Chứng khoán Mỹ: Đà bán tháo lan rộng, Dow Jones 'bốc hơi' gần 800 điểm

16/12/2022 17:02

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 15/12 do lo ngại cuộc chiến chống lạm phát của Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 15/12. Ảnh: Reuters

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 15/12. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones lao dốc tới 764,13 điểm (tương ứng 2,25%) về còn 33.202,22 điểm, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9. Chỉ số S&P 500 sụt 2,49% còn 3.895,75 điểm, nâng tổng mức giảm của chỉ số này kể từ đầu tháng đến nay lên khoảng 4,5%.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 3,23%, về mức 10.810,53 điểm. Năm 2022 là một năm “thảm hại” đối với cổ phiếu công nghệ, thể hiện qua mức giảm gần 31% của Nasdaq từ đầu năm tới nay.

Đà bán tháo diễn ra trên diện rộng, trong đó chỉ có 14 cổ phiếu thuộc S&P 500 chốt phiên tăng điểm. Hầu hết các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đều giảm mạnh, với Apple và Alphabet cùng sụt hơn 4% mỗi mã, còn Amazon và Microsoft cùng giảm hơn 3%. Cổ phiếu Netflixt lao dốc 8,6% sau khi có thông tin ông lớn cung cấp kho phim trực tuyến này đang đề nghị hoàn tiền cho khách hàng quảng cáo vì không đạt mục tiêu về lượng người xem.

Số liệu bán lẻ gây thất vọng là một dấu hiệu cho thấy lạm phát cao đang tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/12 cho biết doanh số bán lẻ tháng 11 giảm 0,6% so với tháng liền trước, tiêu cực hơn mức giảm 0,3% mà Dow Jones ước tính.

Giới đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu từ chiều ngày 14/12 sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 lên mức quanh 5,1% và đến 2024 mới bắt đầu nới lỏng. Lãi suất quỹ liên bang hiện nay dao động trong khoảng 4,25 - 4,5%, tương ứng với mức cao nhất trong 15 năm gần đây.

Chiến lược gia trưởng toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial nhận định: “Thị trường lo ngại rằng Fed sẽ đi quá xa. Những gì thị trường đang nói là nếu Fed tiếp tục theo cách này, suy thoái kinh tế về cơ bản là hiển nhiên sẽ xảy ra”.

Theo chuyên gia Quincy Krosby, thị trường tin rằng sự giảm tốc của nền kinh tế không phải là vấn đề tạm thời và Fed có thể sẽ buộc phải thay đổi lập trường chính sách tiền tệ trước năm 2024.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc tiếp tục đi xuống bất chấp quyết định nâng lãi suất của Fed. Nhà đầu tư trái phiếu lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ đang đi quá xa, những đợt nâng lãi suất mạnh tay có thể gây ra suy thoái và làm giảm nhu cầu về vốn, khiến lãi suất giảm.

Cổ phiếu tài chính - ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực giữa nguy cơ suy thoái. JPMorgan Chase sụt 2,3%, Wells Fargo và Bank of America mất lần lượt 1,9% và 1,6%. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu viễn thông, vật liệu và công nghệ là những nhóm giảm sâu hơn thị trường chung trong phiên 15/12.

Nỗi lo ngại về nguy cơ suy thoái do chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed ngày càng gia tăng.

Ông Huw Roberts, trưởng bộ phận phân tích của Quant Insight, đánh giá rằng trong năm 2022, Fed không thay đổi quan điểm “diều hâu” trong cuộc chiến chống lạm phát bất chấp những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Chuyên gia này lưu ý thêm rằng trong năm 2023, thị trường Phố Wall sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với các dữ liệu kinh tế, thay vì các điều kiện tài chính. “Trong năm tới, điều quan tâm nhất của nhà đầu tư là các số liệu liên quan đến tăng trưởng kinh tế, đánh giá rằng nếu xảy ra cuộc suy thoái thì mức độ nghiêm trọng sẽ như thế nào. Liệu Fed có thực hiện được hạ cánh mềm hay nền kinh tế sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nặng nề và tồi tệ?” - ông Roberts nói thêm.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Mỹ: Đà bán tháo lan rộng, Dow Jones 'bốc hơi' gần 800 điểm" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).