Chiến sự ở Ukraine làm 'dậy sóng' giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2022

27/12/2022 10:20

Chiến sự ở Ukraine là diễn biến bất ngờ và được xem như nguyên nhân quan trọng tác động tới giá cả hàng hóa trong cả năm 2022.

Cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá năng lượng và nhiều mặt hàng khác lên cao (Ảnh: AP)

Cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá năng lượng và nhiều mặt hàng khác lên cao (Ảnh: AP)

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu từ trước, nhưng cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine vào ngày 24/2 vẫn là diễn biến đầy bất ngờ và gây ra những đợt dư chấn trên khắp các thị trường hàng hóa vốn đã chật vật vì tác động của đại dịch COVID-19.

Trên thực tế, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã trở thành một yếu tố quan trọng tác động tới giá cả hàng hóa trong suốt năm 2022 và đến thời điểm này tác động của nó vẫn có thể cảm nhận được rõ ràng trên phạm vi toàn cầu.

“Trong tháng 1, có nhiều quan ngại về nguồn cung, nhưng cuộc xung đột này đã tác động tới giá năng lượng, đặc biệt là khi phương Tây bàn về các đòn trừng phạt,” Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư kỳ cựu đến từ U.S. Bank Wealth Management, nhận định.

Các nhà giao dịch hàng hóa đã phản ứng nhanh chóng, đẩy giá dầu thô Brent lên 123 USD vào ngày 8/3, từ mức giá 92 USD/thùng vào ngày 23/2, theo dữ liệu của TradingEconomics.com.

Nhưng điều này không có gì là bất ngờ. Nga – nước cung cấp 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2021 – đóng góp tới 10% tổng sản lượng dầu của toàn thế giới.

Sự tăng giá hàng hóa một cách đồng loạt bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp đặt với các chính trị gia, tỉ phú Nga cùng với nguy cơ Điện Kremlin cắt giảm nguồn cung năng lượng tới châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc nặng nề vào Nga.

Cũng giống như dầu thô, giá khí đốt ở châu Âu tăng lên 227 euro (241 USD) cho mỗi megawatt/giờ vào ngày 7/3, từ mức 89 euro ngày 23/2. Giá khí đốt ở Mỹ cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn so với ở châu Âu.

Sau đó, các thị trường có phần yên ắng hơn.

Chiến sự ở Ukraine làm 'dậy sóng' giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2022 ảnh 1

Chỉ số giá các loại hàng hóa, năng lượng và kim loại công nghiệp của Dow Jones trong năm nay (Ảnh: Barrons)

“Đến khoảng giữa năm nay, thị trường nhận thấy rằng vẫn có đủ nguồn cung năng lượng để đáp ứng nhu cầu,” Haworth cho hay. Sự chú ý sau đó tập trung vào chính sách tiền tệ của Fed và khả năng nhu cầu giảm do người dân sử dụng ít hơn các loại hàng hóa, như dầu, do giá tăng lên quá cao.

Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu có một đợt tăng giá trong tháng 8, do một đợt nắng nóng kỷ lục, nhưng gần đây giá đã giảm xuống còn 98 euro, thấp hơn so với một năm trước. Giá dầu Brent giảm xuống còn 82 USD, tức cao hơn xấp xỉ 8 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng làm chao đảo các thị trường ngũ cốc. Cả Ukraine và Nga đều là nhà cung cấp lớn lúa mì cùng với các mặt hàng thực phẩm khác, và giá cả các mặt hàng này đã tăng vọt khi khu vực Biển Đen – vốn là tuyến vận chuyển quan trọng – trở thành vùng chiến sự.

Giá lúa mì tăng lên 12,53 USD/giạ vào ngày 7/3, từ mức 8,79 USD ngày 23/2. Sau một khoảng thời gian ngắn hạ thấp, nó tiếp tục tăng lên 12,78 USD vào ngày 17/5. Giá ngô cũng rất bất ổn.

Tuy nhiên, quy luật kinh tế đã có tác dụng, và giá cả cao hơn lại chính là liều thuốc giúp hạ giá hàng hóa. Lúa mì mới đây đã giảm xuống mức 7,66 USD/giạ, thấp hơn so với một năm trước.

Thị trường kim loại quý đã phản ứng mạnh mẽ trước cuộc chiến ở Ukraine. Nga là nhà sản xuất palladium và platinum lớn thứ hai thế giới, cung cấp 37% và 10% tổng sản lượng toàn cầu, theo thứ tự. Cả hai kim loại quý này được sử dụng trong sản xuất bộ lọc khí thải của xe hơi.

“Không có sự gián đoạn thực sự nào trong nguồn cung cả, mà chỉ có những lo ngại về điều đó, bởi vậy mà thị trường đặt cược vào một viễn cảnh tồi tệ nhất,” Rohit Savant, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn hàng hóa CPM Group, nói.

Như thực tế cho thấy, các nguồn cung không bị gián đoạn, thêm nữa là lo ngại về nhu cầu xe hơi thấp sẽ làm thị trường ổn định hơn. “Những quan ngại về nhu cầu, cùng với thực tế là không có vấn đề gì về nguồn cung, là lý do mà giá cả giảm xuống,” ông Savant nói.

Giá palladium và platinum mới đây ở mức 1.679 USD và 998 USD/troy ounce, theo thứ tự, giảm từ mức đỉnh 3.180 USD và 1.153 USD trong tháng 3 năm nay.

Giá vàng và bạc đồng loạt tăng lên sau khi tin tức về cuộc chiến ở Ukraine lan rộng. Đầu tháng 3 năm nay, giá hai kim loại quý này đạt mức cao là 2.052 USD và 26 USD/troy ounce, theo thứ tự. Tiếp sau đó, giá của chúng đã giảm khi chính sách thắt chặt tiền tệ củng cố sức mạnh của đồng USD. “Những diễn biến này mang tới tác động tiêu cực,” ông Savant nói.

Đối với năm 2023, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi sát sao những tín hiệu về suy thoái để dự báo xem giá cả hàng hóa sẽ đi đến đâu./.

Bạn đang đọc bài viết "Chiến sự ở Ukraine làm 'dậy sóng' giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2022" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).