COVID-19 tới 6 giờ ngày 6/11: Dịch tái bùng phát tại nhiều nước khi mùa Đông tới; Số ca tử vong trên toàn cầu tăng trở lại

06/11/2021 07:28

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 476.788 trường hợp mắc COVID-19 và 7.168 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu xấp xỉ 250 triệu ca, trong đó trên 5 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 249.797.998 ca, trong đó có 5.052.163 người tử vong.

Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Từ đầu tháng 11, hàng loạt quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày có xu thế tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 226 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 5/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 773.617 ca tử vong trong tổng số trên 47 triệu ca bệnh. Tiếp đó là Ấn Độ với 459.880 ca tử vong trong số trên 34 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 609.015 ca tử vong trong số trên 21 triệu ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 608 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 357 người và CH Bắc Macedonia với 345 người/100.000 dân.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm lưu động ở Ljubljana, Slovenia, ngày 4/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 75,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 219.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.600 người.

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ khi họ nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 8/11 tới.

Điều kiện đối với những người nước ngoài nhập cảnh này là phải hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, loại vaccine đã được Nhật Bản phê duyệt và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Doanh nghiệp tại Nhật Bản phải chịu trách nhiệm quản lý hành vi, di chuyển của người đó trong thời gian 3 ngày tự cách ly. Sang ngày thứ 4, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì người nhập cảnh được bắt đầu tham gia các hoạt động bình thường, bao gồm đi lại, ăn uống cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Quốc gia Đông Bắc Á này cũng sẽ khôi phục việc nhập cảnh với những người cư trú lâu dài, bao gồm sinh viên và các thực tập sinh kỹ thuật theo diện nội trú.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác tại một bệnh viện ở Kiev, Ukraine ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, hai bang đông dân nhất của nước này là New South Wales (NSW) và Victoria ngày 5/11 đã nối lại hoạt động đi lại với nhau sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao.

Lần đầu tiên trong nhiều tháng, các du khách NSW, trong đó có cả những người chưa tiêm vaccine, có thể đến bang Victoria mà không cần cách ly hay xét nghiệm, nhưng họ vẫn cần giấy phép đi lại và chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Người dân bang Victoria đã tiêm đủ liều vaccine được tự do ra/vào bang NSW, trừ trường hợp từng đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, người dân bang Victoria từ 16 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 không được phép đến bang NSW.

Hiện 89,1% người dân NSW ở độ tuổi từ 16 trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 82% người dân bang Victoria từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Ngày 5/11, NSW ghi nhận 249 ca nhiễm COVID-19 mới và 3 ca tử vong, trong khi bang Victoria ghi nhận 1.343 ca mắc COVID-19 và 10 ca không qua khỏi.

Người dân giải nhiệt tránh nóng tại một hồ nước ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York và các tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho hơn 70.000 người lao động đã đạt được một thỏa thuận về việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có nội dung về miễn trừ và chính sách cho nghỉ việc. Nghiệp đoàn District Council 37, một trong các nghiệp đoàn tham gia thỏa thuận, cho biết theo thỏa thuận, những người lao động không xuất trình được chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ có 2 lựa chọn là thôi việc hoặc nghỉ việc.

Những người không có chứng nhận do không nộp đơn xin miễn tiêm vaccine hoặc đã bị từ chối miễn trừ sẽ bị xếp vào diện nghỉ không lương từ ngày 1-30/11. Trong thời gian này, họ vẫn được hưởng các lợi ích về chăm sóc y tế. Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào ngày 4/1/2022.

Các biện pháp này nhằm vào các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang, theo đó, mọi nhân viên phải tiêm mũi cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xuất trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng tuần.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 4/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ở châu Âu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý số ca nhiễm mới COVID-19 tại châu lục này đã tăng 55% trong 4 tuần vừa qua, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh, coi đây là sự cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới.
Bỉ đã ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại các mức đã khiến nước này phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10/2020.

