Cùng với cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu của các công ty chứng khoán thuộc một trong những nhóm có đà tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu thị trường, hầu hết cổ phiếu công ty chứng khoán niêm yết đều đã tăng giá mạnh từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng gấp 3 lần giá trị.
Cụ thể, cổ phiếu Chứng khoán BOS (ART); Chứng khoán Tiên Phong (ORS); Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) và Chứng khoán Everest (EVS) là những mã đã ghi nhận mức tăng trên 200% thị giá trong gần 6 tháng qua.
Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng 3 chữ số giai đoạn này gồm Chứng khoán FPT - FTS (165%); Chứng khoán Bảo Minh - BMS (164%); Chứng khoán Sacombank - SBS (150%); Chứng khoán Rồng Việt - VDS (150%); Chứng khoán MB - MBS (142%); Chứng khoán Hòa Bình - HBS (113%)…
Trong khi đó, mức tăng của các cổ phiếu còn lại trong nhóm cũng phổ biến dao động trong khoảng 40-80% so với đầu năm.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức tăng giá gấp nhiều lần từ đầu năm đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Lý do tăng mạnh
Cũng theo dữ liệu thị trường, trong giai đoạn vừa qua, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán quy mô nhỏ lại ghi nhận mức tăng lớn hơn nhiều so với nhóm công ty lớn, chiếm thị phần môi giới cao.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu đầu ngành như Chứng khoán SSI (SSI); Chứng khoán TP.HCM (HCM); Chứng khoán VNDirect (VND)… tăng trên dưới 50% từ đầu năm, trong khi các cổ phiếu nhỏ như ART; ORS; APS; EVS... lại tăng tới 210-230% cùng giai đoạn.
Theo các chuyên gia phân tích của FiinGroup, cổ phiếu chứng khoán tăng trưởng mạnh từ đầu năm là nhờ hưởng lợi khi dòng tiền đầu cơ sôi động trên thị trường và nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) cao của các nhà đầu tư.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Đến cuối tháng 5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng, tăng 39% so với cuối năm 2020 và cao hơn 11% so với cuối quý I. Trong đó, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần.
Về yếu tố thanh khoản, xét riêng trên sàn HoSE, dòng tiền vào sàn này đã tăng vọt từ mức 3.600-3.800 tỷ đồng/phiên đầu năm 2020 lên 10.000-12.000 tỷ/phiên vào cuối năm, tương đương tăng gấp 3-4 lần.
THANH KHOẢN BÌNH QUÂN THÁNG TRÊN SÀN HOSE | ||||||||||||||||||||
Nguồn: HSX, tổng hợp | ||||||||||||||||||||
Nhãn | Tháng 1/2020 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Tháng 1/2021 | 2 | 3 | 4 | 5 | Từ đầu tháng 6 | ||
Giá trị giao dịch/phiên | column | tỷ đồng | 3670 | 3687 | 4276 | 4230 | 5660 | 6750 | 4751 | 5102 | 6692 | 8266 | 8592 | 12567 | 17043 | 14094 | 15576 | 18473 | 22425 | 27000 |
Từ đầu năm 2021, thanh khoản thị trường tiếp tục ghi nhận tăng nhanh và đạt mức bình quân 22.425 tỷ/phiên trong tháng 5, cao hơn 21% so với tháng liền trước và gấp 4 lần cùng kỳ.
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, mức thanh khoản bình quân trên HoSE đã lên tới gần 27.000 tỷ đồng/phiên.
Các yếu tố kể trên là nguyên nhân chính giúp doanh thu và lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng trưởng trong quý I và kỳ vọng quý II này.
Theo số liệu của FiinGroup, trong quý I, doanh thu và lợi nhuận các công ty này đã tăng lần lượt 21,4% và 26,7% so với quý liền trước. Trong đó, tăng trưởng lãi ròng chủ yếu được đóng góp bởi lãi từ hoạt động cho vay ký quỹ và chốt lời danh mục đầu tư tự doanh.
Năm nay, 31/35 công ty chứng khoán (chiếm 96,1% vốn hóa toàn ngành) dự kiến lãi ròng tăng 27%. Dù thấp hơn mức tăng của năm 2020 (55,4%), mức tăng trưởng lợi nhuận này vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất là 22,5%.
Ngoài ra, cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng nóng nhờ câu chuyện phát hành tăng vốn của nhiều công ty trong ngành.
Triển vọng của cổ phiếu nhà cái
Theo FiinGroup, cổ phiếu của các nhà cái - công ty chứng khoán - đã tăng 58,8% từ đầu năm, cho thấy triển vọng lợi nhuận năm nay đã được phản ánh vào giá.
Mức tăng kể trên cũng đưa cổ phiếu chứng khoán lên một mặt bằng định giá mới với P/B (giá trên giá trị sổ sách) ở mức 2,1 lần, gần gấp đôi so với mức trung bình 3 năm gần nhất, ở 1,2 lần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cổ phiếu chứng khoán vẫn có thể duy trì được sức hấp dẫn do P/B tương lai 2021 hiện mới ở mức 1,4 lần với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm nay.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu có tỷ lệ đóng góp thu nhập từ hoạt động môi giới cao, năng lực vốn đủ lớn để gia tăng dư nợ và lợi nhuận từ cho vay ký quỹ sẽ giúp gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch.
Dù đã tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu chứng khoán vẫn hấp dẫn khi dòng tiền của các nhà đầu tư F0 vẫn đổ vào thị trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi, mức định giá tương lai thấp hơn đáng kể so với định giá gần nhất sẽ giúp các cổ phiếu có dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm nay và các năm tiếp theo.
Các cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng tăng mạnh nhất từ nay đến cuối năm là HCM, SSI và VND. Đây cũng là nhóm công ty có thị phần môi giới top đầu thị trường và mức tăng từ đầu năm thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.
Theo một số công ty chứng khoán lớn, nhóm này xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay dựa trên giả định thanh khoản bình quân phiên ở mức thấp hơn nhiều so với mức hơn 20.000 tỷ đồng/phiên như hiện nay.
Như HSC lập kế hoạch năm nay dựa trên giả định thanh khoản bình quân 15.000 tỷ/phiên, trong khi bình quân quý I đã là 19.000 tỷ/phiên và quý II này đã lên hơn 20.000 tỷ/phiên.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cổ phiếu chứng khoán vẫn hấp dẫn và sẽ hấp dẫn hơn nữa nếu các công ty này thực hiện thành công việc phát hành huy động vốn cổ phần, qua đó tăng quy mô vốn cho vay margin cũng như tiếp tục hưởng lợi từ quy mô thanh khoản của thị trường hiện nay.