Tính thiếu hàng nghìn tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018. Trong đó có Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (gọi tắt VICEM).
Liên quan tới việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) để CPH, kết luận thanh tra cho biết đến thời điểm thanh tra, Vicem chưa hoàn thành việc CPH. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc xác định GTDN để cổ phần hóa Công ty mẹ - TCT Vicem được thực hiện cùng với 3 Công ty TNHH MTV (VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch) ngày 1/10/2018 cho thấy, một số khoản công nợ phải thu của Vicem Tam Điệp với tổng sổ tiền 11.943 triệu đồng, đối với 4 khách hàng là khoản nợ quá hạn. Vicem Tam Điệp đã khởi kiện và đã có phán quyết từ toà án buộc khách hàng của Vicem Tam Điệp phải thanh toán nợ cho Vicem Tam Điệp, không đủ điều kiện để được xác định là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định của Bộ Tài Chính.
“VICEM Tam Điệp không hạch toán trên sổ sách đối với khoản nợ phải thu trên và loại ra khỏi GTDN, làm giảm GTDN (phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) là 11.943 triệu đồng là không đúng. Theo quy định, các khoản công nợ phải thu này của Vicem Tam Điệp không đủ căn cứ đê được xóa nợ, phải được ghi nhận vào phần vốn nhà nước khi tiên hành xác định GTDN để cổ phần hóa TCT VICEM là 11.943 triệu đồng”, kết luận nêu rõ.
Việc xác định giá trị 1 số tài sản, nhà cửa vật kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để CPH, qua kiểm tra Thanh tra Chính phủ cho biết tại thời điểm xác định GTDN (1/10/2018), các công ty con 100% vốn nhà nước thuộc TCT VICEM (VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Tam Điệp) đang sử dụng 9 giấy phép khai thác khoáng sản là đá vôi, đất sét để sản xuất xi măng, với tổng trữ lượng được phép khai thác là 9.567.221 tấn đá vôi/1 năm và 1.910.600 tấn đá sét/năm; thời gian khai thác còn lại (tính từ 1/10/2018) là 2-30 năm tùy từng giây phép (3 mỏ còn 20 năm; 2 mỏ còn 2 năm; 4 mỏ còn 10 năm) nhưng đơn vị tư vấn xác định GTDN là Công ty TNHH kiểm toán AASC (Công ty AASC) đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sân tại các mỏ này.
Ngày 1/12/2019, Công ty AASC có Chứng thư số 011219.002/CTTĐ.KT17, theo đó xác định tổng giá trị thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ tại 3 đơn vị nêu trên là 1.507.000 triệu đồng (trong đó: VICEM Hoàng Thạch là 638.356 triệu đồng; VICEM Hải Phòng 523.640 triệu đồng; VICEM Tam Điệp 344.449 triệu đồng). Do đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Công ty AASC, TCT VICEM không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản tại các mỏ trên với tổng số tiền (tạm tính) là 1.507.000 triệu đồng là không đúng với quy định của Chính phủ về việc xử lý tài chính khi CPH.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy, mặc dù việc CPH của VICEM cùng 3 Công ty TNHH MTV (VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch) chưa hoàn thành nhưng qua kiểm tra, xem xét việc xử lý tài chính để CPH, khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại tổng công ty phải được xử lý (tạm tính) lên tới 3.011 tỷ đồng.
Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của VICEM 2.910 tỷ đồng, cũng như xử lý khoản chênh lệch 101 tỷ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty VICEM Hải Phòng theo quy định.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TCT VICEM hạch toán đối với khoản công nợ phải thu của Công ty VICEM Tam Điệp số tiền 11.943 triệu đồng, đảm bảo theo đúng chế độ quy định. Song song với đó, TCT VICEM phải rà soát, xác định đầy đủ, chính xác các khoản giá trị lợi thế thương mại quyền khai thác khoáng sản của TCT VICEM tại các mỏ còn trong thời hạn khai thác, số tiền tạm tính đến thời điểm thanh tra theo chứng thư thẩm định của Công ty tư vấn AASC là 1.057.000 triệu đồng.
Doanh thu tăng cao, lợi nhuận suy giảm
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 diễn vào tháng 1/2023, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết sản lượng sản xuất clinker năm 2022 đạt 20,65 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2021; sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,56 triệu tấn. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm 2022 và giảm 6,7% so với năm 2021.
Cũng theo VICEM, tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022 và tăng 16,6% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532,3 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5% (tương đương giảm 671,9 tỷ đồng) so với năm 2021. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.863 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm 2022 và giảm 14,2% so với năm 2021.
Lãnh đạo VICEM cho biết, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của VICEM còn được phản ánh rõ nét qua kết quả kinh doanh quý I/2023 của các công ty con. Đơn cử, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm, công ty cho biết lợi nhuận trước thuế quý I/2023 giảm 155,49% so với quý I/2022 (tương ứng với 136,19 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu là do: doanh thu bán hàng giảm 28,31%, giá vốn bán hàng giảm 19,74%, chi phí bán hàng giảm 3,9%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22,98%, thu nhập khác giảm 93,76% trong khi chi phí tài chính tăng 44,4%. Kết thúc quý đầu năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn chỉ ghi nhận doanh thu đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 và lỗ sau thuế 48,6 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên (HT1), công ty xi măng lớn nhất miền Nam, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho biết kết quả lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý đầu năm lỗ 85,636 tỷ đồng, giảm 445,84% so với quý I/2022 (giảm 110,40 tỷ đồng) và kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2023 lỗ 85,642 tỷ đồng, giảm 445,98% so với quý 1/2022 (giảm 110,39 tỷ đồng). Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động theo quý của công ty.
Đối với Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn, quý I/2023 công ty lỗ và giảm 32,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do dư cung xi măng tiếp tục ở mức cao, tiêu thụ trong nước gần như không tăng, các nước nhập khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam như Philippines tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, Trung Quốc chưa gia tăng nhu cầu nhập clinker,..
Năm 2023, VICEM đặt mục tiêu sản xuất khoảng 21,2 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so với năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng khoảng 6,3%; tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng khoảng 3,7%; lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) khoảng 800 tỷ đồng, giảm 47,8% so với ước thực hiện năm 2022.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm thanh tra, VICEM vẫn chưa giải quyết triệt để một số khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 4 công ty với số lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên đến 4.397 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.
Cụ thể: tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 100%, đầu tư vào Vicem -Tam Điệp, số lỗ luỹ kế của công ty là hơn 1.087 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 100% đầu tư vào Vicem Hải Phòng, số lỗ lũy kế của công ty là 161,2 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 80,79% đầu tư vào Xi măng Sông Thao, sổ lỗ lũy kế là 380 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư TCT tiếp nhận phàn vốn từ TCT HUD năm 2017.
Đáng chú ý, tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 82,69%, đầu tư vào VICEM Hạ Long, số lỗ lũy kế của công ty là 3.435 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư TCT tiếp nhận vốn từ TCT Sông Đà năm 2016.