Nhật Bản và New Zealand đã gửi công hàm tới Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc bày tỏ một số lập trường pháp lý về Biển Đông. Nhật Bản phản bác việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng với Trường Sa và khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết trọng tài Biển Đông trong việc đảm bảo duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Trong khi đó, New Zealand khẳng định giá trị duy nhất của UNCLOS trong việc tạo ra cơ sở pháp lý cho các yêu sách biển, bác bỏ quyền lịch sử, cũng như việc áp dụng đường cơ sở thẳng với Trường Sa, phản bác việc yêu sách chủ quyền và yêu sách vùng biển với các thực thể chìm, đồng thời, khẳng định giá trị ràng buộc của Phán quyết trọng tài Biển Đông với các bên trong vụ kiện.
Tiếp theo Mỹ, Australia, Anh, Đức và Pháp, đây tiếp tục là những tiếng nói của cộng đồng quốc tế, thể hiện quan điểm pháp lý rõ ràng, đề cao giá trị phổ quát của UNCLOS và công nhận giá trị pháp lý của Phán quyết trọng tài Biển Đông.
Trên lĩnh vực truyền thông, việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã mở ra khả năng minh bạch hóa các diễn biến trên thực địa, khiến cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận thức được các hoạt động đang diễn ra trên không gian biển.
Tuy nhiên, công nghệ viễn thám cũng có thể bị lợi dụng, công bố những kết quả sai lệch theo ý chủ quan của con người. Bên cạnh đó, việc lồng ghép những yêu sách chủ quyền phi pháp vào ấn phẩm khoa học, hoạt động chuyên ngành của một số tổ chức quốc tế vẫn tiếp diễn, làm phức tạp và chính trị hóa hoạt động nghiên cứu khoa học.
Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước. (Nguồn: UN)
Thông tin đa chiều
Tuy nhiên, điểm sáng trên lĩnh vực truyền thông là ngày càng có các diễn đàn mở, diễn đàn học thuật, công bố những thông tin, nghiên cứu khách quan, từ đó tạo ra hệ thống thông tin đa chiều, có thể kiểm chứng, làm tăng tính minh bạch và giảm thiểu sự kiểm soát, bóp méo thông tin về vấn đề Biển Đông. Sự tham gia của các kênh thông tin phi truyền thống góp phần làm cho thông tin trao đổi nhanh và thông suốt, từ đó, góp phần gia tăng nhận thức của giới học thuật và cộng đồng quốc tế quan tâm về vấn đề Biển Đông.
Những gam màu sáng tối đan xen trong bức tranh Biển Đông cho thấy, mặc dù năm 2021 không có xung đột lớn xảy ra, Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều lớp sóng ngầm, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng lên thành sự cố lớn.
Trong không gian chiến lược đang định hình với nhiều cấu trúc, liên kết an ninh mới hình thành đan xen ở phạm vi rộng lớn hơn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông là tâm điểm, nơi chứng kiến cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt nhất, đồng thời cũng là địa điểm thử nghiệm sự hình thành một trật tự quốc tế mới trên biển.
Xu hướng quân sự hóa, sử dụng sức mạnh cường quyền, hay xu hướng tự do, rộng mở, tôn trọng lợi ích của các nước vừa và nhỏ, dựa trên luật pháp quốc tế sẽ thắng thế và chiếm vị trí chủ đạo trong trật tự mới trên biển, không chỉ phụ thuộc vào vai trò trách nhiệm của các nước lớn mà còn cần nỗ lực chung của các nước vừa và nhỏ, đặc biệt là các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.