Trước tình hình này, Mỹ đã khuyến cáo công dân không nên đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ. Số liệu của viện y tế Sciensano của Bỉ cho thấy số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong 14 ngày qua là 6.728 ca, tăng 36% so với tuần trước đó. Trung bình 164 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện hằng ngày trong 7 ngày qua, tăng 31%, và 343 bệnh nhân phải điều trị tích cực. Bỉ đã phải áp đặt phong tỏa lần thứ hai hồi tháng 10/2020, vài ngày sau khi ghi nhận số ca nhập viện ở mức cao tương tự.

Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 đã vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là "nguy cơ trung bình", chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống "nguy cơ thấp". Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động xã hội, tuy vẫn duy trì yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cailungo, San Marino, Italy, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu tại Italy đã tăng 12,9% trong tuần từ ngày 27/10-2/11, đi ngược lại xu hướng giảm đều đặn từ cuối tháng 8/2021. Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần trước là 257 người, tăng nhẹ so với 249 người của tuần trước. Các cơ quan y tế Italy đang khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao và những người trên 60 tuổi cũng như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, số đối tượng được tiêm mũi này cho đến nay vẫn chưa được mở rộng.

Ngày 5/11 tại Pháp, với 118 phiếu thuận và 89 phiếu chống, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật gia hạn việc sử dụng "thẻ xanh vaccine" tới ngày 31/7/2022 trong nỗ lực kiếm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Với việc phê chuẩn này, Thủ tướng Pháp sẽ có quyền ban hành sắc lệnh bắt buộc phải xuất trình "thẻ xanh vaccine" tại một số nơi nhất định tùy theo tình hình dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Pháp cũng có thể hạn chế hoặc cấm hoạt động đi lại, ra lệnh đóng cửa các cửa hàng và những nơi công cộng, thậm chí có thể ban hành lệnh giới nghiêm hay phong tỏa.

Tại Pháp, "thẻ xanh vaccine"chứng nhận người có thẻ này đã tiêm 2 liều vaccine hoặc gần đây mới khỏi bệnh COVID-19 hay có xét nghiệm âm tính. Kể từ ngày 21/7, việc xuất trình thẻ này là bắt buộc đối với các cuộc tụ tập có sự tham gia của hơn 50 người tại những trung tâm văn hóa và giải trí như rạp chiếu phim, nhà bảo tàng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức ngày 5/11 đã nhất trí sẽ tiến hành tiêm mũi tăng cường cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, giới chức y tế Đức cũng yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các cơ sở dưỡng lão và chăm sóc người cao tuổi, cũng như thắt chặt kiểm soát các biện pháp phòng dịch.

Phát biểu tại Hội nghị tổ chức ở thành phố Lindau (bang Bayern), Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết Bộ trưởng y tế liên bang và các bang đã thống nhất sẽ tiến hành tiêm chủng mũi tăng cường cho mọi người đã tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng, không chỉ nhóm người trên 70 tuổi và nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế như khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO). Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức cần tăng tốc với mũi tiêm tăng cường nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay khi tốc độ lây nhiễm đang nhanh chóng gia tăng.

Cùng ngày, Chính phủ liên bang Đức đã kêu gọi thận trọng và kiểm soát nhất quán các quy định phòng dịch khi đại dịch có xu hướng bùng phát mạnh khi mùa Đông đang tới. Theo thông báo ngày 5/11 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 37.120 ca mắc mới - mức cao nhất từ đầu dịch, và 154 ca tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại một trường học ở tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 5/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 26.357 ca mắc COVID-19 và 499 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.331.372 ca, trong đó trên 280.800 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến xu thế ca tử vong tăng trở lại. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.

Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 500 ca bệnh mới và chỉ có 19 ca tử vong.

Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 5/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 260 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với xấp xỉ 5.000 trường hợp, trong khi có 47 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.057 ca bệnh và 17 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.

Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5/11 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 80 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surakarta, Indonesia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 78 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Bạn đang đọc bài viết "COVID-19 tới 6 giờ ngày 6/11: Dịch tái bùng phát tại nhiều nước khi mùa Đông tới; Số ca tử vong trên toàn cầu tăng trở lại" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).