Đã mắc BA.1, BA.2 có mắc lại BA.4, BA.5 nữa không?

02/07/2022 08:41

'Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10% đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5' - GS-TS Phan Trọng Lân.

Nhiều thông tin được GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chia sẻ tại tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 1-7.

Tiêm mũi vaccine 3, mũi 4 thì phản ứng phụ sẽ mạnh hơn?

Hiện nay, biến thể phụ BA.4, BA.5 đang phổ biến trên thế giới. Nhiều người thắc mắc, việc tiêm mũi nhắc lại mũi 3, mũi 4 có tác dụng với biến thể phụ này như thế nào và lợi ích, hạn chế của việc tiêm mũi nhắc lại này là gì?

Thông tin về vấn đề này, GS Lân cho biết: “Như thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới thì biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10% đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5”.

Tiêm vaccine giúp bảo vệ cho từng cá thể khỏi mắc bệnh hoặc khỏi bị bệnh nặng. Ảnh: PHI HÙNG

Theo ông Lân, tại Việt Nam, đến tháng 12-2021, thậm chí đến tháng 2-2022, các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4-6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh virus xâm nhập.

Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.

Việc tiêm mũi 3, mũi 4 giúp củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5-, nếu có nhiễm thì cũng nhẹ hơn.

Chia sẻ về việc hiện nhiều người dân lo ngại việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 thì phản ứng phụ sẽ mạnh hơn và để lại hệ lụy lớn cho những người tiêm, ông Lân cho rằng đối với vaccine, người ta nghiên cứu trên phạm vi lớn và đã kết luận. Còn đối với mỗi cá nhân thường có khác biệt nhau trong đáp ứng. Theo các nghiên cứu, đặc biệt là các nước phát triển họ nghiên cứu rất đầy đủ và thấy rằng trong bốn mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2. Ví dụ như vaccine Pfizer thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2.

“Đấy là những nghiên cứu bài bản và có công bố quốc tế thường xuyên, có kiểm tra, giám sát. Tôi phải nói rằng không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Liên quan đến những thông tin cho rằng vaccine có thể sắp hết hạn nên mới thúc đẩy tiêm nhanh, ông Lân cho rằng vaccine được nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là sự ổn định. Ví dụ, hạn sử dụng của vaccine là chín tháng thì có nghĩa người ta đã nghiên cứu tới 12-15 tháng, thậm chí hơn nữa. Như vậy tính ổn định chín tháng nghĩa là nó đảm bảo được trong vòng chín tháng hiệu quả là như nhau chứ không có chuyện bảy tháng thì tốt hơn chín tháng.

Chưa biết chính xác độc lực của BA.4 và BA.5

Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5.

TS SOCORRO ESCALANTE,
Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

“Trong các hoạt động, từ phân bổ vaccine, được giám sát rất đầy đủ của các bên: Bộ Y tế, chính quyền các cấp. Như vậy vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng, tôi thấy rất bảo đảm sự an toàn để bà con yên tâm đi tiêm” - ông Lân nói.

Tiêm vaccine có làm giảm tình trạng mắc MIS-C ở trẻ em?

Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, biểu hiện bệnh học của trẻ em mắc COVID-19 và ở người lớn có sự khác biệt cơ bản. Đó là ở người lớn thì có biểu hiện biến chứng suy hô hấp nguy kịch (tức là biến chứng suy hô hấp nguy kịch dẫn đến tử vong). Còn với trẻ em, sau khi mắc COVID-19 khoảng 4-6 tuần có biểu hiện là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là biểu hiện liên quan đến miễn dịch giữa trẻ em và người lớn có sự khác nhau. Như vậy, sau khi mắc COVID-19, người lớn là suy hô hấp, trẻ em là nguy cơ nặng, chính là MIS-C.

Theo TS Điển, tại BV Nhi Trung ương, trong 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C thì 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO (nghĩa là phải làm màng trao đổi ôxy tĩnh mạch ngoài cơ thể). Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết bệnh viện cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc Monopropylene đường tĩnh mạch. Thuốc đó với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng.

Giải đáp thắc mắc tiêm vaccine có làm giảm tình trạng mắc MIS-C ở trẻ em hay không? TS Điển cho biết qua tra cứu các y văn và thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C. Với trẻ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Mỹ cho thấy ước tính hiệu quả của hai liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%.

“Tại BV Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như là các cháu chưa tiêm” - TS Điển thông tin.

Theo chuyên gia nhi khoa, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19.•

Tiếp tục khuyến cáo trẻ em tiêm vaccine phòng COVID-19

Nhấn mạnh vai trò của vaccine cho trẻ em trước bối cảnh xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 như BA.4 và B.A5, PGS-TS Trần Minh Điển cho biết hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ 12-17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ 5-11 tuổi đi tiêm mũi 1 và mũi 2. Đây là một trong những vấn đề cần thiết để chúng ta tạo miễn dịch cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Đã mắc BA.1, BA.2 có mắc lại BA.4, BA.5 nữa không?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).