Được biết, gần ba năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương phát hiện nước giếng ăn có mùi rất khó chịu như mùi xăng. Sở dĩ bà Thủy nghi vấn như vậy bởi gia đình ở sát cửa hàng xăng dầu số 11, đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH Đoàn Kết; chủ cửa hàng là ông Nguyễn Văn Sinh, thôn Thủ Dương. Gia đình bà Thủy đã nhiều lần phản ánh, thậm chí gửi đơn kiến nghị lên UBND xã, huyện đề nghị làm rõ.
Cửa hàng xăng dầu số 11.
Từ phản ánh của hộ dân, UBND xã đã cử cán bộ về kiểm tra, lấy mẫu nước sau đó một cán bộ xã thông báo bằng miệng là cơ quan chuyên môn huyện yêu cầu gia đình phải lấy mẫu nước đưa đi kiểm định xem có bị ô nhiễm không mới có căn cứ để xử lý(?!). Do không biết mang mẫu nước tới đâu để kiểm định, sau thời gian dài phản ánh, kiến nghị không có kết quả, bà Thủy đã làm đơn gửi đến Báo Bắc Giang.
Ngày 31/5/2021, Báo Bắc Giang có công văn gửi đơn kiến nghị của bà Thủy đến UBND xã Nam Dương đề nghị xem xét giải quyết, trả lời cho Báo và công dân theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói là, sau khi gửi công văn, Tòa soạn đã nhiều lần đôn đốc nhưng vẫn không thấy UBND xã Nam Dương hồi âm.
Ngày 11/11 vừa qua, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng thôn Thủ Dương, nhà ở gần cửa hàng xăng dầu số 11 xác nhận nguồn nước sinh hoạt của hộ bà Thủy có mùi lạ khó chịu, không sử dụng được khoảng hai năm nay. Gia đình bà Thủy và các hộ xung quanh rất lo lắng và nhiều lần kiến nghị về sự việc này.
Nhiều tháng trước, UBND xã Nam Dương tổ chức kiểm tra nguồn nước sinh hoạt của một số hộ ở gần cửa hàng xăng dầu số 11, qua đó phát hiện nước giếng có mùi lạ như phản ánh của bà Thủy và lấy mẫu đưa đi nhưng sau đó không thấy phản hồi lại. Ông Nam và đại diện một số hộ còn thông tin thêm, giếng nước của chính cửa hàng xăng dầu số 11 cũng bị ô nhiễm nặng. Mỗi lần cửa hàng hút xả nước giếng ra mương chung của thôn, mùi lạ ấy bốc lên nồng nặc.
Về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dương cho biết: Nhận được phản ánh của cử tri về nguồn nước cạnh cửa hàng xăng dầu số 11 bị ô nhiễm, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra và lập biên bản. Thấy mẫu nước của gia đình bà Thủy có mùi lạ, tổ công tác đã lấy mẫu và báo cáo huyện, sau đó phòng chuyên môn huyện đã về lấy mẫu… Thế nhưng khi hỏi biên bản kiểm tra và văn bản báo cáo huyện về sự việc này, ông Hảo khất sẽ chuyển sau vì cán bộ giữ hồ sơ văn bản thời điểm đó đã luân chuyển nên không thể tìm thấy ngay.
Cuối ngày 16/11, ông Hảo mới chuyển qua mạng biên bản của UBND xã kiểm tra nguồn nước một số hộ bên cạnh cửa hàng xăng dầu số 11 ghi ngày 9/12/2020. Trước đó, làm việc với phóng viên, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định: Đơn vị chưa nhận được thông tin, báo cáo gì của UBND xã Nam Dương về việc cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hộ dân.
Phải chăng có sự thờ ơ, vô cảm của UBND xã Nam Dương trong giải quyết kiến nghị của hộ dân?
Cửa hàng xăng dầu ở khu dân cư của hộ ông Nguyễn Văn Sinh là cây xăng đầu tiên được xây dựng tại xã Nam Dương vào đầu những năm 2000. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Sinh thừa nhận nước giếng khoan ở cửa hàng và hộ bà Thủy có mùi lạ và cho biết không có chuyện rò rỉ xăng dầu. Nguyên nhân nước giếng có mùi có thể do quá trình đưa xăng dầu vào bồn và bán cho khách hàng, xăng bị rơi rớt ra ngấm xuống đất. Ngoài ra, do bồn xăng dầu trước đây xây dựng khá sâu (cách mặt đường hiện nay gần 2m), có thể mùi xăng tỏa ra không thoát được, ngấm vào đất làm nguồn nước bị ảnh hưởng…
Khi có phản ánh của hộ dân, gia đình ông Sinh đã cải tạo đường ống dẫn xăng, nâng bồn xăng lên cao, đồng thời dùng máy bơm hút sục giếng nước của hộ bà Thủy và giếng tại cửa hàng nhằm giảm mùi lạ. Song, "mục sở thị" giếng nước ngầm của hộ bà Thủy chúng tôi vẫn thấy nước có mùi hăng hắc, tanh nồng. Chỉ cần mở vòi cho nước chảy ra đã thấy mùi nồng nặc khó chịu. Cho tay chạm vào nước thấy dính dớp, mùi bám vào tay phải rửa bằng xà phòng mới hết.
Nguồn nước sinh hoạt của hộ dân bị ô nhiễm nặng, chính quyền địa phương kiểm tra đã biết nhưng không có biện pháp giải quyết triệt để. Hệ quả là gần hai năm nay gia đình bà Thủy vẫn phải sống cùng nguồn nước bẩn, phải đi xin nước nơi khác về sử dụng sinh hoạt. Khi sự việc không được giải quyết, theo thời gian, nguồn nước ô nhiễm lan rộng còn làm ảnh hưởng đến nghề sản xuất mì gạo truyền thống ở địa phương. Vì thế, để bảo vệ nguồn nước ngầm, người dân mong muốn về lâu dài cần có phương án chuyển cửa hàng xăng dầu số 11 sang vị trí khác, không để xen kẹp trong khu dân cư như hiện nay.
Đề nghị UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Nam Dương kiểm tra, đưa mẫu nước đi kiểm định, kịp thời có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm. Cùng đó có biện pháp kiểm điểm, chấn chỉnh việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của hộ dân, để việc ô nhiễm nguồn nước kéo dài.