Cổ phiếu thép: Ai khóc nỗi đau này?

21/06/2022 12:30

Cổ phiếu thép đồng loạt giảm sâu trong bối cảnh VN-Index “bốc hơi” gần 37 điểm và mất mốc tâm lý 1.200 điểm. Đà giảm của cổ phiếu thép ngày càng nhanh và mạnh hơn, với nhiều cổ phiếu ghi nhận nhiều phiên “lau sàn” liên tiếp như HPG, NKG, HSG, SMC và TLH...

1452-cl2
Cổ phiếu thép: Ai khóc nỗi đau này. Hình minh họa

Chốt phiên 20/6, VN-Index đóng cửa với mức giảm 36,90 điểm (-3,03%), giao dịch với khối lượng hơn 15 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đầu phiên sáng diễn ra tương đối êm đềm nhưng đến phiên chiều, với áp lực bán được gia tăng, thị trường đã thêm một lần nữa đánh rơi mốc 1.200 điểm và đóng cửa ở mốc 1.180,4 điểm, thấp nhất trong nhiều phiên vừa qua.

Lại thêm một phiên giao dịch nữa sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn trên bảng điện khi hôm nay có đến 407 mã cổ phiếu giảm điểm, trong khi đó, số mã tăng điểm chỉ là 72 và còn lại là 36 mã tham chiếu. Nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục “đứng mũi chịu sào” do áp lực bán mạnh dồn dập, khiến hàng loạt cổ phiếu như SSI, VND, HCM, FTS, AGR, BSI, CTS,... giảm kịch sàn.

Là nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với thị trường, vì vậy phản ứng của nhóm chứng khoán cũng không hẳn là gây bất ngờ với các nhà đầu tư, bởi lẽ sau những lo ngại rủi ro lạm phát gia tăng, dòng tiền có thể sẽ rút khỏi các tài sản tài chính rủi ro cao, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK), gây ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu chứng khoán là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải đến bây giờ những khó khăn mới xuất hiện mà nhóm chứng khoán đã chịu áp lực bán mạnh trong nhiều tháng qua sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành thép với các đại diện như HPG, HSG, NKG, TLH,... cũng đồng loạt giảm sâu. Làn sóng bán tháo đã đẩy các cổ phiếu "nằm sàn" hàng loạt với HPG, NKG, HSG, SMC và TLH đều đang trắng bên mua.

0814-thep
Diễn biến giá cổ phiếu thép thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Khối ngoại tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ hơn đối với cổ phiếu HPG. Trước đó, trong 6 phiên gần nhất, mã này đã được khối ngoại gom ròng gần 500 tỷ đồng.

Nhìn lại nhóm thép, sau đợt hồi chóng vánh "hậu" Tết 2022, các cổ phiếu ngành đã quay đầu giảm sâu. So với mức đỉnh cuối tháng 10/2022, cổ phiếu HPG giảm hơn 50%, NKG, POM, TLH sụt 61%, SMC lao dốc 64% và HSG “bốc hơi” 70%. Đợt lao dốc của cổ phiếu thép được đặt trong bối cảnh trong bối cảnh giá thép và nhu cầu tiêu thụ đều ảm đạm.

Được biết từ chiều ngày 19/6/2022, các doanh nghiệp thép trong nước thông báo giảm giá bán sản phẩm thép xây dựng từ 300.000 - 510.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm giá thứ 6 kể từ ngày 11/5. Theo đó, tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 510.000 USD/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,65 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 410.000 đồng/tấn xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 410.000 đồng/tấn và 450.000 đồng/tấn xuống còn 16,51 triệu đồng/tấn và 16,97 triệu đồng/tấn.

Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn còn 16,51 triệu đồng/tấn và 17,07 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá hôm nay là 16,46 triệu đồng/tấn và 16,87 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 410.000 đồng/tấn và 500.000 đồng/tấn theo thứ tự.

Như vậy, trong vòng hơn 5 tuần, giá thép ghi nhận lần hạ thứ 6 với tổng mức giảm đến hơn 2,5 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 20/6 là 4.438 nhân dân tệ/tấn (660 USD/tấn) - giảm 2,5% so với cuối tuần trước và thấp nhất kể từ ngày 15/12/2021. Giá quặng 63,5% Fe tương lai tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc là 125 USD/tấn - giảm 5% so với cuối tuần trước và là mức thấp nhất Giá đồng là 8.830 USD/tấn - tăng 0,3% so với cuối tuần trước.

Trong tuần trước, giá giao ngay của nhiều loại thép giảm. Thép thanh vằn giảm gần 5% xuống còn 4.494 nhân dân tệ/tấn (669) vào ngày cuối tuần. Cuộn cán nóng mất 4,3% xuống còn 4.642 nhân dân tệ/tấn (691 USD/tấn) vào ngày cuối tuần. Thép không gỉ giảm 3,2% còn 16.905 nhân dân tệ/tấn (2.516 USD/tấn). Cuộn cán nguội giảm 2,1% xuống còn 5.270 nhân dân tệ/tấn (784 USD/tấn).

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm. Bên cạnh đó, tồn kho của nhiều doanh nghiệp đang ở mức cao vì nhiều công ty xây dựng kho dự trữ khi chiến tranh tại Ukraine nổ ra. Lượng tồn kho lớn khiến các nhà máy hạn chế sản xuất, ảnh hưởng đến tiêu thụ quặng sắt. Ngoài ra, việc thời tiết mưa cũng ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng, kéo nhu cầu thép đi xuống và khiến giá thép đi xuống.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các công ty thép cũng đang có nhiều chuyển biến xấu. Đáng chú ý nhất, Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long gần đây cũng cảnh báo ngành thép sẽ “thê thảm” trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không cần chờ đợi để thấy được sự thê thảm đó khi mà nhiều cổ phiếu đã lao dốc hơn 60% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu thép: Ai khóc nỗi đau này?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).