Một thời buông lỏng quản lý nhà nước và “cụ thể hóa” bằng các quyết định sai trái, bất chấp chỉ trích của một số đại biểu nhân dân và người dân, 7 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã nhúng chàm. Sau khi 7 cựu quan chức này bị bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú và đề nghị truy tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, điều dư luận đặc biệt quan tâm là, núi Chín Khúc đã bị “băm nát” như thế nào để phục vụ các dự án?
Các dự án trên núi Chín Khúc “đưa đẩy” nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sai phạm. Trong ảnh: Một dự án trên núi Chín Khúc
Bài 3: Đến cuối “đường hầm” mới chịu sửa sai
Chỉ đến khi núi Chín Khúc đã bị băm nát, UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu các nhà đầu tư tạm dừng toàn bộ dự án cho đến khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định.
Xem xét trách nhiệm của nhiều cá nhân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận, một số cá nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa có liên quan đến Tờ trình số 1232 ngày 2/7/2014 do ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký, đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư lần 2, gồm bà Trần Thị Thanh Hải (Trưởng phòng Hợp tác đầu tư), ông Nguyễn Trường Sơn (chuyên viên) với nhiệm vụ được giao về thẩm định quy trình đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư còn một số thiếu sót về đánh giá nguồn vốn của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hành vi của các cá nhân trên không trực tiếp liên quan đến việc tham mưu giao đất, chuyển quyền sử dụng đất vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, nên không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự, nhưng cần thiết phải kiến nghị xử lý về hành chính theo quy định của pháp luật.
Tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, trên núi Chín Khúc có 5 dự án. Đó là Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, Dự án Khu đô thị Đất Lành, Dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, Dự án Mở rộng phía Tây khu dân cư Đất Lành và Dự án Làng biệt thự sinh thái Giáng Hương.
Đối với các cá nhân tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 3 bị can, gồm Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng trực tiếp liên quan đến việc giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.
Ngoài ra, vụ việc còn có trách nhiệm của bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai và ông Huỳnh Minh Thi, Phó trưởng phòng liên quan đến việc soạn thảo, ký nháy các tờ trình chuyển mục đích 0,75 ha đất ở nông thôn trong dự án. Bà Hương, ông Thi đã phải thực hiện theo chỉ đạo của ông Võ Tấn Thái theo nội dung bút phê thể hiện tại Công văn số 487 ngày 22/10/2015 của Công ty Khánh Hòa và đã nhiều lần có ý kiến về việc khu vực chuyên mục đích 0,75 ha chưa có quy hoạch đất ở nông thôn.
Tuy nhiên, ông Võ Tấn Thái chỉ đạo phải thực hiện và kết quả ghi lời khai ông Võ Tấn Thái thừa nhận, đã chỉ đạo bà Hương, ông Thi thực hiện theo nội dung Văn bản số 6781 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hành vi của các cá nhân trên không đủ căn cứ để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, việc ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa ký các văn bản xác định quy hoạch 3 loại rừng phục vụ mục tiêu của dự án trồng rừng và du lịch sinh thái, không trực tiếp liên quan đến việc tham mưu giao đất, chuyển quyền sử dụng đất vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nên không có căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến việc xác định tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho chủ đầu tư gồm các cá nhân, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa xác định, ông Trần Sỹ Quân (Phó cục trưởng), ông Trần Đình Tú (Trưởng phòng), bà Lâm Nữ Hồng Mỹ (công chức) thực hiện việc áp giá đất theo Quyết định của UBND tỉnh về giá đất để làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất.
Quá trình thực hiện việc thu tiền sử dụng đất, việc miễn thu tiền sử dụng đất theo Văn bản số 3894 ngày 13/8/2009 của UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện theo quy định và có Văn bản số 4939 ngày 17/9/2014, do ông Trần Sỹ Quân ký báo cáo UBND tỉnh về việc không có căn cứ khi thực hiện không thu tiền sử dụng đất đối với đất khoanh nuôi tái sinh của dự án. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân trên.
Chủ đầu tư chủ động trả đất, dừng đầu tư
Theo kết luận điều tra, Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư số 37121000299 lần đầu ngày 13/10/2011, có tổng vốn đầu tư 232,5 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương mở rộng Dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái trong Khu kinh tế trang trại Đất Lành để thực hiện mục tiêu trồng rừng.
Liên quan đến việc sử dụng đất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chủ đầu tư đã thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất đủ theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình triển khai dự án trên, chủ đầu tư đã thực hiện việc san ủi làm đường lâm sinh phục vụ trồng rừng theo văn bản cho phép của UBND tỉnh và hiện trạng của Dự án đến nay chưa xây dựng công trình kiến trúc nào trên đất.
