“Chỉ đến nghe và không mua gì”
Phản ánh tới Người Đưa Tin, chị Nguyễn Ngọc Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh về trường hợp bố mình bị mời tham gia hội thảo và dụ dỗ mua gói thẻ du lịch nghỉ dưỡng với giá gần 150 triệu đồng.
Theo chị Diệp, cả bố và mẹ chị đều nhận được rất nhiều lời mời gọi từ một công ty môi giới có trụ sở nằm trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội với tên gọi là Paradise Vacation. Dù đã cảnh báo trước với bố mẹ những công ty hoạt động thiếu tính minh bạch nhưng bố chị Diệp vẫn muốn tham gia hội thảo với lời hứa “chỉ đến nghe và không mua gì”.
“Sau hội thảo, không biết nhân viên tư vấn như thế nào mà bố tôi đóng cọc 50 triệu đồng để mua gói du lịch trong vòng 20 năm, tổng giá trị là 150 triệu đồng”, chị Diệp kể.
Điều mà chị Diệp bức xúc là đơn vị lợi dụng người lớn tuổi không biết chuyển tiền qua ứng dụng nên nói dối con gái là gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để chị chuyển tiền mà không mảy may nghi ngờ. Chỉ đến tối khi về nhà, cả gia đình chị mới tá hỏa phát hiện ra khi bố bộc bạch về việc chuyển tiền thực ra để mua gói nghỉ dưỡng.
Ngay khi phát hiện sự việc, chị Diệp đã lên trụ sở công ty để xin huỷ hợp đồng, dù nhận được lời hứa sẽ giải quyết trong 20 ngày nhưng đến nay phía công ty vẫn trả lời loanh quanh và khẳng định nếu muốn huỷ hợp đồng sẽ mất 50 triệu đồng đã đóng trước đó.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Lang (60 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh)nghe lời bạn rủ tham dự hội thảo sẽ được tặng voucher du lịch miễn phí 3 ngày 2 đêm ở Đà Lạt nên đã quyết định đến nghe tư vấn tại một công ty du lịch tọa lạc tại Tp. Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo bà Lang được giới thiệu về gói dịch vụ kỳ nghỉ dưỡng trị giá 150 triệu đồng, được sử dụng trong 9 năm dành cho 4 người lớn. Khi cần đi du lịch chỉ cần báo trước 1 tuần sẽ được sắp xếp ở khách sạn 5 sao thuộc hệ thống của công ty.
Theo đó, bà Lang được thỏa thuận đặt cọc 30% giá trị kỳ nghỉ, số tiền còn lại nếu không có sẵn thì sẽ có ngân hàng đứng ra cho vay. Công ty cũng cam kết sẽ mua lại gói nghỉ dưỡng cũng như trả lãi sau 2 năm nếu như bà Lang có nhu cầu bán lại.
Khi bà Lang do dự thì công ty tiếp tục “mời chào” sẽ tăng lãi suất lên mức 9,5% kèm với giảm giá gói nghỉ dưỡng xuống chỉ còn 120 triệu đồng. Đánh đòn tâm lý, công ty nhấn mạnh bà Lang là khách hàng đặc biệt nên mới được hưởng ưu đãi riêng này, bà phải xuống tiền ngay mới được giảm giá và cả hội thảo chỉ còn 2 suất.
“Lúc đó tôi không hiểu và cũng chưa đọc rõ hết các điều khoản hợp đồng, cứ nghĩ cả đời làm lụng rồi thì bây giờ mua gói du lịch để đi chơi khi về già nên đã đồng ý nộp tiền. Khi về nhà tôi mới ngớ người ra, tôi gọi lên công ty xin huỷ thì công ty nói tôi sẽ mất toàn bộ số tiền cọc nếu muốn huỷ”, bà Lang buồn bã nói.
‘Vỡ mộng với kỳ nghỉ thiên đường”
Vào 5 năm trước, anh Phạm Thiên Nam (40 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) mua gói nghỉ dưỡng hạng Bạc, trị giá hơn 60 triệu đồng cho thời hạn 7 năm để gia đình có suất nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm mỗi năm vào tháng 11 và 12 (mùa thấp điểm) tại Cocobay Đà Nẵng. Nếu không sử dụng thì hoàn toàn có thể cho thuê, đem tặng hoặc sang nhượng lại cho người khác.
