Chóng mặt với penny

29/06/2022 17:03

Đi lên với tốc độ phi mã trong giai đoạn cuối năm 2021 thì các cổ phiếu penny cũng “bốc hơi” nhanh nhất trong giai đoạn vừa qua.

“Đầu tháng 10/2021, tôi bắt đầu mở tài khoản đầu tư chứng khoán. Chân ướt chân ráo, gặp đúng giai đoạn cổ phiếu penny tăng bất chấp nguyên nhân. Tôi bị cuốn vào làn sóng này khi chưa kịp trang bị những kiến thức cơ bản về thị trường”, nhà đầu tư Nguyễn Hưng kể.

Với 100 triệu đồng vốn ban đầu, anh Hưng mua 1.000 cổ phiếu TCB với giá 50.000 đồng/cổ phiếu và mua 10.000 cổ phiếu DLG với giá 4.380 đồng/cổ phiếu. Sau hai tháng, TCB chỉ dao động quanh ngưỡng 47.000 - 52.000 đồng/cổ phiếu, còn DLG tăng vọt lên 10.850 đồng/cổ phiếu (phiên 29/12/2021). Cùng giá trị đầu tư, anh Hưng chỉ kiếm 4 triệu đồng tiền lãi từ cổ phiếu TCB, trong khi lời 60 triệu đồng từ cổ phiếu DLG.

nhieu-co-phieu-penny-da-mat-60-70-gia-tri-trong-vai-thang-qua-1656496811.jpg
Nhiều cổ phiếu penny đã mất 60 - 70% giá trị trong vài tháng qua.

Quá hưng phấn, anh Hưng rút 1,5 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua một loạt penny như PLP, HID, TTB và vào lại DLG khi thấy mã này lần lượt điều chỉnh về 8.000 đồng, 7.500 đồng rồi 6.900 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022.

Song, thị trường đã không diễn biến như anh mong đợi. Sau khi VN-Index lập đỉnh 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022 thì bắt đầu quay đầu đi xuống sau hàng loạt biến động địa chính trị, kinh tế trên thế giới và những động thái mạnh tay của cơ quan quản lý với một số vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán trong nước. DLG cứ thế rơi tự do và đến giờ đã xuống mức giá 3.390 đồng/cổ phiếu.

Mã PLP, anh Hưng mua với giá 16.800 đồng/cổ phiếu, đến tháng 3/2022, doanh nghiệp có đợt phát hành thêm với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, anh Hưng vay 500 triệu đồng để mua thêm 50.000 cổ phiếu, đến nay rớt xuống 6.700 đồng/cổ phiếu. Các mã khác cũng trong tình trạng tương tự. Anh Hưng nhẩm tính, đến nay, số danh mục đã âm 65% sau 8 tháng tham gia thị trường.

Đem câu chuyện này tới ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán

Yuanta Việt Nam, ông Bình nhận xét, nhà đầu tư này đã mắc hầu hết sai lầm cơ bản trong đầu tư tài chính: mua cổ phiếu đầu cơ khi chưa xác định mức độ rủi ro có thể chấp nhận, vi phạm tỷ lệ phân bổ danh mục (thông thường cổ phiếu đầu cơ chỉ nên chiếm 10 - 20% danh mục) và vi phạm nguyên tắc cắt lỗ…

Cổ phiếu penny hiện tại đã gãy nền giá và rất yếu, dự báo xu hướng vẫn là tiêu cực.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

“Xem trên đồ thị kỹ thuật, khi một cổ phiếu đã gãy nền giá của đường MA 200 là dự báo rất xấu, nên cắt lỗ. Với cổ phiếu đầu cơ, lẽ ra ngay khi chạm ngưỡng khuyến nghị cắt lỗ là phải cắt ngay, đừng nói chuyện cơ bản với cổ phiếu đầu cơ”, ông Bình nhấn mạnh.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2021, VN-Index tăng gần 36% so với đầu năm và nền kinh tế đang khó khăn vì đại dịch, nhưng nhiều cổ phiếu mệnh giá nhỏ lại ghi nhận đà tăng hàng trăm phần trăm như CMS (tăng 916,13%), CBS (tăng 946,04%), ASA (tăng 890,57%)… Thậm chí, cổ phiếu của doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ kéo dài, thuộc diện bị hạn chế giao dịch cũng tăng trần liên tục.

Thời điểm đó, rất nhiều chuyên gia tài chính đã lên tiếng cảnh báo rủi ro. Một trong những cảnh báo đáng chú ý là của TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ông Trí nói rằng, trong bối cảnh đại dịch mà VN-Index tăng như năm 2020, 2021 là một điều bất ngờ lớn, còn tăng như HNX-Index thì càng phi lý. Từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh mới bùng phát đến ngày 7/1/2022, HNX-Index đã tăng gần 500%.

