Cửa IPO hẹp với doanh nghiệp Đông Nam Á năm 2022

25/11/2022 14:24

Dữ liệu từ Deloitte cho thấy số vốn huy động được từ các vụ IPO ở Đông Nam Á đã giảm 52% trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

ipo-1669360274.jfif

 

Vốn huy động từ IPO giảm 52%

Cụ thể, số vốn mà các doanh nghiệp ở Đông Nam Á huy động được từ hoạt động IPO đạt 6.3 tỷ USD từ tháng 01/2022 đến ngày 11/11/2022. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 13.3 tỷ USD của cả năm 2021, theo số liệu của công ty tư vấn quản lý Deloitte.

Số lượng doanh nghiệp thực hiện IPO trong năm 2022 cũng giảm, từ mức 152 của năm ngoái xuống còn 136 tính đến hiện tại của năm 2022, số liệu cho hay. Chỉ có 8 công ty quy mô lớn và vừa được niêm yết trong năm nay, ít hơn mức 19 của năm 2021.

Doanh nghiệp lớn được hiểu là những công ty có vốn hoá thị trường trên 1 tỷ USD, còn công ty vừa có vốn hoá thị trường từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Báo cáo của Deloitte thu thập số liệu từ 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Hoạt động IPO ở Đông Nam Á trầm lắng hơn trong năm nay, và chỉ có hai vụ IPO bom tấn là của GoTo ở Indonesia với số vốn huy động được là 1.1 tỷ USD và Thai Life Insurance của Thái Lan huy động được 1 tỷ USD.

Điều này có thể có nghĩa là các công ty lớn hơn đang “án binh bất động” và trì hoãn việc niêm yết để chờ đợi đến khi điều kiện thị trường cải thiện, Deloitte nhận định.

Năm ngoái, Đông Nam Á có thương vụ IPO trị giá 1.5 tỷ USD của công ty thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia) vào tháng 08/2021 và ba đợt IPO khổng lồ khác ở Thái Lan. Cụ thể, công ty bán lẻ của tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan, PTT Oil and Retail Business, huy động được 1.6 tỷ USD trong tháng 02/2021. Công ty tài chính vi mô Ngern Tid Lor huy động được 1.4 tỷ USD trong tháng 05/2021. Nhà sản xuất và phân phối nội dung truyền thông giải trí The One Enterprise huy động được 118 triệu USD trong tháng 11/2021.

Những yếu tố bất lợi về kinh tế vĩ mô, như lạm phát cao và lãi suất toàn cầu tăng, đang kéo giảm động lực IPO của doanh nghiệp.

“Trước đại dịch COVID-19, hoạt động IPO diễn ra sôi động cùng với hoạt động kinh tế và đà tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị đảo ngược trong hai năm qua. Tình hình hiện tại cũng chưa cải thiện dù các quốc gia đã mở cửa lại biên giới”, Tay Hwee Ling, giám đốc cố vấn các sự kiện đột phá tại Deloitte Đông Nam Á và Singapore cho biết.

Indonesia và Thái Lan đứng đầu

Xét về số lượng IPO, Indonesia dẫn đầu khu vực với 54 công ty thực hiện niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia tính từ tháng 01/2022 đến tuần thứ hai của tháng 11/2022. Malaysia đứng thứ hai với 31 đợt IPO, tiếp theo là Thái Lan.

GoTo của Indonesia, vốn là công ty hợp nhất từ dịch vụ gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia, huy động được 1.1 tỷ USD khi IPO hồi tháng 04/2022. Đây là đợt IPO lớn thứ 3 ở châu Á và lớn thứ 5 trên phạm vi toàn cầu trong năm nay. Chỉ riêng đợt IPO của GoTo đã chiếm tới 47% tổng số vốn huy động được trên thị trường chứng khoán Indonesia, theo tính toán của CNBC dựa trên số liệu của Deloitte.

Xét về số vốn huy động được, Thái Lan dẫn đầu khi chiếm 39% tổng số vốn huy động được, với 28 đợt IPO. Trong số 2.5 tỷ USD vốn thu về, Thai Life Insurance huy động được 1 tỷ USD và hãng sản xuất thịt Betagro Public Company Limited huy động được 555 triệu USD.

Indonesia đứng vị trí thứ hai với 2.3 tỷ USD, tiếp theo là Malaysia với 681 triệu USD.

Theo đó, Thái Lan và Indonesia đã đóng góp tới 75% tổng số vốn huy động được trên khắp Đông Nam Á.#

Riêng ở Malaysia, số vốn huy động được trong năm nay gấp hơn 2 lần so với cả năm 2021 (337 triệu USD). Trong khi đó, các thị trường khác, gồm Singapore, Philippines và Việt Nam, chứng kiến cả số lượng IPO và số vốn huy động được đều giảm trong năm nay.

Lạc quan một cách thận trọng cho năm 2023

Theo báo cáo của công ty phân tích CB Insights, trong năm 2022, định giá của lĩnh vực công nghệ và khối lượng giao dịch giảm ở hầu hết giai đoạn đầu tư do các yếu tố thị trường khó lường, như lãi suất tăng. Giới đầu tư trở nên thận trọng hơn nên họ cũng đầu tư ít hơn với quy mô giao dịch nhỏ hơn.

Mặc dù thách thức vẫn còn ở phía trước, song Đông Nam Á là khu vực có tỷ lệ dân số trẻ cao và ở hầu hết quốc gia, nhà đầu tư cá nhân đang hoạt động tích cực. Điều này có nghĩa là nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng”, bà Tay của Deloitte cho hay.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hơn một nửa dân số Đông Nam Á dưới 30 tuổi. Những người trẻ tuổi là những người có khả năng thúc đẩy nền kinh tế tiến lên phía trước.

Về triển vọng cho phần còn lại của năm 2022 sang đến năm 2023, bà Tay cho biết Deloitte lạc quan một cách thận trọng. “Đông Nam Á vẫn còn dư địa để tăng trưởng mạnh hơn, đặc biệt là khi khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19. Chúng tôi dự đoán hoạt động IPO sẽ còn trải qua những thăng trầm theo chu kỳ vì thị trường vẫn cần điều chỉnh lại từ tư duy trong đại dịch COVID-19 về tư duy bình thường”.

Mặc dù định giá cổ phiếu công nghệ có thể xuống thấp hơn nữa, song đây là những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng sinh lời tốt, nên họ vẫn có thể đạt được mức định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn, bà Tay bổ sung.

Bạn đang đọc bài viết "Cửa IPO hẹp với doanh nghiệp Đông Nam Á năm 2022" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).