Anh Nam cho biết “Tôi cũng có tìm hiểu về dự án và chương trình này thấy chương trình khá hay và giá trị gói cũng nằm trong khoản tiền gia đình hoàn toàn có thể chi trả được. Bên cạnh đó là tôi thấy chủ đầu tư của Cocobay Đà Nẵng khi đó là tập đoàn lớn, có uy tín và có bất động sản “thật” nên đã tin tưởng đặt mua”.
Khi sử dụng, anh Nam mới biết, gói nghỉ dưỡng này có chi phí phát sinh đi kèm quá cao, riêng phí duy trì thường niên là 5 triệu đồng/năm, dịch vụ thì nghèo nàn, chứ không được như quảng cáo. Ngay từ năm đầu tiên sử dụng kỳ nghỉ, vợ chồng anh được xếp cho ở khách sạn 3 sao gần đó, không có dịch vụ gì đi kèm trong khi lúc ký kết hợp đồng là cam kết sẽ được sử dụng hệ thống khách sạn cao cấp từ 4 sao trở lên.
Đáng chú ý là trong khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng, dù không thể đi du lịch cũng như sử dụng được dịch vụ nghỉ dưỡng thì anh Nam vẫn bị bắt đóng khoản phí thường niên là 5 triệu đồng/năm. Phía công ty liên tục gửi mail theo đợt để nhắc nộp tiền mà không hề nhắc đến vấn đề yếu tố khách quan là dịch bệnh.
Cùng với đó, sau khi nhờ bạn sinh sống tại khu vực Cocobay Đà Nẵng đi qua khảo sát thì anh được biết khu nghỉ dưỡng mà anh ký kết hợp đồng hiện nay đã dừng thi công và “hết sức hoang tàn” không như quảng cáo. Một số dịch vụ tiện ích như công viên, khu vui chơi đi kèm thì đều đã được chủ đầu tư sang nhượng cho khác bên khác nên nếu bây giờ có đi nghỉ dưỡng anh sẽ phải bỏ thêm tiền riêng để được sử dụng các dịch vụ trên.
Không muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ, anh Nam quyết định rao bán lại gói ưu đãi với mức giá không đến một nửa với thời điểm mua ban đầu, tuy nhiên vẫn không thể tìm được người mua. Vậy là, gói dịch vụ gần như bị bỏ phí.
Khi liên hệ với công ty để hỏi về việc muốn bán lại với giá “cắt lỗ” cực thấp, phía công ty từ chối và khuyên anh nên nộp phí duy trì thường niên còn thiếu để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Công ty còn cho biết sau khi nộp phí duy trì anh có thể đăng lên cho thuê với giá cao để lấy lại tiền, thậm chí là có lãi.
Nhưng anh Nam cho biết bây giờ nếu muốn sử dụng dịch vụ anh phải nộp hàng loạt khoản phí phát sinh được báo là lên tới gần 40 triệu đồng, với số tiền đó anh cho biết gia đình có thể tự đi nghỉ dưỡng ở nơi khác với điều kiện tốt hơn nên anh quyết định dừng lại và coi như đã mất khoản tiền 60 triệu đồng kia.
“Mình cảm thấy quá rủi ro khi không có gì đảm bảo mình sẽ được sử dụng dịch vụ như ý muốn. Chưa kể mình tham khảo có những người bạn mình mua gói giá trị hơn nhưng đến khi đi nghỉ vẫn bị xếp ở những đơn vị lụp xụp không đúng như cam kết. Do đó mình sẽ bỏ gói nghỉ dưỡng này, coi như là một trải nghiệm tệ cho biết”, anh Nam bộc bạch.
Có dấu hiệu “bẫy” khách hàng
Có thể thấy, đối tượng mà các công ty bán kỳ nghỉ dưỡng nhắm đến đa phần là người già, hưu trí.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Phó giám đốc công ty Luật BizLink nhận định phần lớn nhà đầu tư đồng ý ký kết hợp đồng với nhân viên của doanh nghiệp ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng và trong nhiều trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư, đến khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì không có tài liệu, chứng cứ xác thực.
Theo đó, đại diện Luật BizLink chia sẻ: “Chính ngay trong hợp đồng các công ty sử dụng để ký kết có thể bị gài cắm nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho nhà đầu tư, miễn trừ trách nhiệm cho phía công ty cung cấp dịch vụ và loại bỏ quyền khiếu nại khi có vấn đề của nhà đầu tư”.
Cuối cùng, bút sa gà chết, hàng loạt người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi rút không được mà đóng tiếp cũng chẳng xong, đến khi chuyện đã rồi chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận mất tiền vì đã lỡ ký kết hợp đồng giấy trắng mực đen với doanh nghiệp.