Cẩn trọng với những DN công bố báo cáo tài chính thiếu tin cậy, chất lượng lợi nhuận thấp

15/09/2022 11:17

Hậu soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã “đảo chiều” từ lãi thành lỗ hoặc bốc hơi phần lớn lợi nhuận. Sự biến đổi đáng kinh ngạc này ít nhiều có liên quan đến chất lượng lợi nhuận trên báo cáo tự lập của các doanh nghiệp thời gian qua.

Lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán, từ lãi thành lỗ

Qua mùa báo cáo tài chính bán niên 2022, sau khi kiểm toán vào cuộc, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự thay đổi lớn về lợi nhuận.

Cụ thể, sau kiểm toán, một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn có dấu hiệu chuyển từ lãi sang lỗ như Công ty CP Louis Capital (HOSE: TGG). Lãi sau thuế tại báo cáo tài chính bán niên tự lập của TGG gần 5,6 tỷ đồng nhưng sau soát xét trở thành lỗ 30,2 tỷ đồng (chênh lệch gần 36 tỷ đồng).

Hay Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHS) cũng lỗ sau thuế nửa đầu năm sau soát xét hơn 68 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, một số doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán như Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC), tăng lỗ thêm 166,49 tỷ đồng, lên 191,14 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) tăng lỗ thêm 4,4 tỷ đồng, lên 95,22 tỷ đồng…

Đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm cực mạnh hậu kiểm toán. Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng sau soát xét “bốc hơi” 89%, còn 1,4 tỷ đồng. Theo giải trình của TTF, sự chênh lệch này là do Công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

Đây không phải lần đầu tiên TFF công bố báo cáo tài chính tự lập thiếu tin cậy với chất lượng lợi nhuận thấp. Năm 2021, TFF cũng rơi vào cảnh từ lãi sau thuế 9 tỷ đồng chuyển thành lỗ sau thuế 9 tỷ đồng sau kiểm toán. Trước đó, năm 2016, nhà đầu tư cũng từng “tháo chạy” khỏi TTF khi Công ty báo lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng sau kiểm toán. Việc TTF công bố lỗ khiến giới tài chính khi ấy bất ngờ, cổ phiếu giảm sàn 13 phiên liên tiếp, rơi từ mức 43.600 đồng/cổ phiếu xuống đáy 4.000 đồng/cổ phiếu.

Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty CP Thaiholdinsg (HOSE: THD), lãi sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 217,1 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 93,9 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính tự lập.

hau-kiem-toan-ban-nien-2022-nhieu-doanh-nghiep-niem-yet-da-chung-kien-su-thay-doi-lon-ve-loi-nhuan-1663214837.jpg
Hậu kiểm toán bán niên 2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã chứng kiến sự thay đổi lớn về lợi nhuận (Ảnh minh hoạ)

Song cái tên gây “náo loạn” thị trường nhất phải kể đến Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) khi lợi nhuận bốc hơi gần 92% sau kiểm toán. Sáu tháng đầu năm, KBC đã tự báo lãi sau thuế 2.457 tỷ đồng; tuy nhiên sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC sụt giảm mạnh 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng.

Được biết, tại báo cáo tự lập của KBC, “nhà tài trợ” chính cho khoản lãi 2.457 tỷ đồng là khoản “thu nhập khác”, được thuyết minh là phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng).

KBC đã bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.

Là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Đằng sau con số lợi nhuận tự lập nhìn từ trường hợp KBC

Câu chuyện lợi nhuận thay đổi sau kiểm toán có liên quan khá mật thiết tới chất lượng lợi nhuận. Báo cáo bán niên của một số doanh nghiệp đã cho thấy chất lượng lợi nhuận thấp, mà trường hợp điển hình là KBC.

Khoản lãi của KBC có thể nói là một hiện tượng của mùa báo cáo bán niên 2022, nhưng không phải một điều mới lạ.

Giao dịch mua rẻ (đánh giá lại khoản đầu tư) là một thủ thuật “chế biến” lợi nhuận khá phổ biến trong nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết những năm gần đây. Thủ thuật này tạo ra khoản lợi nhuận đẹp mắt trên báo cáo kết quả kinh doanh, song chất lượng lợi nhuận lại thấp.

