Chuyện thật như đùa ở Bình Định: Doanh nghiệp phá rừng, huyện báo cáo lấn chiếm đất!

18/09/2021 15:31

Trong quá trình triển khai thi công dự án, Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch đã phá rừng phòng hộ ven biển ở Bình Định với 5,26 ha. Thế nhưng, khi báo cáo với cấp trên, huyện Phù Mỹ chỉ nói doanh nghiệp lấn chiếm đất nên đề xuất xử phạt hành chính.

Sáng 18-9, nguồn tin của phóng viên cho biết trong tuần tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý vụ phá "nhầm" 5,26 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, gây bức xúc dư luận nhiều ngày qua.

Một cây phi lao có đường kính khoảng 30 cm bị đốn hạ

Phá rừng thành "tác động" đất

Trước đó, ngày 17-9, ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, đã ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Định về vụ phá rừng trên. Cụ thể, báo cáo nêu rằng theo giải trình của Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã "tác động" đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh cho thuê đất với diện tích 5,26 ha.

Về vụ việc trên, UBND huyện Phù Mỹ nhận định Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch đã san ủi mặt bằng và làm hàng rào trên diện tích 5,26 ha thuộc thôn Xuân Bình, xã Mỹ An. Đây là đất trồng phi lao ven biển, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. Tuy nhiên, do nắng hạn gây ra từ khi trồng đến nay nên cây đến nay, cây chết khô cục bộ.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Phù Mỹ đề xuất UBND tỉnh Bình Định xử phạt hành chính Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền từ 60 đến 90 triệu đồng; buộc doanh nghiệp này trả lại 5,26 ha đất đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý theo thẩm quyền và thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định.

Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ còn đề xuất UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc để xảy ra sai phạm trên.

5,26 ha rừng phòng hộ ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh bị đốn hạ

Nhân chứng khẳng định doanh nghiệp cố tình phá rừng

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy xác nhận trong quá trình thi công dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, đơn vị thi công đã phá 5,26 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An. Đây là rừng cây phi lao khoảng 10 năm tuổi.

Liên quan vụ việc trên, anh T.T.B (ngụ thôn Xuân Bình, xã Mỹ An) tỏ ra khá bức xúc sau khi đọc được nội dung bản báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ. Theo anh B., 5,26 ha rừng vừa bị phá đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ ký hợp đồng giao khoán cho vợ chồng anh bảo vệ với số tiền 300.000 đồng/ha/năm. Đây là khu rừng nằm trong tổng diện tích 34,2 ha được gia đình anh B. khai hoang, trồng keo lá tràm từ năm 2006 với số lượng 125.000 cây, sau đó nhà nước lấy trồng thêm cây phi lao.

Tối 6-8, trong lúc ở nhà, vợ chồng anh B. nghe tiếng máy móc hoạt động từ khu rừng được giao bảo vệ nhưng nghĩ rằng thi công nhà máy nên không quan tâm. Sáng 7-8, anh B. đi kiểm tra rừng thì phát hiện nhiều ha rừng trong khu rừng mình bảo vệ bị san bằng rồi rào lại.

Đến khoảng 19 giờ tối 7-8, anh B. lại nghe máy móc từ bên phía khu rừng nên vội vàng cùng vợ chạy ra xem. Tại đây, vợ chồng anh B. phát hiện công nhân thi công nhà máy điện dùng 4 máy đào bứng gốc cây phi lao, cây keo trong khu rừng này. Bức xúc, vợ chồng anh B. phản ứng, yêu cầu dừng ngay việc phá rừng thì họ ngưng hoạt động. Tuy nhiên, sau khi vợ chồng anh B. về nhà thì việc phá rừng lại tiếp tục.

Vợ chồng anh B. khẳng định sau khi phát hiện vụ phá rừng trong 2 đêm 6 và 7-8, ngày 8-8, họ gọi điện thoại báo cán bộ địa chính xã Mỹ An và ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ. Tuy nhiên, cán bộ địa chính nói để xin ý kiến lãnh đạo xã; còn ông Thăng thì bảo nay chủ nhật nghỉ, không có ai làm việc. Mãi đến khoảng 10 ngày sau, đoàn công tác của huyện Phù Mỹ mới đến hiện trường kiểm tra, làm việc với những người đang thi công.

Cây phi lao và keo được hạ từ 5,26 ha rừng phòng hộ vừa bị phá, đang được chuyển đi khỏi khu vực dự án điện mặt trời

Nói về việc chủ đầu tư dự án cho rằng nguyên nhân phá 5,26 ha rừng là do "nhầm lẫn" mốc giới, anh B. phản ứng: "Khi phát hiện họ dùng máy múc đào gốc cây trong khu rừng, vợ chồng tôi lập tức đến ngăn cản, báo cho họ biết đây là rừng phòng hộ của nhà nước nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục phá. Nếu nhầm thì họ dừng luôn chứ tại sao sau đó lại lén lút phá rừng khi vợ chồng tôi về nhà? Ngoài ra, trên khu rừng này còn có hàng ngàn cây keo 15 năm tuổi của gia đình tôi trồng trước. Họ tàn phá rừng rõ ràng như vậy mà không hiểu sao UBND huyện Phù Mỹ lại báo cáo lấn chiếm đất?".

Trao đổi với phóng viên vào sáng cùng ngày, nhiều người dân xã Mỹ An tỏ ra khá bức xúc khi UBND huyện Phù Mỹ báo cáo rằng Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch lấn chiếm đất chứ không nói gì về việc phá rừng như thực tế đã diễn ra.

"Họ tàn phá khu rừng phòng hộ có nhiều cây phi lao và keo nhiều năm tuổi để lấn chiếm đất làm dự án. Vậy mà huyện bỏ hành vi phá rừng, chỉ báo cáo chuyện lấn chiếm đất rồi đề xuất xử lý hành chính về hành vi này. Chúng tôi thật sự bất ngờ với bản báo cáo này của UBND huyện Phù Mỹ" - một người dân xã Mỹ An bày tỏ.

Thêm 6 ha rừng phòng hộ xã Mỹ An bị phá?

Chị N.T.H (ngụ thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An) cho biết tháng 2-2021, khu rừng phòng hộ gồm phi lao và keo được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ khoán cho vợ chồng chị bảo vệ đã bị đơn vị thi công dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ san bằng khoảng 6 ha. Sau khi phát hiện và báo cáo, tháng 4-2021, vợ chồng chị được chủ đầu tư dự án bồi thường cây keo trồng trên khu rừng này với số tiền 9,5 triệu đồng.

"Nghĩ lại vụ này, tôi thấy rất nhiều điều lạ. Cụ thể, sau khi tôi báo về vụ phá 6 ha rừng phòng hộ đang được giao bảo vệ, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ nói khu vực này đã giao cho nhà đầu tư làm dự án. Nếu khu rừng đã giao làm dự án thì tại sao còn hợp đồng thuê khoán vợ chồng tôi bảo vệ? Nếu đã giao nhà đầu tư thì tại sao không thỏa thuận bồi thường cây keo trong khu rừng này cho vợ chồng tôi, mà sau khi phá xong mới thương lượng bồi thường? Hơn nữa, nếu rừng đã được giao rồi thì tại sao họ phá lén lút như vậy?" - chị H. thắc mắc.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện thật như đùa ở Bình Định: Doanh nghiệp phá rừng, huyện báo cáo lấn chiếm đất!" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).