Đáng tiếc, nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua cảnh báo này.

“Lẽ ra phải cắt lỗ từ lâu”

Ông Trương Quang Bình kể một câu chuyện, có nhà đầu tư hỏi ông phải xử lý thế nào với cổ phiếu MBB khi đang lỗ 30%. Ông đã trả lời, nếu có thể đầu tư thêm hai năm nữa thì MBB sẽ là lựa chọn không tệ.

“Nhưng một người khác đặt câu hỏi như vậy với cổ phiếu penny, tôi nói rằng lẽ ra họ cần cắt lỗ từ lâu”, ông nói.

Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán, ông Bình cho rằng, định giá P/E của VN-Index đang vào khoảng 10 lần, đây là mức hấp dẫn khi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp niêm yết năm 2022 được dự báo ở mức 25%.

Theo ông Bình, “năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt, đặc biệt quý III/2022 được dự báo sẽ bật mạnh trên mức nền thấp của quý III/2021 nên thị trường đang tạo đáy đâu đây”.

“Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán hồi phục, dòng tiền sẽ quay về với những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, thuộc ngành triển vọng, chẳng hạn như ngân hàng. Còn cổ phiếu penny hiện tại đã gãy nền giá và rất yếu, dự báo xu hướng vẫn là tiêu cực”, ông Bình phân tích.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, năm ngoái, khi dòng tiền quá khoẻ, đặc tính đầu cơ xuất hiện là điều không thể tránh khỏi và “sóng” penny thường mạnh nhất vào cuối chu kỳ tăng trưởng của thị trường. Nhưng hiện thị trường đã ở giai đoạn downtrend, đặc biệt chỉ số VNSmallcap đã giảm 1.000 điểm tính từ mức 2.300 điểm hồi cuối tháng 3/2022, là chỉ báo tiêu cực cho cổ phiếu penny.

“Khi thị trường hoảng loạn, những cổ phiếu cơ bản tốt, an toàn sẽ là điểm đến đầu tiên của dòng tiền. Còn sóng penny chỉ có ở cuối uptrend, muốn biết penny có sóng tiếp theo hay không thì phải đợi khi nào xu hướng uptrend rõ ràng”, ông Huy phân tích.

Trong báo cáo "Tác động của lạm phát tới thị trường chứng khoán" mới công bố, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) lưu ý, trong trường hợp lạm phát và lãi suất tăng, dòng tiền có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại các tài sản rủi ro thấp như tiền gửi ngân hàng. Nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể bị ảnh hưởng lớn khi thị trường chuyển biến xấu hoặc khi có các thông tin vĩ mô, địa chính trị không thuận lợi. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu có tính đầu cơ cao, đã tăng nóng.

Với câu hỏi “Xử lý danh mục thế nào với cổ phiếu penny đã mất 60 - 70% giá trị?”, ông Trương Quang Bình cho rằng, trước hết, nhà đầu tư cần hạ tối đa tỷ trọng margin (nếu có), sau đó xem xét hiện doanh nghiệp đang có gì, đất đai hay mô hình kinh doanh tốt không? Chất lượng tài sản là tài sản ròng hay nợ ròng? Có sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao hay không?… Trả lời được những câu hỏi đó rồi hãy quyết định nắm giữ tiếp hay bán cắt lỗ.

“Giai đoạn này, cổ phiếu penny ngoài rủi ro của thị trường chung còn đang thiếu đi lực đỡ của chính doanh nghiệp sở hữu. Thực tế, trong điều kiện bình thường, khi cổ phiếu rớt giá, doanh nghiệp có thể mua lại cổ phiếu quỹ để đỡ giá. Nhưng giờ thì ít doanh nghiệp mặn mà với việc mua cổ phiếu quỹ khi mà vốn để kinh doanh đang khan hiếm do hết room tín dụng, huy động trái phiếu khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn phải bỏ tiền ra mua lại trái phiếu trước hạn…”, ông Bình phân tích.

Khuyến nghị nhà đầu tư mạnh dạn cắt lỗ cổ phiếu đầu cơ, ông Bùi Văn Huy lưu ý, dù giá đã giảm sâu đến đâu, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn của mình.

“Tôi luôn nói với khách hàng phải quên giá vốn bao nhiêu thì mới ra quyết định sáng suốt được. Quyết định bán và quyết định mua là độc lập nên đừng chỉ căn cứ vào giá vốn, mà phải căn cứ vào triển vọng thị trường để quyết định”, chuyên gia HSC nói.

Bạn đang đọc bài viết "Chóng mặt với penny" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).