Bức tranh tài chính mang tên hệ sinh thái thương hiệu Vietracimex - WTO

21/06/2022 10:58

Từ tháng 12/2018 đến nay, nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng đã huy động tổng cộng 11.374 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Những khoản nợ của Vietracimex - WTO tại các ngân hàng cũng không hề nhỏ.

Dòng tiền nghìn tỷ dồn dập chảy về nhóm Vietracimex qua đường trái phiếu

Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng (Hòa Thắng) vừa công bố phát hành thành công 545 tỷ đồng trái phiếu mã HTECH2133001, kỳ hạn 4.319 ngày. Thương vụ được thực hiện từ ngày 03/03 – 30/05/2022.

Trước đó, từ ngày 31/08 – 30/11/2021, Hòa Thắng đã huy động được 880 tỷ đồng từ phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 12 năm 04 tháng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.736 tỉ đồng) tại Bình Thuận.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu gồm dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, 103,4 triệu cổ phần do Hòa Thắng phát hành và các quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Khối tài sản nêu trên cũng được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 220 tỷ đồng mà Hòa Thắng phát hành vào cuối năm 2019. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 14 năm, với lãi suất 10%/năm.

Hòa Thắng là một thành viên của Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex - WTO của đại gia Võ Nhật Thăng (SN 1959), được thành lập từ tháng 02/2018. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 850 tỷ đồng, trong đó Vietracimex góp 816 tỉ đồng, sở hữu 96% vốn điều lệ.

Tính đến tháng 11/2020, quy mô vốn điều lệ của Hòa Thắng đã được nâng lên mức 1.034 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Dương Văn Liêm (SN 1990).

bang-tong-hop-nhung-lan-huy-dong-von-bang-trai-phieu-cua-he-sinh-thai-vietracimex-wto-1655783418.png
Bảng tổng hợp những lần huy động vốn bằng trái phiếu của hệ sinh thái Vietracimex - WTO.

Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Công ty này hoạt động chính trong 04 lĩnh vực bao gồm bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Ít năm gần đây, Vietracimex đã hút được lượng lớn nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu.

Cụ thể, từ tháng 12/2018 – 03/2022, Vietracimex phát hành tổng cộng 5.579 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các dự án năng lượng và bất động sản.

Một số đơn vị thành viên khác của Vietracimex cũng phát hành thành công hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu như Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 (2.550 tỉ đồng), Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 (1.600 tỉ đồng).

Hai pháp nhân này lần lượt là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150 MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng) và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng)

Lộ khoản nợ 2.600 tỷ đồng của Vietracimex

Khoản nợ phải trả này chính là lượng trái phiếu mà Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng-Vietracimex - WTO, do ông Võ Nhật Thăng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), đã phát hành được tiết lộ trong đợt báo cáo thanh toán gốc, lãi trái phiếu giai đoạn nửa đầu năm 2019. Văn bản báo cáo được ký bởi ông Lê Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vietracimex.

Theo đó, trong giai đoạn từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 03/2019, Vietracimex đã phát hành 04 đợt trái phiếu cùng có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng. Danh tính của các trái chủ không được tiết lộ.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, giai đoạn kể từ ngày 01/01 - 30/06/2019, Vietracimex thực hiện thanh toán tổng cộng 100 tỷ đồng tiền lãi cho các lô trái phiếu kể trên, tương đương với mức lãi suất bình quân theo tính toán của VietTimes chỉ là 7,7%/năm.

So với mặt bằng chung trên thị trường, mức lãi suất dành cho trái phiếu của Vietracimex là khá thấp và có phần ưu đãi.

vietracimex-huy-dong-2600-ty-dong-tu-04-dot-phat-hanh-trai-phieu-1655783418.png
Vietracimex huy động 2.600 tỷ đồng từ 04 đợt phát hành trái phiếu.

Được biết, Vietracimex tiền thân là Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng, được thành lập từ năm 1999. Sau nhiều lần sáp nhập với một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, năm 2004, công ty lọt vào danh sách các Tổng công ty Nhà nước được thí điểm tiến hành cổ phần hóa.

Tới năm 2014, Vietracimex - WTO chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với quy mô vốn điều lệ đăng ký lên tới hơn 5.510 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2016, vốn thực góp của Công ty này mới chỉ dừng ở mức 3.712 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ riêng ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) đã nắm giữ tới 87,85% vốn điều lệ. Đại diện cổ đông Nhà nước khi đó là SCIC chỉ sở hữu 0,72% vốn. Ông Võ Nhật Thăng nhiều năm liền đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty.

Quy mô tổng tài sản của Vietracimex tính tới cuối năm 2016 đạt tới 8.934,4 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2014 - 2016 của Vietracimex không được khả quan khi nguồn doanh thu biến động lớn, hiệu quả kinh doanh giảm sút. Riêng trong năm 2016, Công ty này báo lỗ 1,36 tỷ đồng.

Vietracimex là chủ đầu tư nhiều dự án lớn như: Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai (có tên thương mại là Hinode City, diện tích 31.249 m2, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2016); Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (diện tích 138,1 ha, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội); Dự án nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang - tổng vốn đầu tư 1.454 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Vietracimex - WTO còn sở hữu lô đất rộng 8.534,8 m2 tại số 926 Đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và lô đất 29.204 m2 tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội (dự kiến đầu tư xây dựng khu nhà ở thấp tầng và nhà trẻ).

Theo tìm hiểu, SCIC đã từng tổ chức đấu giá để triệt thoái toàn bộ số cổ phần tại Vietracimex trong nửa cuối năm 2017. Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, phải tới tận tháng 08/2018 (trước thời điểm phát hành các lô trái phiếu kể trên), SCIC mới hoàn thành triệt thoái vốn khỏi Vietracimex.

Phần lớn số cổ phần, tương đương 99,988% vốn điều lệ Công ty này thuộc sở hữu của ông Võ Nhật Thăng.

Sau đó không lâu, vào tháng 10/2018, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh nâng tổng diện tích quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Vietracimex làm chủ đầu tư lên mức 146,7 ha.

Tới tháng 05/2019, quy mô vốn điều lệ của Vietracimex cũng được nâng lên mức 5.510 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty này cũng tiến hành đổi tên viết tắt thành WTO.

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính mang tên hệ sinh thái thương hiệu Vietracimex - WTO" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).