Bình Định: Công ty cổ phần Phú Tài đổ bột đá có đúng quy định?

08/03/2022 12:58

Sau khi các nhà thầu lấy đất san lấp hoàn thành dự án đường trục Khu kinh tế nối dài để lại ba hố đất sâu nguy hiểm tại thôn Chánh Nhơn và Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát từ năm 2019. Công ty cổ phần Phú Tài xin chủ trương san lấp 3 hố sâu này nhằm cải tạo phục hồi môi trường và tránh nguy hiểm cho người và gia súc. Tuy nhiên việc đổ bột đá xuống hố sâu một cách bừa bãi không đúng quy định sẽ gây hệ lụy môi trường.

Sau khi các nhà thầu lấy đất san lấp hoàn thành dự án đường trục Khu kinh tế nối dài để lại ba hố đất sâu nguy hiểm tại thôn Chánh Nhơn và Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát từ năm 2019. Công ty cổ phần Phú Tài xin chủ trương san lấp 3 hố sâu này nhằm cải tạo phục hồi môi trường và tránh nguy hiểm cho người và gia súc. Tuy nhiên việc đổ bột đá xuống hố sâu một cách bừa bãi không đúng quy định sẽ gây hệ lụy môi trường.

Khai thác đất và lấp hố bằng bột đá

Năm 2019, tỉnh Bình Định triển khai thi công dự án đường trục Khu kinh tế nối dài. Để có đất san lấp công trình, nhiều nhà thầu tập trung khai thác đất trái phép tại các thửa đất ở thôn Chánh Nhơn và Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Sau khi lấy đất xong, các thửa đất tạo thành 3 hố đất có diện tích hàng chục ngàn m2 với độ sâu từ 3 đến 7m, gây nguy hiểm cho tính mạng con người và gia súc, làm ảnh hưởng nguy cơ sạt lở đất đai của người dân xung quanh.

dsc00223.jpg Công ty cổ phần Phú Tài - Xí nghiệp 380 

Năm 2020, vì nhu cầu muốn có nơi để đổ bột đá nhằm phục hồi cải tạo môi trường cũng như san lấp các hố sâu nguy hiểm, Công ty cổ phần Phú Tài xin chủ trương và có phương án sử dụng chất thải công nghiệp thông thường là đá vụn và bột đá để san lấp mặt bằng tại 3 hố sâu trên.

dsc00185.jpg Hố khai thác đất và lấp đất bằng bột đá và đá vụn tại thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn 

Sau khi có ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Phù Cát và UBND xã Cát Nhơn, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Phú Tài sử dụng bột đá và đá vụn từ Nhà máy chế biến đá granite tại Cụm công nghiệp Cát Nhơn để san lấp mặt bằng, phục hồi môi trường tại các hố khai thác đất trước đây ở thôn Liên Trì và thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn.

dsc00292.jpg  Hố khai thác đất và lấp đất bằng bột đá và đá vụn tại thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn 

Theo tài liệu, phóng viên được biết 3 hố đất sâu này thuộc thửa đất 336, 339 tờ bản đồ số 02; thửa đất 24, 37, 55 và 620 thuộc tờ bản đồ số 02 thôn Liên Trì có tổng diện tích 25.923,3m2 và thửa đất số 116, 130, 131, 138, 145, 159, 160, 161 thuộc tờ bản đồ số 02 có diện tích 35.850,4m2, ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn.

Đổ bột đá không theo phương án

Sẽ không có điều gì đáng nói nếu việc san lấp 3 hố trên bằng bột đá đúng quy định, theo phương án mà Công ty cổ phần Phú Tài đề xuất. Có mặt tại hiện trường trong nhiều ngày, phóng viên Báo TN&MT ghi nhận việc san lấp của Công ty cổ phần Phú Tài diễn ra rất bừa bãi.

dsc00195.jpg Lấp bột đá bừa bãi tại các hố sâu, người và gia súc thường qua lại khu vực nguy hiểm 

Theo quan sát của phóng viên, những hố này có chiều sâu khoảng 3 đến 7m có nơi thậm chí sâu 10m, đất đá xung quanh miệng hố nằm ngổn ngang, dốc thẳng đứng, có nơi mở hàm ếch rất sâu. Xung quanh các hố này không hề có hàng rào bảo vệ hay biển cảnh báo nguy hiểm đối với người dân. Nhìn từ trên cao, những cái hố chứa đầy nước có màu trắng đục, miệng hố mở rộng như muốn nuốt chửng những con đường nằm bên cạnh cùng cây cối xung quanh. Người dân và gia súc mỗi khi qua đây nếu bất cẩn sẽ lọt xuống hố rất nguy hiểm.

dsc00206.jpg Đổ bột đá dồn đống trên miệng hố 

Các xe chở bột đá tới miệng hố là đổ xuống bên dưới. Xung quanh miệng hố không xây hộc bảo vệ mạch nước hay trộn đất, sỏi rồi mới san lấp và cũng không có bất kỳ ai giám sát việc san lấp của đơn vị này có đúng quy định hay không?

