Xung đột Nga - Ukraine bước sang một giai đoạn mới khi Moscow tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát để tập kích vào hạ tầng năng lượng của Kiev.
Guardian dẫn thông tin từ Bộ Năng lượng Ukraine cho hay, chỉ trong 10 ngày kể từ 10/10, Nga đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích, phá hủy hơn 30% cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine. Tổn thất này buộc chính phủ Ukraine phải ban hành quy định hạn chế người dân tiêu thụ điện trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 23h đêm.
Đây là đợt tập kích bằng tên lửa và UAV lớn nhất của Nga kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, đồng thời cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng xung đột Nga - Ukraine từ một cuộc chiến giành ưu thế về pháo binh sang ưu thế trên không.
Chưa bao giờ UAV được sử dụng nhiều như trong xung đột Nga - Ukraine, khi ưu thế của cả hai bên phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay cỡ nhỏ này, từ tập kích đối phương đến trinh sát, chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Sự phổ biến của UAV tự sát được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá là do sự biến đổi về phương thức tác chiến hiện đại và việc sử dụng rộng rãi các loại công nghệ hiện đại giúp rút ngắn quá trình phát hiện - tiêu diệt mục tiêu.
Ở giai đoạn đầu xung đột, Ukraine đẩy lùi đà tiến công của Nga ở Kiev nhờ các cuộc mai phục, tập kích bằng UAV. Ở giai đoạn sau này khi được phương Tây viện trợ nhiều hơn, Ukraine được cho là bắt đầu dùng UAV để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu sâu phía sau phòng tuyến của đối phương.
Trong khi đó, Kiev và phương Tây cho rằng, trong các cuộc tập kích gần đây nhằm vào hạ tầng quan trọng của Ukraine, Nga chủ yếu sử dụng UAV tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất hoặc lấy nguyên mẫu để chế tạo nội địa.
Trong thư đề ngày 14/10 gửi đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phái đoàn Ukraine kêu gọi cử các chuyên gia quốc tế đến nước này để xác thực thông tin Nga đang sử dụng UAV do Iran sản xuất. Lá thư khẳng định Ukraine đã thu được một số chiếc và cho biết Iran đã chuyển các UAV dòng Shahed và Mohajer cho Nga từ cuối tháng 8.
Thậm chí, Mỹ cáo buộc Iran đang "can dự trực tiếp" vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bằng việc cử chuyên viên kỹ thuật đến Crimea hỗ trợ các cuộc tấn công bằng UAV.
Tuy vậy, đến nay cả Nga và Iran đều bác bỏ cáo buộc này. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói rằng Iran đã và sẽ không cung cấp bất cứ vũ khí gì để sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine.
UAV tự sát Shahed-136 do công ty Shahed Aviation Industries của Iran phát triển và chế tạo và chuyển giao cho quân đội Iran từ năm 2021. Nó có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng đều có thiết kế khí động dạng tam giác để tối ưu lực nâng khi bay.
Shahed-136 có thể tập kích mục tiêu cách 2.000-2.500km, mang theo đầu đạn nặng 40kg với tốc độ bay tối đa 185 km/h. Nó thể quần thảo nhiều giờ trên không tìm kiếm hoặc tiêu diệt mục tiêu. Khả năng công phá của UAV Iran là đầu đạn nổ phá mảnh nặng tới 36kg, đủ sức tấn công và tiêu diệt những mục tiêu kiên cố và được bọc giáp hiện đại nhất.
"ÁC MỘNG" TRÊN KHÔNG
UAV tự sát hay còn gọi là đạn tuần kích (loitering munition) được thiết kế để dùng một lần trong đòn tập kích vào phía sau phòng tuyến đối phương. Khác UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom và trở lại căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ dùng đòn tấn công duy nhất.
UAV tự sát có kích thước nhỏ, được chế tạo phần lớn bằng vật liệu phi kim, hoạt động tầm thấp khiến nó dễ qua mặt các hệ thống trinh sát bằng radar, quang ảnh. Chúng có khả năng hoạt động trong khu vực được chỉ định.
Nói cách khác, được bắn liên tiếp từ bệ phóng xe tải, UAV có thể bay thấp và chậm, có khả năng tránh radar tốt hơn và có thể bao vây một mục tiêu, áp đảo hệ thống phòng thủ, đặc biệt là ở các khu vực dân sự. Nó có thể đảm nhiệm các chức năng trinh sát, quan sát và tiêu diệt.
Chuyên gia quân sự Nga Denis Vyacheslav Fedutinov cho rằng, loại UAV này rất phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi hành động nhanh trong tình huống chiến đấu thay đổi nhanh chóng.
UAV tự sát có khả năng tấn công chính xác vượt trội so với bom thông thường, trong khi không gây rủi ro cho phi công như máy bay có người lái mang bom truyền thống.
