Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Empire Group) làm chủ đầu tư đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư bằng những chính sách hấp dẫn.
Một trong những nhà đầu tư ‘đổ’ vào dự án Cocobay nhiều nhất là ông Mai Huy Tân - người sáng lập Công ty Xúc xích Đức Việt.
Sau khi bán Công ty Xúc xích, ông Tân định rằng số tiền đó để dưỡng già; thế rồi được mời chào đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, ông đã rót” khoảng 600 tỷ đồng, trong đó có tới 402 tỷ đồng ông vay từ Ngân hàng SHB và phải thế chấp 42 hợp đồng bất động sản.
Đổi lại, ông Tân sẽ được hưởng thu nhập cam kết với mức 12,5% ở 24 tòa khách sạn Boutique cao 7 tầng; 8 biệt thự 5 sao ở khu Nam An với mức cam kết là 10% và 10 căn hộ condotel là 12%.
Không đòi được hơn 700 tỷ đồng, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức đã gửi đơn kiện Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô.
Cocobay Đà Nẵng đổ vỡ, Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) đã tuyên bố ngừng chi trả thu nhập cam kết từ ngày 1/1/2020 khiến hàng trăm nhà đầu tư bất ngờ, căng băng rôn đòi quyền lợi.
Nhẫn nại, tin tưởng, thậm chí chấp nhận phương án thiệt về mình để giải quyết thanh lý 42 bất động sản, đòi số tiền nợ từ Công ty Thành Đô nhưng đến nay khoản nợ vẫn chưa được giải quyết, ông đành nộp đơn kiện Công ty Thành Đô ra tòa án.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Mai Huy Tân cho biết: Tính đến hết năm 2021, Công ty Thành Đô nợ Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức (Công ty Nhịp Cầu Việt Đức) số tiền hơn 700 tỷ đồng và hơn 234 tỷ đồng của nhóm 15 chủ sở hữu ủy quyền cho Công ty Việt Đức.
Số nợ này đã được lập biên bản xác nhận công nợ vào ngày 22/1/2022 do ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô ký tên đóng dấu.
Ông Tân cho hay, Công ty Thành Đô cam kết trả tiền theo 3 đợt vào tháng 2/2022, đợt 2 vào tháng 3/2022 và đợt 3 vào trước ngày 30/4/2022. Tuy nhiên, thực tế Công ty Thành Đô vẫn không trả một đồng nào.
“Tôi đã nhẫn nại, tin tưởng nhưng ông Thành đã không thực hiện cam kết nên buộc chúng tôi phải khởi kiện”, ông Tân nói.
Từ đầu năm 2020, nhiều khách hàng đầu tư ở dự án Cocobay Đà Nẵng đã căng băng rôn tại trụ sở Công ty Thành Đô để đòi quyền lợi sau khi chủ đầu tư đã không thực hiện trả thu nhập cam kết như ban đầu.
Theo ông Tân, Công ty Nhịp Cầu Việt Đức không chọn phương án thanh lý hợp đồng và yêu cầu trả lại nhà có sổ đỏ. Bởi lẽ, 8 biệt thự Nam An, 24 tòa khách sạn Boutique hotel 7 tầng đã bàn giao đưa vào hoạt động từ năm 2017 và đã trả 2 năm thu nhập cam kết là 2017 và 2018.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty Thành Đô không trả một đồng nào. Trong khi mỗi năm phải trả là 67,8 tỷ đồng, như vậy Công ty Thành Đô còn nợ khoảng gần 280 tỷ đồng số tiền thu nhập cam kết theo hợp đồng đã ký.
“Ông Thành đề nghị trả lại cho tôi giá trị gốc và đền bù đỡ khoảng 67 tỷ đồng để trả lãi cho Ngân hàng SHB (vì khi đầu tư, Công ty Nhịp Cầu Việt Đức có vay Ngân hàng SHB và đã trả cho họ bằng tiền thu nhập cam kết 2 năm đầu là 150 tỷ đồng). Sau khi Công ty Thành Đô bội tín, Công ty Nhịp Cầu Việt Đức không có nguồn thu nào khác để trả nợ.
Sau khi thương lượng với nhau, tôi chấp nhận phương án này để thoát nợ. Nay tôi đã 74 tuổi và đang ốm đau không biết ra đi lúc nào, muốn lấy lại tiền để trả nợ cho Ngân hàng SHB. Thế nhưng, từ ngày 22/1 đến nay đã 9 tháng trôi qua, phía ông Thành không có động thái trả tiền nên chúng tôi đành phải gửi đơn ra tòa để kiện”, ông Tân giãi bày.
Cũng theo ông Tân, ông đã gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) là trụ sở Công ty Thành Đô và gửi đơn tới Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nơi tọa lạc dự án.
“Hiện Công ty Nhịp Cầu Việt Đức đang nợ Ngân hàng SHB số tiền gốc là khoảng 329 tỷ đồng và lãi phát sinh cũng vài chục tỷ đồng. Tôi chỉ mong Tòa án cất lên tiếng nói của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp để khôi phục lại niềm tin trong xã hội”, ông Tân nói thêm.