Chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, thiếu hồ sơ pháp lý là câu chuyện không còn quá mới ở các dự án. Khi tiềm lực tài chính còn hạn chế sẽ nảy sinh các hình thức huy động vốn dưới các vỏ bọc ký quỹ, đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng tư vấn dịch vụ. Bằng cách thức này chủ đầu tư đã đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Qua khảo sát nghiên cứu về thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Dương, phóng viên được tiếp cận thông tin mở bán nhà ở tại dự án Huỳnh Tiến Phát Residential.
Được biết, dự án Khu nhà ở công nhân thu nhập thấp Huỳnh Tiến Phát được rao bán với tên thương mại là Huỳnh Tiến Phát Residential, toạ lạc tại xã An Điềm, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Dự án do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng BĐS Huỳnh Tiến Phát làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Xây dựng Đầu tư BĐS Nam Thái Bình Dương là đơn vị phân phối dự án, cả 2 Công ty trên đều thuộc tập đoàn Huỳnh Gia.
Thông tin từ tapdoanhuynhgia.com, dự án có quy mô 32.621 m2, có 216 sản phẩm nhà liền kề. Giá mỗi lô đất tại dự án giao động khoảng 19-31 triệu đồng/m2. Tổng diện tích 3,2 ha, 216 căn nhà liền kề có diện tích từ 70-75m2.
Tìm hiểu về dự án, phóng viên được nhân viên kinh doanh sàn Nam Thái Bình Dương tư vấn: “Hiện bên em đang cho khách đặt cọc với số tiền 50 triệu đồng, 30 ngày sau đóng tiếp 50%, còn lại quý khách sẽ chi trả thêm 3 đợt 10% đến khi có thông báo nhận nhà sẽ đóng tiếp 30% còn lại”.
Khi phóng viên thắc mắc về pháp lý, người này cho biết dự án đã đầy đủ pháp lý. Thế nhưng, được biết dự án chưa được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho phép đưa ra thị trường để kinh doanh.
Ghi nhận thực tế, Huỳnh Tiến Phát Residential chưa có dấu hiệu hoàn thành những hạng mục hạ tầng cơ bản, chưa xây dựng nhà ở. Tuy nhiên việc rao bán dự án vẫn diễn ra công khai trên các sàn giao dịch bất động sản cũng như từ chính đội ngũ kinh doanh của tập đoàn Huỳnh Gia.
Hơn nữa, tại văn bản số 3043/UBND-KT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở công nhân thu nhập thấp Huỳnh Tiến Phát, thể hiện rõ yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây dựng nhà ở để bán.
Điều này khiến dư luận bức xúc về sự coi thường luật pháp, coi thường chính quyền tỉnh Bình Dương của Tập đoàn Huỳnh Gia.
Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh: “Chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án, phải có thông báo đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng thì mới được phép bán.”
Ngoài ra, Chính phủ cũng có quy định về việc cấm chủ đầu tư áp dụng hình thức huy động vốn để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án. “Như vậy, mặc dù khi ký kết các hợp đồng có tên nêu trên là dựa trên sự tự nguyện của các bên nhưng xét về nội dung thì có thể đã vi phạm các quy định của Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở… vì thế có thể nói các hợp đồng này là bất hợp pháp”, Luật sư khẳng định.
Đề nghị chính quyền tỉnh Bình Dương vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, các nhân liên quan đến sai phạm tại dự án Huỳnh Tiến Phát Residential.