Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam là dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn hướng vào nước ta. Không chỉ là nguồn vốn mới, mà nhiều nhà đầu tư hiện hữu đã tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư thêm và nâng cấp các dự án tại Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, trở thành một phần trong chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng nhiều mặt và cũng là sự khẳng định về nội lực của kinh tế Việt Nam.
Tại Diễn đàn đa phương 2022 về cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam, thông tin đưa ra cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu đã tăng lên đáng kể.
Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới.
Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. “Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh”, ông Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Do đó, theo ông Hải, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…, dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng để tăng cường vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn, được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.
Việc đánh giá tổng thể và toàn diện năng lực động giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trên cơ sở tích hợp và định vị lại nguồn lực của tổ chức; cũng như năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới của doanh nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh việc tham gia ngày càng sâu trong chuỗi cung ứng thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động Việt Nam.
Trong đó, đảm bảo quyền của người lao động phù hợp quy định của pháp luật, yêu cầu kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững là một trong những nội dung hết sức quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt. “Đảm bảo thực hiện tốt quyền của người lao động là một trong những chìa khóa quan trọng để các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng và bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phan Văn Anh khẳng định.
Đơn cử với Samsung - năm 2014, con số chỉ là 4 doanh nghiệp, thì đến nay tổng số nhà cung cấp cả cấp 1, cấp 2 là 250 doanh nghiệp. Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay: "Samsung mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình như nghiên cứu, sản xuất… để từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu".
Sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt trong chuỗi sản xuất cho thấy năng lực sản xuất ngày càng được nâng cao của nền kinh tế Việt Nam, nội lực được tăng cường là cơ sở để tăng trưởng bền vững.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá: "Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng lên trong 10 năm qua. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này rất tích cực và là cơ sở để các nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn; đồng thời cũng thể hiện nội lực của nền kinh tế Việt Nam đang tăng lên".