Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu tiếp tục đi lên

11/01/2023 08:57

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bước sang năm 2023 với mối lo lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nhưng giờ đây, nhiều người có vẻ gia tăng đặt cược rằng làm phát đang bắt đầu dịu đi...

chung-khoan-my-1673400965.jpeg Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/1), khi giá cổ phiếu duy trì xu thế tăng của những phiên đầu năm trong lúc nhà đầu tư đợi số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố trong tuần này. Giá dầu thô cũng giữ đà tăng của những phiên trước nhờ đồng USD bị ghìm ở đáy 7 tháng và Chính phủ Mỹ dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cao kỷ lục.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 186,45 điểm, tương đương tăng 0,56%, đạt 33.704,1 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7%, đạt 3.919,25 điểm. Nasdaq là chỉ số tăng mạnh nhất, chốt phiên với mức tăng 1,01%, đạt 10.742,63 điểm.

Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của Nasdaq, khi lạc quan về sự suy yếu của lạm phát khuyến khích nhà đầu tư gomn mua những cổ phiếu công nghệ đã bị giảm giá sâu. Đây là chuỗi ba phiên tăng đầu tiên của Nasdaq kể từ tháng 11.

Vào buổi sáng, nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones bày tỏ lạc quan về thị trường chứng khoán, nói rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế. Ông Jones dự báo Fed sẽ dừng tăng lãi suất trước khi nền kinh tế có thể hạ cánh cứng. Tuy không đưa ra một dự báo cụ thể nào, ông Jones nói nhu cầu cổ phiếu ở Phố Wall trong năm nay là lớn do hoạt động mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết và các vụ sáp nhập doanh nghiệp.

“Nhu cầu tăng thêm đối với cổ phiếu Mỹ có lẽ sẽ lên tới gần 1 nghìn tỷ USD… Thị trường chứng khoán sẽ tăng 7-8% trong năm nay”, ông Jones nói.

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bước sang năm 2023 với mối lo lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nhưng giờ đây, nhiều người có vẻ gia tăng đặt cược rằng làm phát đang bắt đầu dịu đi.

Thị trường đang chờ báo cáo lạm phát tháng 12 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo tài chính của một số ngân hàng lớn dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu để tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng hơn về sức khoẻ của nền kinh tế, từ đó định hướng kỳ vọng về lãi suất của Fed.

“Các chỉ số có lẽ sẽ giằng co trong vùng hẹp và không rõ xu hướng cho tới khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố và mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu vào cuối tuần này. Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng thị trường đang ở trong trạng thái chờ đợi và nghiền ngẫm về những gì các quan chức Fed phát biểu gần đây”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Advisors nhận định.

Theo dự báo của giới phân tích, CPI tháng 12 của Mỹ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 7,1% ghi nhận trong tháng 11.

chung-khoan-my-2-1673401019.png Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 năm qua.

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Stoxx 600 mất 0,59%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,3%, trong khi chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi tăng 0,05%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,45 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 80,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,49 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 75,12 USD/thùng.

Tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đang ở mức thấp nhất 7 tháng. Điều này có lợi cho giá dầu vì đây là một loại hàng hoá cơ bản được định giá bằng USD.

Trong một báo cáo công bố ngày 10/1, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ dự báo tiêu thụ năng lượng lỏng trên toàn cầu sẽ đạt mức cao chưa từng thấy 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, chủ yếu do tăng trưởng nhu cầu ở những nước như Ấn Độ và Trung Quốc và phản ánh các xu hướng trong hoạt động kinh tế.

Phát biểu tại một sự kiện ở Thuỵ Điển, Chủ tịch Fed Jerome Powell tránh bình luận trực tiếp về chính sách tiền tệ và nền kinh tế. Bởi vậy, nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa cũng đang chờ báo cáo CPI của Mỹ.

“Dữ liệu ngày thứ Năm có thể dễ dàng làm rõ hướng đi của thị trường tài chính và thị trường dầu trong những tuần tới đây”, chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định. Theo ông Varga, nếu số liệu lạm phát thấp hơn dự báo, đồng USD có thể tiếp tục giảm giá và giá dầu sẽ hưởng lợi thêm.

Giá dầu đã tăng 3 phiên liên tiếp nhờ việc Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và tiêu thụ dầu thô lớn thứ nhì thế giới, mở cửa biên giới trở lại vào cuối tuần vừa rồi. Trung Quốc cũng vừa có đợt cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu năm 2023 lần thứ hai, nâng tổng hạn ngạch đã cấp cho năm nay lên mức cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giá dầu đang cố hình thành một mức đáy, vì Trung Quốc đã dỡ gần hết các hạn chế đối với hoạt động đi lại và giao thương quốc tế”, Phó chủ tịch cấp cao Dennis Kissler của BOK Financial nhận định.

Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng sự phục hồi của nhu cầu dầu ở Trung Quốc có thể chỉ mang lại sự hỗ trợ có giới hạn đối với giá dầu, xét tới áp lực suy giảm hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu.

Barclays cho rằng giá dầu có thể thấp hơn 15-25 USD/thùng so với mức dự báo 98 USD/thùng mà ngân hàng này đưa ra cho giá dầu trong năm 2023 nếu “hoạt động sản xuất toàn cầu giảm sút tương tự như hồi năm 2008-2009”.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu tiếp tục đi lên" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).