Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS - HoSSE: ORS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022. Theo đó, khoản đầu tư cổ phiếu và trái phiếu chưa niêm yết đã khiến công ty này ghi nhận mức lỗ kỷ lục.
Theo Báo cáo tài chính, tổng doanh thu quý II/2022 của Chứng khoán Tiên Phong đạt 661,7 tỷ đồng, vẫn tăng mạnh so với mức 285 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý II chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 279,5 tỷ đồng, tăng 265,1% so với cùng kỳ 2021. Thu từ hoạt động tư vấn tài chính là 204,5 tỷ đồng, tăng 67,1%.
Doanh thu từ cho vay và phải thu hạch toán 47,9 tỷ đồng, tăng 384,9% so quý II/2021. Doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm xuống 18,4 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 26,8%, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm thanh khoản thị trường trong kỳ.
Doanh thu tăng song chi phí hoạt động của Chứng khoán Tiên Phong cũng tăng mạnh theo. Cụ thể, tổng chi phí hoạt động lên tới 697 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm trước là 162,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chi phí hoạt động tăng đến 4 lần đến từ việc việc công ty này cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục. Việc này là lỗ các tài sản tài chính FVTPL quý II là 527,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ FVTPL chỉ gần 90 tỷ đồng.
Theo đó, riêng quý II vừa rồi, Chứng khoán Tiên Phong cắt lỗ 367,2 tỷ đồng. Trong đó, cắt lỗ cổ phiếu niêm yết là 87 tỷ đồng. Cổ phiếu cắt lỗ mạnh nhất là SSI của Chứng khoán SSI. Đà giảm của SSI từ đầu năm đến nay khiến Chứng khoán Tiên Phong bị "thổi bay" 24 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty này phải cắt lỗ 280 tỷ đồng do đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết. Cụ thể, đây là trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, khiến TPS lỗ gần 120 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chứng khoán Tiên Phong lỗ 552 tỷ đồng do đầu tư tự doanh. Tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết giảm từ 775 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 90 tỷ đồng vào cuối quý II/2022.
Thực tế Chứng khoán Tiên Phong vẫn chốt lời mảng tự doanh 172,8 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản chốt lời không thể bù cho mức lỗ kể trên. Trong đó, 22 tỷ đồng là chốt lời chứng khoán, với riêng mã VHC của Thủy sản Vĩnh Hoàng 8 tỷ đồng, còn 144,7 tỷ đồng là chốt lời trái phiếu.
Hoạt động tự doanh không hiệu quả, hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Chứng khoán Tiên Phong là tư vấn tài chính khi thu lãi hơn 160 tỷ đồng. Ngoài ra, nghiệp vụ cho vay (margin) cũng mang về cho công ty gần 50 tỷ đồng.
Tổng cộng trong quý II/2022, tổng doanh thu của Chứng khoán Tiên Phong đạt hơn 660 tỷ đồng nhưng tổng chi phí hoạt động lên tới gần 700 tỷ đồng. Thêm vào đó, các chi phí trả lãi vay, chi phí vận hành đều tăng lên so với cùng kỳ.
Kết quả, công ty lỗ hơn 160 tỷ đồng trong quý II/2022. Đây là mức lỗ kỷ lục mà công ty này từng ghi nhận trong một quý kể từ ngày thành lập tới nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, TPS đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng và lãi 118 tỷ đồng. Công ty này đặt mục tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng cho cả năm. Như vậy, sau 6 tháng, công ty này mới thực hiện khoảng 20% chỉ tiêu đặt ra.
Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong chốt phiên 21/7 dừng tại mức 14.900 đồng/cổ phiếu. Với 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của công ty chứng khoán này đạt gần 3.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ORS đã giảm khoảng 40% thị giá.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của công ghi chứng khoán này ghi nhận 6.058 tỷ đồng, tăng hơn 1.290 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị cho vay margin của TPS là 1.487 tỷ đồng, giảm 286 tỷ đồng so với quy mô đầu năm.
Đáng chú ý, công ty chứng khoán này có khoản vay nợ tài chính ngắn hạn tăng gần 150 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên hơn 496 tỷ đồng. Cụ thể, công ty chứng khoán vẫn duy trì khoản vay ngắn hạn hơn 346 tỷ đồng (hạn mức 15 triệu USD) tại ngân hàng Shinhan - Chi nhánh Singapore với lãi suất 3%/năm, dùng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Còn lại khoản vay mới 150 tỷ đồng là từ doanh nghiệp bán lẻ Thế Giới Di Động, với mức lãi suất 8-8,2%/năm