Bloomberg: Nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường

30/05/2021 08:49

Nhà đầu tư đang đóng vai trò quan trọng tại ba thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á gồm Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc và được dự báo sẽ tiếp tục là lực lượng quan trọng trong tương lai.

Ba trong số các thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất châu Á cũng là các thị trường mà nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò lớn. Điều này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên toàn thế giới.

Không nơi nào thể hiện điều này rõ hơn Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% thanh khoản thị trường. Chỉ số VN-Index đã tăng 20% kể từ đầu năm, cao nhất trong số các thị trường trong khu vực.

Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nơi chỉ số tăng 10%. Các nhà đầu tư cá nhân đóng góp 75% giá trị giao dịch tại Hàn Quốc và 70% giá trị giao dịch tại Đài Loan.

Sức mạnh cá nhân được khẳng định trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên cả 3 thị trường.

 

Nhà đầu tư F0, động lực biến TTCK Việt Nam hoạt động tốt nhất châu Á bên cạnh Đài Loan và Hàn Quốc  - Ảnh 1.

Các thị trường hoạt động tốt nhất châu Á kể từ đầu năm

Sự bùng nổ nhà đầu tư cá nhân toàn cầu trong thời đại dịch đang tiếp tục. Những đợt bùng phát mới của COVID-19, việc hạn chế di chuyển đã khiến nhiều người tham gia thị trường chứng khoán như một cách để có thể bù đắp thu nhập đã mất hoặc thay thế cho số tiền nhận được ít ỏi từ gửi ngân hàng.

Sự gia tăng của các ứng dụng giao dịch giá rẻ trên điện thoại thông minh và thiết bị di động trở thành chất xúc tác chính cho xu hướng này.

Margaret Yang, nhà phân tích tại DailyFX, Singapore cho biết: "Các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là một lực lượng quan trọng của thị trường khi kiến thức và kỹ năng giao dịch của họ tăng lên trong quá trình đầu tư".

Nhưng bà cảnh báo điều này cũng đem lại sự biến động cao hơn cho thị trường do "hiệu ứng bầy đàn".

Bằng chứng là tại thị trường Đài Loan thời gian gần đây, sự bùng phát trở lại của COVID-19 đã khiến chỉ số lao dốc hồi đầu tháng, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Và sau đó, thị trường hồi phục lấy lại hết những gì đã mất chỉ trong hai tuần.

Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số S&P 500 dao động ở mức kỷ lục. Một số nhà đầu tư cá nhân dường như đã tắt ứng dụng và đổ tiền của họ vào các tài sản ít rủi ro hơn khi việc triển khai vắc xin cho phép mở cửa trở lại văn phòng, nhà hàng và quán bar.

Nhà đầu tư cá nhân không đơn độc

Nhưng nhà đầu tư cá nhân không phải là động lực duy nhất thúc đẩy các thị trường hoạt động tốt kể trên.

Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan cũng được hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu khi các đợt triển khai vắc xin gia tăng niềm tin trên toàn cầu.

Các lô hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc đã tăng trên 53% trong 20 ngày đầu tháng 5 so với một năm trước đó. Xuất khẩu của Đài Loan vượt qua ước tính hồi tháng 4 trong bối cảnh doanh số bán dẫn và linh kiện điện tử gia tăng. Việt Nam được coi là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất tại châu Á từ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và gói kích thích khổng lồ.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng, các nhà đầu tư cá nhân có thể không duy trì được nhịp độ giao dịch mạnh mẽ như những tháng gần đây.

 

Jonathan Garner, giám đốc chiến lược thị trường mới nổi khu vực châu Á của Morgan Stanley tại Hong Kong cho biết: "Khối lượng giao dịch đã tăng gấp 3, 4, 5 thậm chí ở Đài Loan là 6 lần so với những gì chúng tôi đã thấy hồi 2016. Với việc thanh khoản tăng với tốc độ như vậy, nó khó có khả năng bền vững".

Việt Nam

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư nội cân lại hết khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra.

Các lựa chọn đầu tư cho cá nhân hạn chế, lãi suất tương đối thấp và sự phát triển của dịch vụ môi giới là những điều kiện lý tưởng.

Stephen McKeever, giám đốc bộ phận khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng mức độ hoạt động của nhà đầu tư ở mức cao sẽ được duy trì miễn là lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu hướng giảm".

Nhà đầu tư F0, động lực biến TTCK Việt Nam hoạt động tốt nhất châu Á bên cạnh Đài Loan và Hàn Quốc  - Ảnh 2.

Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức cao kỷ lục

Một giám đốc khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI cho biết cô cảnh giác với việc thị trường có khả năng điều chỉnh, cùng với đó là theo dõi sát bất kỳ diễn biến nghiêm trọng nào của đại dịch.

Đài Loan

Đài Loan cũng ghi nhận sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân kể từ thời điểm cơ quan quản lý mở giao dịch cổ phiếu lô lẻ vào tháng 10 năm ngoái.

Điều này khiến cho các cổ phiếu giá cao như nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSM) trở nên dễ đầu tư hơn cho các cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu Đài Loan, thanh khoản mỗi ngày vẫn đạt mức 17,9 tỷ USD, cao hơn 30% so với mức trung bình hàng ngày trong năm nay (dữ liệu từ Bloomberg).

Một điều kiện thuận lợi khác có thể đang được tiến hành. Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan và Sở giao dịch Đài Bắc có kế hoạch nới lỏng các quy định thực hiện từ xa cho giao dịch cổ phiếu, trái phiếu để tạo thuận lợi cho hoạt động thị trường.

Nhà đầu tư F0, động lực biến TTCK Việt Nam hoạt động tốt nhất châu Á bên cạnh Đài Loan và Hàn Quốc  - Ảnh 3.

Thanh khoản thị trường Đài Loan vẫn ở mức cao trong bối cảnh dòng tiền nước ngoài thấp

Hàn Quốc

Các nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc mua nhiều cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học. Bất chấp việc dỡ bỏ lệnh cấm bán khống thời gian gần đây và nhiều ngày bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư cá nhân, một số kỳ vọng sức ảnh hưởng vẫn được duy trì.

Nhà phân tích Han Jiyoung của Chứng khoán Kiwoom cho biết, bất kỳ sự mềm yếu nào trong tâm lý hiện nay có thể chỉ là "tạm thời". Các nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ tiếp tục bổ sung cổ phiếu đối với các công ty sản xuất vốn hóa lớn như Samsung Electronics và Hyundai Motor.

Bạn đang đọc bài viết "Bloomberg: Nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).