Các trụ cột trong phát triển thị trường lao động giai đoạn mới

03/09/2022 09:30

Việt Nam hiện còn thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; hệ thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm chưa phát huy tốt vai trò kết nối cung - cầu lao động.

Thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 

Văn phòng Chính phủ mới đây đã phát đi Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 30/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".

Thông báo nêu rõ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng, cùng với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động ở Việt Nam đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng đầy đủ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; chuyển đổi xanh.

Cùng với đó, thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập, chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động; lưới an sinh xã hội có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế, cũng như việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bao gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế; năng lực quản trị, vận hành thị trường lao động còn yếu.

Việt Nam hiện còn thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; hệ thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm chưa phát huy tốt vai trò kết nối cung - cầu lao động.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động còn hạn chế; công tác thông tin, truyền thông còn hạn chế, nhiều người lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ.

Tập trung phát triển lao động có kỹ năng

Để tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Cùng với đó, tiếp tục luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.

Trong khi đó, cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch, để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo; có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm

Thủ tướng yêu cầu chú trọng đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Đổi mới đào tạo nâng cao chất lượng lao động

Các bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước với nước ngoài; tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân yên tâm làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định.

Thủ tướng yêu cầu triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp, khu kinh tế và các thành phố lớn phù hợp với mục tiêu đã được Chính phủ đề ra, đến năm 2030, xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. 

Bạn đang đọc bài viết "Các trụ cột trong phát triển thị trường lao động giai đoạn mới" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).