Trong trường hợp của KBC, không khó để nhìn ra “điểm bất thường”, đó là liệu có công ty nào có vốn chủ sở hữu lên tới hàng ngàn tỷ đồng lại chấp nhận bán cổ phần của mình với giá 10.000 đồng/cổ phần cho một công ty khác? Đó là chưa kể Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng lại là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) - một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm (đương kim chủ tịch HĐQT KBC) làm chủ tịch HĐQT.

sau-soat-xet-loi-nhuan-cua-kbc-boc-hoi-gan-92-phan-tram-chi-con-200-ty-dong-chenh-lech-toi-2256-ty-dong-1663214904.jpg

Sau soát xét, lợi nhuận của KBC "bốc hơi" gần 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng

Ngay trong nửa đầu năm 2022, một “đại gia” cũng sử dụng “chiêu” này là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH). Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng của KDH đạt 875 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Dù đã cố gắng tiết kiệm chi phí song KDH vẫn phải nhờ đến khoản “lợi nhuận khác” trị giá tới 294 tỷ đồng để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận. Khoản “lợi nhuận khác” này chủ yếu là “lãi từ giao dịch mua rẻ” - tức phần chênh lệch giữa phần sở hữu của tập đoàn trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được cao hơn giá phí khoản đầu tư vào Công ty Phước Nguyên. Nhờ khoản lãi này, KDH mới có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 745 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HOSE: NVL) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bán niên 2022, NVL đã phải nhờ tới khoản “lợi nhuận khác” trị giá 1.468 tỷ đồng để cứu vãn cho lợi nhuận trước thuế. Đây chủ yếu là khoản “lãi từ giao dịch mua rẻ”, được thuyết minh là phần chênh lệch giữa sở hữu của tập đoàn trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được cao hơn giá phí khoản đầu tư vào Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley. Nhờ có khoản này mà lợi nhuận trước thuế 6 tháng của NVL chỉ giảm có 4%, đạt 2.641 tỷ đồng.

Có thể thấy, vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp đã giải trình biến động mạnh sau kiểm toán, nhưng thực tế biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư, cổ phiếu và thị trường. Bởi báo cáo tài chính là một trong những tài liệu làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khi nhà đầu tư mua cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu biến động theo các con số mà doanh nghiệp công bố.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực chất vẫn luôn “mạnh tay” xử phạt các doanh nghiệp niêm yết khi lập báo cáo tài chính sai lệch. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Louis Land (HNX: BII) đã bị phạt tới 200 triệu đồng hay Công ty CP One Capital Hospitality (HNX: OCH) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập với báo cáo soát xét.

Trong quá khứ, hàng loạt các doanh nghiệp do lập báo cáo tài chính sai lệch so với báo cáo kiểm toán cũng đã phải nộp phạt như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG), Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII), Công ty CP Camimex Group (HOSE: CMX)... Ngoài nộp phạt tiền, các doanh nghiệp này đều phải cải chính thông tin.

Theo một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, để hạn chế rủi ro trong đầu tư, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tiếp cận các báo cáo tài chính thiếu tin cậy, có sai lệch lớn trước và sau kiểm toán và đặc biệt là đối với các DN lặp đi lặp lại tình trạng này.

Theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, thận trọng là một trong 7 nguyên tắc kế toán cơ bản.

Khi thực hiện Nguyên tắc thận trọng thì đòi hỏi doanh nghiệp phải lưu ý: (a) Thực hiện trích lập các khoản dự phòng nhưng không được phép trích lập quá lớn; (b) Khi thực hiện đánh giá giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập thì không được đánh giá cao hơn giá trị thực tế; (c) Khi đánh giá giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí thì không được đánh giá thấp hơn; (d) Chỉ được phép ghi nhận doanh thu và thu nhập khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí sẽ được ghi nhận ngay khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

Mặc dù vậy, hiện nay, nhiều kế toán của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thận trọng trong lập báo cáo tài chính, dẫn tới biến động mạnh sau kiểm toán.

Bạn đang đọc bài viết "Cẩn trọng với những DN công bố báo cáo tài chính thiếu tin cậy, chất lượng lợi nhuận thấp" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).