Một ưu điểm nữa của UAV tự sát là giá thành rẻ hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình. Ví dụ, giá một chiếc UAV loại Shahed do Iran sản xuất có giá khoảng 20.000 USD, trong khi tên lửa hành trình Kalibr của Nga có chi phí khoảng 1 triệu USD/quả. Do vậy, UAV tự sát có thể sử dụng cho các cuộc tập kích "bầy đàn" với sự tham gia của hàng chục hoặc hàng trăm chiếc cùng lúc.
Tuy nhiên, UAV sát thủ vẫn có những nhược điểm nhất định như tạo ra tiếng ồn khi tiếp cận mục tiêu hay mức độ sát thương thấp hơn so với đầu đạn tên lửa và dễ bị bắn hạ bằng vũ khí nhỏ thông thường.
Ông Mykola Bielieskov, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, nêu ví dụ một chiếc Shahed-136 chỉ mang lượng thuốc nổ khoảng 40kg, tạo ra lực nổ yếu hơn nhiều so với lực nổ mà đầu đạn 480kg trên một tên lửa thông thường có thể gây ra ở tầm xa hơn nhiều.
"Rất khó để tấn công các mục tiêu lớn bằng các máy bay không người lái như vậy", chuyên gia Bielieskov nhấn mạnh. Mặc dù vậy, nếu hàng chục hoặc hàng trăm UAV cùng tập kích mục tiêu một lúc, câu chuyện sẽ khác.
LỰA CHỌN CỦA NGA
Giới quan sát cho rằng việc Nga liên tục tung ra nhiều đợt tấn công bằng UAV tự sát ở Ukraine nhằm nhiều mục đích, trong đó nhắm vào các mục tiêu quan trọng, làm giảm nhuệ khí và khiến đối phương tiêu hao vũ khí đối phó.
"Đây vừa là vũ khí quân sự vừa là vũ khí tâm lý. Các cuộc tập kích vào những thành phố lớn vốn được bảo vệ trước các mối đe dọa từ trên không này cho thấy Nga vẫn có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho Ukraine", Samuel Bendett, một nhà phân tích về quân đội Nga tại trung tâm nghiên cứu CNA có trụ sở ở Virginia (Mỹ), nhận định.
Do chi phí thấp nên các UAV này được sử dụng để tấn công ồ ạt các mục tiêu dù là kho chứa nhiên liệu hay các cơ sở hạ tầng và những công trình trọng yếu như nhà máy điện. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine trở thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài, việc tìm ra các vũ khí có chi phí thấp và hiệu quả cao được coi là yếu tố then chốt để duy trì ưu thế.
Ukraine nói rằng, họ đã bắn hạ 85% UAV của Nga sử dụng để tấn công, nhưng vấn đề là chi phí tên lửa mà các hệ thống phòng không đó sử dụng để đánh chặn loại vũ khí rẻ hơn nhiều.
"Bên tấn công có thể sử dụng chiến thuật để tối đa hóa thiệt hại cho đối phương. Một trong các chiến thuật như thế là tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và tấn công bất ngờ từ nhiều hướng thay vì trực diện, khiến cho việc phòng thủ rất khó khăn", William Alberque, Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định.
Ngoài ra, UAV tự sát có thể là lựa chọn thay thế phù hợp giúp Nga bảo toàn phi đội máy bay chiến đấu, bù đắp cho kho tên lửa đang cạn kiệt sau 8 tháng xung đột.
Quân đội Nga không tiết lộ họ đã bắn bao nhiêu tên lửa và còn lại bao nhiêu trong kho, và cũng không có dữ liệu để đánh giá độc lập tình trạng của kho vũ khí Nga. Tuy nhiên, Nga tuyên bố quân đội nước này có đủ kho dự trữ tên lửa tầm xa và các nhà máy chế tạo đang vận hành mạnh hơn.
Hồi tháng 5, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov khẳng định Moscow đủ tên lửa và đạn dược để thực hiện tất cả nhiệm vụ được giao cho các lực lượng vũ trang. Ông Borisov cũng cho biết, Nga đang phát triển tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới có thể thực hiện các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích phương Tây nhận định kho vũ khí chính xác tầm xa của Moscow không còn nhiều. Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây cũng nói rằng, Nga đã sử dụng hầu hết kho vũ khí tên lửa chính xác cao, từ 1.844 tên lửa trước xung đột xuống còn 609 tên lửa vào giữa tháng 10.
"Ngành quốc phòng Nga không thể sản xuất đủ tên lửa trong khi số tên lửa sử dụng cho chiến dịch ở Ukraine đang cạn kiệt. Nhiều loại đã xuống mức cực thấp, dưới 30%", Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cục tình báo, Bộ Quốc phòng Ukraine đầu tháng này cho hay. Ông dẫn ví dụ, dự trữ tên lửa Iskander của Nga hiện chỉ còn 13% so với mức bình thường.
