Danh thắng quốc gia liên tục bị xâm hại
Trên địa bàn huyện Hoa Lư (Ninh Bình) thời gian qua tiếp tục nở rộ các công trình vi phạm trong vùng đệm và vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An.
Tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến tại khu vực các xã Ninh Xuân, Ninh Hải và Ninh Thắng của huyện Hoa Lư. Mới đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện công trình xây dựng trái phép của hộ ông P.N.K (thôn Hải Nham, xã Ninh Hải) xâm hại vùng lõi danh thắng Tràng An.
Ngày 5/11, lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư thông tin, Tổ công tác của UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) kiểm tra hiện trường công trình xây dựng của hộ P.N.K và bắt quả tang hộ ông P.N.K đang tiến hành xây dựng một số công trình trái phép trên phần đất do xã quản lý và đất nông nghiệp, đất vườn. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành tháo dỡ phần công trình vi phạm, yêu cầu gia đình ông P.N.K khắc phục hậu quả.
Hồi tháng 8/2022, các cơ quan chức năng và Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã 20 lần kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng các hoạt động thi công, xây dựng và tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cảnh quan khi phát hiện hộ gia đình ông L.Đ.Q (tại thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân) trong thời gian từ 2015 đến 2021, đã xây dựng hàng loạt công trình trái phép trong vùng lõi của Di sản Tràng An.
Loạt công trình trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An của hộ gia đình ông Lưu Đình Quế (Ảnh: Lao Động). |
Không chỉ danh thắng Tràng An mà danh thắng Ba Làng An (tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị đào bới, xâm hại nghiêm trọng mà vẫn không được cơ quan chức năng xử lý, chấn chỉnh.
Một số hộ dân phá núi, phá rừng phòng hộ để xây kè, mở quán kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thậm chí, mặc dù các hộ xây dựng trái phép đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không dỡ bỏ công trình mà còn tiếp tục xây dựng rộng hơn.
Hàng quán được xây dựng kiên cố, xâm hại nghiêm trọng danh thắng Ba Làng An. (Ảnh: Đại Đoàn Kết). |
Tại di tích Hồ Đồng Vụa tại xã Nga An (huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), suốt 20 năm qua đã bị cá nhân xâm hại nghiêm trọng. Các cá nhân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng, cơi nới trái phép các hạnh mục như: Lập hàng rào thép gai, tự ý làm cổng ra vào Khu di tích hồ Đồng Vụa, xây dựng lán trại, khai thác dịch vụ trái phép...
Về vấn đề này, Cơ quan Thanh tra tỉnh Thanh Hóa tiến hành thanh tra làm rõ những sai phạm tại đây và đã có kết luận. Thế nhưng để giải quyết triệt để những tồn tại, trả lại giá trị vốn có của di tích, địa phương sẽ còn tốn nhiều thời gian do còn nhiều vướng mắc.
Cuối tháng 3/2022, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) cho biết, sau 18 năm chỉ có 13 dự án tại đây được chủ đầu tư đưa vào kinh doanh, 24 dự án còn lại đều chậm tiến độ, vi phạm trật tự xây dựng, phá rừng, thậm chí có dấu hiệu biến dự án du lịch nghỉ dưỡng thành dự án kinh doanh bất động sản trái phép.
Trước đó, hồi năm 2019, báo chí phản ánh hàng chục hạng mục xây dựng nguy cơ phá hoại cảnh quan hồ Tuyền Lâm. Khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo thì tỉnh Lâm Đồng mới bắt tay xử phạt.
Thời điểm đó, một số doanh nghiệp bị “điểm mặt” phá hoại cảnh quan hồ Tuyền Lâm như: Công ty CP Sao Đà Lạt; Công ty CP đầu tư Lý Khương; Công ty CP Thiên Nhân; Công ty CP sinh thái Lạc Nam; Công ty TNHH Trà Vườn Thương.
Chế tài nào xử lý dứt điểm danh thắng quốc gia bị xâm hại?
Chia sẻ với báo chí, PGS. TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhận định, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân, phải bảo vệ đúng Luật Di sản Văn hóa.
“Qua các vụ việc liên tục xảy ra cho thấy sự phớt lờ luật... Sự thiếu hiểu biết về di sản cộng với sự thiếu trách nhiệm, làm theo phong trào đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, khiến di tích càng ngày càng bị bóp méo, đánh mất những giá trị của nó. Cần có những chế tài, quy định chặt chẽ hơn về việc bảo tồn, trùng tu di tích, không để di tích rơi vào tình trạng "sự đã rồi" mới đổ lỗi trách nhiệm”, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói thêm.
Luật sư Hoàng Tùng. |
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị xử phạt theo Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2017.
Cụ thể: Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Do vậy, cơ quan quản lý di tích đầu ngành là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cần vào cuộc thanh tra kiểm tra làm rõ việc các danh thắng quốc gia bị xâm hại. Trường hợp phát hiện thấy sai phạm, cần ra quyết định xử lý nghiêm.
Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của địa phương được giao nhiệm vụ quản lý danh thắng quốc gia nếu buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm cũng cần “trảm”, không bao che, dung túng.