Cao tốc Bắc – Nam ì ạch tiến độ: Thiếu đất đắp nền, nhà thầu yếu kém

28/03/2022 09:05

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết phải thông xe nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp nền do các bên liên quan đùn đẩy trách nhiệm. Điều này khiến việc triển khai thi công dự án bị chậm tiến độ.

Chậm tiến độ vì thiếu đất đắp nền

Khởi công cuối tháng 9/2020, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây phải hoàn thành thi công trong thời gian 24 tháng. Tuy nhiên, nhiều gói thầu thi công cao tốc này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đất đắp nền. Cụ thể, gói thầu số 3 dài hơn 35km do liên danh Vinaconex và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính thực hiện cần 3,4 triệu m3 đất san lấp nhưng suốt quá trình thi công, nhà thầu này tận dụng được 1,2 triệu m3 đất san gạt từ điểm cao xuống điểm thấp. Còn lại, để hoàn thiện nền đường, nhà thầu thiếu 2 triệu m3 đất san lấp.

Tương tự ở gói thầu số 4 có chiều dài 16km thuộc liên danh Công ty CP Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, cũng gặp khó khăn về việc thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường, hiện công trình đang cần gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường. Ông Lê Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng gói thầu số 4 cho hay, nhà thầu phải mua đất từ mỏ đá Núi Nứa (TP.Long Khánh) để phục vụ thi công. Tuy nhiên, đất ở mỏ đá Núi Nứa là đất tầng phủ có lẫn đá, sau khi khai thác phải nghiền thì mới dùng để đắp nền đường. Vì vậy, ngoài việc tốn thêm chi phí vận chuyển cho quảng đường xa, nhà thầu phát sinh thêm chi phí cho máy móc, nhân công xay nghiền đá để lua dầm mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Ông Nguyễn Công Hợp, Phó phòng quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đã đạt khoảng 36%. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai không có mỏ đất nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tương tự, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài hơn 100km qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đang chậm tiến độ do thiếu khối lượng lớn vật liệu xây dựng đắp nền ở nhiều điểm thi công. Một nhà thầu thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết, do thiếu vật liệu đắp nền nên đơn vị thi công phải chia thành nhiều nhóm làm các hạng mục nhỏ, tranh thủ được số vật liệu ít ỏi tại chỗ để đổ nền đường. Nhà thầu này kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh hơn các thủ tục cho khai thác vật liệu ở một số mỏ để đảm bảo tiến độ đề ra và cho rằng thủ tục vẫn còn mất nhiều thời gian, trải qua nhiều bước… trong khi dự án đang rất cấp bách.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, cho biết tình trạng thiếu hụt vật liệu đất đắp tại dự án đã xảy ra ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án. Nhu cầu của dự án khoảng 9 triệu m3 đất đắp, nhưng sau hơn 1 năm thi công tới nay vẫn đang hụt gần 2,5 triệu m3. “Nguồn vật liệu đất đắp phụ thuộc vào địa phương, trong khi đó các mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù vẫn đang bị vướng. Các Nghị quyết 60 và 133 đã cho cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vật liệu, nhưng thực tế không giảm thủ tục mà vẫn phải theo trình tự quy định, chỉ chuyển từ đấu giá sang cấp trực tiếp cho nhà thầu. Việc hụt đất đắp ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án”, ông Huy nói.

Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết bị trễ tiến độ do thiếu đất đắp nền

Đổ lỗi cho nhau

Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7- chủ đầu tư dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết, hết năm 2021 tiến độ của dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đạt khối lượng 1.583,5 tỷ đồng (chiếm 26,11%) giá trị hợp đồng. Hiện nay, nhu cầu vật liệu của dự án còn lại khoảng 2,46 triệu m3, cần được cấp phép bổ sung áp dụng theo Nghị quyết số 60/NQ-CP. Theo kế hoạch 4 mỏ sẽ đưa vào khai thác phục vụ dự án trong tháng 3 và hai mỏ còn lại được bổ sung tại khu vực xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ đưa vào khai thác trước 15/4.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công phần đất nền và cầu phải hoàn thành trước ngày 30/6 bởi khi mùa mưa bão đến, công trường sẽ bị chia cắt hoàn toàn. Đồng thời, trong thời gian chờ đất đắp từ các mỏ được cấp phép, các nhà thầu phải tranh thủ lấy đất từ các mỏ dự phòng. Ban Quản lý dự án 7 sẽ tiếp tục tăng cường giám sát hiện trường, tháo gỡ khó khăn cho dự án”, ông Minh nói.

Lo giá vật liệu tăng

Sau nỗi lo nguồn vật liệu đất đắp thì các nhà thầu tuyến cao tốc đang “méo mặt” do giá thép, xi măng, xăng, dầu… tăng cao trong thời gian qua. Các nhà thầu kiến nghị chi phí dự phòng cho trượt giá vật liệu được tính trước đó cần phải điều chỉnh lại trước biên độ tăng quá lớn hiện nay.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Xuân Thu, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận khẳng định, địa phương rất cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến những dự án trọng điểm này, thời gian làm thủ tục cũng giảm đi rất nhiều. Theo bà Thu, một phần nguyên nhân chậm trễ cũng đến từ nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình phối hợp với địa phương.

Ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương rất quan tâm, luôn tạo điều kiện tối đa đối với các thủ tục liên quan đến dự án cao tốc. Tuy nhiên phải làm đúng quy định, không thể cho khai thác trước mà cấp quyết định sau. Ông Đăng cũng yêu cầu các sở ban ngành trong tỉnh phải nhanh chóng hơn trong quá trình phối hợp đại diện chủ đầu tư và nhà thầu dự án. Các đơn vị chức năng phải triển khai song song các thủ tục, không thể chờ việc này xong rồi làm việc khác, khi có vướng mắc phải báo cáo gấp để cùng tháo gỡ, thậm chí giải quyết trong đêm.

Việc chậm cấp phép để khai thác đất đắp nền đang bị các nhà thầu và chính quyền địa phương đổ lỗi lẫn nhau

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho hay, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thì có 7 mỏ đất được quy hoạch để cung cấp nguồn đất phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây. Sở đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long để hướng dẫn các nhà thầu về thủ tục xin cấp phép khai thác các mỏ đất. Ông Hưng khẳng định, sở tạo mọi điều kiện để rút ngắn thời gian cấp phép. Tuy nhiên việc xin phép mỏ đất các nhà thầu phải thực hiện và tuân thủ các luật như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Luật Đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, cao tốc là dự án trọng điểm nên Đồng Nai ưu tiên các giải pháp gỡ vướng mắc đối với nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp. Tuy nhiên, vấn đề chậm có nguồn đất san lấp là do các nhà thầu không chủ động thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đất.

Bạn đang đọc bài viết "Cao tốc Bắc – Nam ì ạch tiến độ: Thiếu đất đắp nền, nhà thầu yếu kém" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).