Ông Đoàn Văn Bút, người dân tại thôn Liên Trì cho biết: Họ mua đất lại người dân rồi múc đất làm đường. Đường làm xong tạo thành hố. Hàng ngày chúng tôi qua lại, chăn thả bò, nghé tại đây nhưng xung quanh miệng hố không có bất kỳ rào chắn nào cả. Mới đây, có mấy lần bò, nghé bị rơi xuống hố rồi chết. Chúng tôi ở đây rất lo lắng mỗi khi đi qua đây.

dsc00266.jpg Hố đất thành hố nước sâu hoắm

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Bằng - Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn cho biết: Lâu nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, địa phương không thể ra quân theo dõi, giám sát thường xuyên việc san lấp của Xí nghiệp 380- Công ty cổ phần Phú Tài. Thời gian tới, địa phương sẽ cử người theo dõi việc san lấp của Công ty nhiều hơn.

dsc00293.jpg  Các miệng hố và quanh khu vực hố không có rào chắn còn  biển bảo nguy hiểm thì chỉ cắm duy nhất một cái biển nhỏ 

Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Đây là những hố đã bị lấy đất để phục vụ làm tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội. Ngay sau khi hoàn thành đường trục Khu kinh tế, địa phương xin ý kiến chỉ đạo tỉnh về chủ trương cho Công ty cổ phần Phú Tài sử dụng bột đá và đá vụn san lấp, phục hồi môi trường tại các hố đã khai thác đất. UBND huyện Phù Cát yêu cầu Công ty cổ phần Phú Tài phải triển khai thực hiện phương án san lấp tại thôn Liên Trì trước sau đó mới thực hiện tại thôn Chánh Nhơn. Ngoài ra, khu vực san lấp phải xây dựng kè chắn bao quanh đảm bảo không để bột đá tràn ra môi trường bên ngoài, cắm các biển cảnh báo xung quanh vị trí san lấp.

dsc00305.jpg  Các hố sâu đổ bột đá bữa bãi 

Bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết: Sở đã lấy mẫu bột đá tại đây để xét nghiệm và thẩm định, kết luận bột đá trong quá trình sản xuất tại đây không phải là chất thải nguy hại mà là chất thải công nghiệp thông thường. Tuy nhiên, việc san lấp phải đúng quy trình và tuân thủ quy định: xây hộc và đổ bột đá xuống để hạn chế việc bột đá gây tắt nghẽn mạch nước tại khu vực này chứ không được san lấp một cách bừa bãi.

dsc00311.jpg Bột đá san nền đến đâu tạo thành đường đi cho xe đất lậu đi qua. Mặc dù hiện tại xã Cát Nhơn không có mỏ đất cấp phép thế nhưng khi phóng viên vào tiếp cận hiện trường 3 hố đất san lấp bột đá vẫn thấy xe chở đất ra vào khu vực thôn Liên Trì chạy ra hướng quốc lộ 19B. 

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho hay: Hiện nay Bộ Xây dựng chưa ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với việc sử dụng chất thải bột đá từ các nhà máy chế biến đá granite để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san nền. Tuy nhiên căn cứ quy định tại điểm a và điểm đ, khoản 4, Điều 9, Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng, quy định về quản lý chất rải rắn, có nêu: Chất thải rắn xây dựng dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền.

"Bột đá là loại phế phẩm sau chế biến đá ốp lát, không pha lẫn các loại hóa chất, tùy theo yêu cầu kỹ thuật có thể pha trộn bột đá với các loại vật liệu san nền khác theo tỷ lệ thiết kế để làm vật liệu san nền. Trong đó, lưu ý thành phần hạt của bột đá rất mịn nên muốn sử dụng bột đá làm vật liệu san lấp, đảm bảo độ chặt, không xảy ra hiện tượng trôi chảy bột đá ra môi trường khi ngập nước, phải thực hiện phối trộn bột đá với các loại vật liệu khác có cỡ hạt lớn hơn như đất, cát, sỏi. Đồng thời, phải có biện pháp lu lèn phù hợp, có phương án ngăn không cho bột đá trôi chảy và phương án đảm bảo môi trường khi thực hiện thi công san lấp", ông Trần Viết Bảo nói thêm.

Bạn đang đọc bài viết "Bình Định: Công ty cổ phần Phú Tài đổ bột đá có đúng quy định?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).