Đối với mục tiêu trồng rừng của Dự án, chủ đầu tư đã thực hiện triển khai khoảng 90% đối với diện tích hơn 142,55 ha. Sau khi phát hiện sai phạm về việc giao đất đối với Dự án, chủ đầu tư đã chủ động hợp tác, có văn bản trả lại diện tích 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng. Đến nay, hiện trạng đất dự án đã được chuyển đổi cơ cấu các loại đất từ đất ở nông thôn, đất thương mại dịch vụ thành đất trồng rừng sản xuất theo đúng quy hoạch để thực hiện mục tiêu đầu tư ban đầu.
Diện tích đất của Dự án đã giao được Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT-17418 còn 142,5501 ha. Hiện nay, Dự án đã dừng mọi hoạt động đầu tư.
Trong khi đó, Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung được hình thành trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân ông Nguyễn Khánh Hòa (Giám đốc Công ty Khánh Hòa). Ngày 22/9/2011, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty Khánh Hòa đối với Dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, có vốn đầu tư 297,8 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã san ủi mặt bằng theo văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, đã vận chuyển ra ngoài dự án 40.000 m3 đất đá theo Văn bản số 1042 ngày 17/5/2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường và thực hiện đóng thuế tài nguyên đầy đủ.
Đến nay, Dự án đã ngừng triển khai, chưa thực hiện việc xây dựng công trình kiến trúc nào trên đất, chưa thực hiện việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với Dự án và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng, không có căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư.
“Cuối đường hầm” mới chịu sửa sai
Để thực hiện Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, Công ty Khánh Hòa đã xẻ núi, mở nhiều con đường “rồng rắn” lên Chín Khúc. Dù vậy, đến năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa mới cho cấp dưới kiểm tra và phát hiện nhiều “chưa” tại dự án này.
Đó là chưa lập hồ sơ thiết kế, chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động lên diện tích được giao để thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định, chưa thực hiện làm đường ranh cản lửa theo hồ sơ báo cáo dự án đầu tư đã được thẩm định và chưa xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích đất được giao để trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng.
Ngày 2/7/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản số 6397 báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư tạm dừng toàn bộ dự án triển khai trên núi Chín Khúc cho đến khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định.
Đồng thời, các nhà đầu tư phải khẩn trương trồng cây, phủ xanh các khoảng trống đất đá do bị mất đi các thảm thực vật trong quá trình thi công làm đường lâm nghiệp lên đỉnh núi.
Qua rà soát các dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy, các dự án tại núi Chín Khúc triển khai qua nhiều giai đoạn, kéo dài và có các thiếu sót trong quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường. Ông Lê Đức Vinh, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phải “cấp tốc” yêu cầu tạm dừng dự án và yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương trồng cây, phủ xanh các khoảng đất trống. Nhưng mọi thứ đã quá muộn màng. Việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu là rất nan giải, vì núi Chín Khúc có độ dốc quá lớn.
Ngay tại báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ông Lê Đức Vinh đã thừa nhận việc thi công xây dựng, san nền địa hình, san nền dự án không đúng nội dung đã được cấp phép hoặc chưa được cấp phép và việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với quản lý, sử dụng đất.
Sai trái là vậy, nhưng trước đó, tại Văn bản số 323 (ngày 27/5/2019), chính ông Lê Đức Vinh, sau khi chủ trì cuộc họp về việc kiểm tra, xử lý các dự án trên núi Chín Khúc, cũng chỉ phê bình các cơ quan (gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP. Nha Trang), vì chưa chủ động trong kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các dự án ở núi Chín Khúc.
Theo kết quả rà soát các dự án ven đồi núi của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 7/6/2019, thì tổng diện tích thực hiện Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự hơn 513 ha. Theo giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9/11/2015, mục tiêu dự án này là đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc cho thuê mua, đồng thời trồng rừng, bảo vệ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh. Trong đó, đất lâm nghiệp, đất trồng rừng sản xuất, đất nông nghiệp khác và đất khác là hơn 508 ha, còn lại đất ở lâu dài, đất thương mại dịch vụ hơn 5,2 ha.
Câu hỏi đặt ra là tại sao núi Chín Khúc lại “lọt” vào loại đất “đất ở lâu dài”? Lạ hơn, theo Đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1396 ngày 25/9/2012, toàn bộ dự án quy hoạch xác định là đất đồi núi, nhưng nhiều diện tích đất “lạ” như đất thương mại dịch vụ lại “xuất hiện” trong giấy chứng nhận đầu tư lần đầu. Điều này càng bộc lộ rõ hơn dấu hiệu “làm trái” của người ký, cấp phép dự án này.
(Còn tiếp)