Ông Budanov tin rằng, đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Nga chuyển hướng sang sử dụng UAV nhiều hơn. Giới chức Ukraine nói, Nga đã mua gần 3.000 UAV tự sát của Iran và đang tiếp tục đặt hàng, có thể đủ dùng cho các cuộc tập kích trong 2-3 tháng tới.
"Nếu triển khai khoảng 100 chiếc mỗi ngày, họ có thể tấn công Ukraine không ngừng nghỉ trong một tháng. Trong trường hợp huy động số lượng thấp hơn hoặc có giãn cách giữa các đợt tấn công, quân đội Nga đủ sức gieo rắc ác mộng cho Ukraine trong liên tiếp 2-3 tháng", Alexey Arestovich, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, hôm 17/10 bình luận.
Một lý do nữa khiến Nga thay đổi chiến thuật tập kích ở thời điểm này là muốn gây sức ép lên Ukraine và các đối tác phương Tây trước mùa đông - thời điểm được cho là có thể tạo bước ngoặt quyết định đối với cuộc xung đột hiện nay.
"Nga biết rất rõ cách đánh vào nỗi sợ hãi của các cử tri phương Tây, qua đó tác động tới giới lãnh đạo của họ", chuyên gia phân tích các vấn đề toàn cầu đến từ Canada Michael Bociurkiw bình luận. Theo ông, các đợt tấn công nhằm vào cơ sở cung cấp nước sạch, điện và hệ thống sưởi ấm của Ukraine khi mùa đông đến sẽ khiến các nước phương Tây ủng hộ Ukraine phải chi nhiều tiền hơn để giúp người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm, từ đó giảm nguồn lực hỗ trợ Kiev.
BƯỚC NGOẶT NGUY HIỂM
Tạp chí The Economist dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng một số lượng lớn UAV tự sát có thể giúp Nga đạt được ưu thế ngắn hạn trên chiến trường, nhưng không đủ để thay đổi hoàn toàn cục diện xung đột và UAV không thể thay thế hoàn toàn chiến dịch của bộ binh.
Bất chấp những thách thức mà UAV tạo ra cho Ukraine, điều đó không có nghĩa là Nga sẽ có thể sử dụng máy bay không người lái để giành được ưu thế trên chiến trường, bởi các mục tiêu tấn công của họ cơ bản không ở tiền tuyến, mà tập trung vào cơ sở dân sự ở các thành phố lớn. Nói cách khác, các cuộc tập kích gần đây bằng UAV và tên lửa của Nga vẫn nhằm mục đích đáp trả vụ cầu Crimea bị đánh bom và răn đe Ukraine, thay vì tập trung vào những thành trì trên chiến trường.
Theo ông Samir Puri, chuyên gia phân tích tại Đại học King's College London, việc triển khai UAV tự sát sẽ khiến Ukraine phải gánh thêm nỗi lo khác, nhưng đây không phải là vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi".
Ngược lại, tạp chí The Economist cho rằng, chiến thuật tập kích mới có thể là ván cược đầy rủi ro của Nga. The Economist lập luận, chiến thuật tập kích mới của Nga nhằm vào hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine có thể phá vỡ sự do dự của một số đồng minh, đối tác phương Tây trong việc cung cấp thêm những vũ khí uy lực hơn cho Kiev.
Hệ thống phòng không của Ukraine mỏng yếu hơn nhiều, vì vậy sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV, Ukraine đã liên tục yêu cầu châu Âu và Mỹ hỗ trợ hệ thống phòng không.
Tổng thư ký NATO John Stoltenberg đầu tuần này tuyên bố, liên minh sẽ viện trợ cho Ukraine những tổ hợp đối phó UAV trong những ngày tới. Mỹ có thể sẽ sớm chuyển lượng lớn UAV tự sát Switchblade 600 đủ mạnh để phá hủy xe tăng.
Một bộ trưởng của Israel, quốc gia vốn duy trì quan hệ hợp tác với Nga, hôm 18/10 kêu gọi chính phủ nước này bắt đầu hỗ trợ quân sự cho Kiev như cung cấp các tổ hợp phòng không hiện đại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz ngày 19/10 đã bác bỏ đề nghị, nhưng cho biết sẵn sàng giúp Ukraine phát triển hệ thống cảnh báo không kích.
Trong khi còn những hoài nghi về việc liệu các cuộc tập kích bằng UAV tự sát xoay chuyển cục diện chiến sự, sự can dự ngày càng lớn của bên ngoài có thể đẩy xung đột Nga - Ukraine leo thang lên một nấc mới nguy hiểm và khó lường hơn.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 11/10 cảnh báo: "Moscow sẽ không do dự trong việc thực hiện các biện pháp đáp trả sự can thiệp của phương Tây với chiến dịch đặc biệt. Chúng tôi cảnh báo và hi vọng Washington cùng với NATO nhận ra nguy cơ leo thang căng thẳng không kiểm soát".
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng nhấn mạnh, việc phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ về một cuộc đụng độ giữa Nga và NATO.