Cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong nửa cuối năm 2021, "câu chuyện riêng" là yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư

28/07/2021 15:17

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tìm kiếm những mã có khả năng duy trì sự tăng trưởng về lợi nhuận, đồng thời cần có câu chuyện riêng như tăng vốn nhằm tạo ra sự kích thích cho động lực tăng trưởng.

Cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong nửa cuối năm 2021, "câu chuyện riêng" là yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư

 

Nửa đầu năm 2021, nhà đầu tư được chìm vào "cơn say" với nhóm cổ phiếu ngân hàng, không ít mã đã ghi nhận mức tăng giá hơn gấp đôi so với đầu năm. Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng chủ yếu đến từ các yếu tố như lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng rất tốt, lên tới 60% so với cùng kỳ; chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn cao, kế hoạch kinh doanh khả quan… 

Bên cạnh đó, nếu quan sát thêm, câu chuyện tăng vốn của nhiều ngân hàng cũng là một trong những nhân tố hút được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ cho đà tăng phi mã  của nhóm "cổ phiếu vua". Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi là sóng cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có còn không khi thông tin tích cực gần như đã phản ánh hết vào giá?

Các khách mới trong livestream mới đây được tổ chức bởi CTCK SSI đã đưa ra các nhận định về “game” tăng vốn của các ngân hàng đồng thời đánh giá triển vọng cho cổ phiếu ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2021.

"Đà tăng lợi nhuận 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng bớt tích cực so với nửa đầu năm"

Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank (TPB) đã nhận định, hiện tại là thời điểm hợp lý để các ngân hàng tiến hành tăng vốn. Lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong nửa đầu năm nay, chỉ số ROE tại nhiều ngân hàng đã vọt tăng lên trên ngưỡng 20%-25% (cao hơn hẳn mức 9%-10% của khu vực) cho thấy khả năng sinh lời rất tốt, điều này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư để tiếp tục duy trì dòng tiền ở lại với nhóm cổ phiếu vua. Do đó, lượng cung cổ phiếu vào thị trường sẽ dễ dàng được hấp thụ hơn. Mặt khác, tăng vốn cũng rất cần thiết nhằm đáp ứng được tốc độ tăng trưởng "room" tín dụng của các ngân hàng, tạo điều kiện tăng trưởng về lợi nhuận hơn nữa.

Bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm phân tích và đầu tư SSI thì cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành ngân hàng lên tới 60% so với cùng kỳ một phần do nền so sánh thấp của 2020, bên cạnh đó là bối cảnh lãi suất thấp và công tác quản trị rủi ro và chi phí tốt. Sự đột phá này đã giúp các ngân hàng có sự thay đổi tích cực so với chu kỳ tín dụng trước đây, từ đó đưa định giá các ngân hàng về mức đỉnh.

Hiện tại, P/B của ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2 - 2,5 lần, tăng đáng kể so với mức 1 lần của năm 2019, điều này cũng chứng tỏ sự vượt trội trên thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. 

Đánh giá về triển vọng ngành nửa cuối năm 2021, ông Hưng cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là chính sách giảm lãi suất được NHNN ban hành sẽ phần nào tác động gây giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong tháng 7, tháng 8. Tuy nhiên sang đến quý 4/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, hứa hẹn lợi nhuận sẽ tăng trưởng trở lại. 

Bà Phương thì đưa ra đánh giá tăng trưởng 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng sẽ không còn quá nóng, bớt tích cực so với nửa đầu năm, chỉ đạt mức 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên triển vọng tích cực được dành cho năm 2022 khi mà mức tăng có thể đạt 21%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong nửa cuối của năm 2021

Về diễn biến trên thị trường, theo ông Nguyễn Minh Hạnh – Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), hiện tại thị trường chứng khoán đang trong quá trình tạo đáy, do đó phần lớn các cổ phiếu ngân hàng theo xu hướng chung là giảm điểm. Ngoài ra thanh khoản đổ vào tương đối thấp, dường như nhà đầu tư đang chờ đợi dấu hiệu chắc chắn về sự bùng nổ của thị trường trước khi quyết định xuống tiền. 

Ông Hạnh cho biết, suy nghĩ quý 2 là đỉnh lợi nhuận của các ngân hàng đã lập tức phản ánh vào giá cổ phiếu ngành này trong khoảng thời gian tháng 7 vừa qua, khi mà dòng tiền suy yếu khiến nhóm cổ phiếu này giảm điểm. Tuy nhiên, nếu dựa theo nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng thị trường sẽ vẫn đi lên trong giai đoạn cuối của 2021, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng - chiếm đến 34% vốn hóa thị trường - chắc chắn sẽ theo đà đi lên, ít nhất bằng với tốc độ tăng của VN-Index

Tính trong nửa sau của năm 2021, bà Phương dự báo khả năng cao nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tìm kiếm những mã có khả năng duy trì sự tăng trưởng về lợi nhuận, đồng thời cần có câu chuyện riêng như tăng vốn nhằm tạo ra sự kích thích cho động lực tăng trưởng, không chỉ cho hiện tại mà cả năm sau.

Bà Phương đưa ra một số chỉ tiêu của ngân hàng mà NĐT có thể căn cứ nhằm đánh giá trước khi quyết định đó là tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ ROE, NPL và NIM. Cùng với đó, ông Hưng cho rằng tỷ lệ bao nợ xấu cũng là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, "tỷ lệ bao nợ xấu của một ngân hàng càng cao thì chứng tỏ chất lượng tài sản của ngân hàng đó càng tốt".

Ngoài ra, thay vì lựa chọn đầu tư cổ phiếu lẻ, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn mua cổ phiếu theo rổ - nắm giữ ETF. Ông Hạnh cho biết, điểm bất lợi là sẽ không thể sử dụng công cụ đòn bẩy margin, song khi thị trường bước vào nhịp điều chỉnh thì đây sẽ là cách thức đầu tư an toàn hẹn chế thua lỗ và rủi ro sẽ ít hơn so với khi cầm cổ phiếu lẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong nửa cuối năm 2021, "câu chuyện riêng" là yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).