Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 2-7, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: Không phải năm nay điểm thi tuyển sinh lớp 10 mới chênh lệch nhiều so với điểm kiểm tra của học sinh trong trường THCS.
Tình trạng này đã xuất hiện bảy năm trước khi Sở GD-ĐT TP.HCM đổi mới ra đề theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh.
Các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh lớp 10 yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống chứ không chỉ học - ghi nhớ rồi tái hiện kiến thức.
Đánh giá học sinh chưa "đều tay"
* Thưa ông, như vậy nguyên nhân có phải do phương pháp dạy và học chưa theo kịp đổi mới quá nhanh của đề thi tuyển sinh lớp 10?
- Không phải cứ nói đổi mới là làm ngay mà chúng tôi đổi mới từng bước một. Đầu năm học 2015 - 2016, trong các cuộc họp chuyên môn, lãnh đạo và chuyên viên Sở GD-ĐT TP đã công bố chủ trương đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10.
Song song đó là hàng loạt hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, ra đề kiểm tra... nhằm thực hiện chủ trương trên.
Năm đầu tiên ấy, các câu hỏi thể hiện sự đổi mới chiếm tỉ lệ rất thấp trong toàn bộ đề thi tuyển sinh lớp 10.
Sau đó, chúng tôi tăng dần các câu hỏi vận dụng theo từng năm. Như thế thì không thể nói là đổi mới quá nhanh. Đó là chưa kể trong suốt bảy năm qua, cán bộ - chuyên viên của sở thường xuyên nhấn mạnh và có những hướng dẫn rất cụ thể về đổi mới phương pháp giảng dạy - đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.
Điều này không chỉ thể hiện trong các cuộc họp mà còn thể hiện chi tiết trong các văn bản hướng dẫn về chuyên môn. Chúng tôi còn đi kiểm tra, nắm tình hình thực tế để giúp các cơ sở giáo dục tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đổi mới.
Kết quả của năm đầu tiên đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 phổ điểm khá thấp, chênh lệch giữa điểm thi và điểm kiểm tra rất cao. Nguyên nhân chính là phương pháp giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh chưa đổi mới theo đúng với chỉ đạo của sở. Tuy nhiên, những năm sau này phổ điểm rất ổn, sự chênh lệch giữa điểm thi tuyển sinh và điểm kiểm tra của học sinh trong trường THCS ngày càng giảm đi.
* Vậy ông đánh giá thế nào về thực tế sau bảy năm đổi mới vẫn còn tồn tại tình trạng "điểm thấp không thể tin nổi"?
- Tôi thừa nhận việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở một số trường trung học vẫn chưa đồng bộ. Có trường, có giáo viên vẫn không thay đổi theo định hướng chuyên môn của sở đưa ra, nhất là ở một vài trường vùng ven và ngoại thành.
Nếu giáo viên vẫn dạy theo kiểu cũ, học sinh vẫn học theo cách cũ thì khi gặp đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ bỡ ngỡ, bối rối và điểm thi thấp là chuyện đã được báo trước.
Ngoài phương pháp giảng dạy thì phương pháp kiểm tra - đánh giá học sinh ở trường THCS hiện nay cũng chưa "đều tay".
Có trường ra đề kiểm tra theo đúng ma trận sở hướng dẫn nhưng cũng có trường lại ra đề dễ hơn, câu hỏi mang tính vận dụng quá ít hoặc mức độ vận dụng quá thấp. Nhiều học sinh đạt điểm kiểm tra toàn 9, 10 cũng là điều dễ hiểu. Năm học 2022 - 2023 sở sẽ chấn chỉnh tình trạng này.
Điều quan trọng nhất bây giờ không chỉ có đổi mới phương pháp dạy và học. Giáo viên, nhà trường phải đánh giá học sinh theo đúng năng lực mà các em có.
Việc ra đề kiểm tra quá dễ hoặc quá khó (so với ma trận đề mà sở hướng dẫn) cũng đều không tốt cho học trò và đi ngược với chủ trương đổi mới của ngành GD-ĐT.
Đảm bảo công bằng cho thí sinh
* Nhiều ý kiến cho rằng điểm thi tuyển lớp 10 môn toán và tiếng Anh năm nay chỉ hơn 50% thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên là quá thấp?
- Đây là thi tuyển để chọn học sinh vào học lớp 10 công lập nên bắt buộc phải có những câu hỏi mang tính phân hóa. Tôi cho rằng phổ điểm thi như năm nay là phù hợp, điểm thi tuyển sinh không thể cao như điểm thi tốt nghiệp cuối cấp được.
Mặc dù vậy, năm học 2021 - 2022 là năm học đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên học sinh lớp 9 phải học từ xa gần hết học kỳ 1. Từ đặc điểm này, Sở GD-ĐT TP chỉ đạo ban ra đề biên soạn câu hỏi cho phù hợp với tình hình dạy và học.
Ma trận đề thi tuyển sinh lớp 10 vẫn có đầy đủ câu hỏi ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Nhưng mức độ khó của câu hỏi vận dụng cao đã được giảm xuống, số lượng câu hỏi mang tính vận dụng cũng giảm xuống so với đề thi năm 2020.
Nếu nhìn phổ điểm thi năm 2020 với năm nay sẽ không thấy sự biến động lớn. Kể cả điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên cũng xêm xêm như năm 2020, tức là có tăng, có giảm tùy theo lớp chuyên nhưng không nhiều.
* Dư luận cho rằng thi tuyển lớp 10 giữa tháng 6 nhưng đến giữa tháng 7 sở mới công bố điểm chuẩn là quá lâu?
- Học sinh TP.HCM được đăng ký tổng cộng bảy nguyện vọng vào lớp 10. Do đó, việc xét điểm chuẩn không đơn giản. Ngày 24-6 công bố điểm thi và 27-6 sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, tích hợp. Từ 27-6 đến 1-7 dành cho thí sinh trúng tuyển lớp 10 chuyên, tích hợp nộp hồ sơ nhập học.
Ngày 4-7, các trường THPT có lớp 10 chuyên, tích hợp sẽ báo cáo dữ liệu lên sở. Lúc ấy, sở mới tiến hành "lọc" thí sinh những em chưa đậu lớp 10 chuyên, tích hợp hoặc có đậu nhưng không nộp hồ sơ nhập học sẽ được xét tiếp ba nguyện vọng vào lớp 10 thường.
Cách làm này tuy kéo dài thời gian công bố điểm chuẩn vào lớp 10 thường nhưng tạo cơ hội cho những thí sinh rớt lớp 10 chuyên, tích hợp vẫn được xét tiếp ba nguyện vọng vào lớp 10 thường.
Chưa kể, trong thời gian này, hội đồng chấm phúc khảo tuyển sinh 10 phải tăng tốc làm việc để có kết quả phúc khảo sớm nhất.
Có kết quả chấm phúc khảo mới xét điểm chuẩn vào lớp 10 thường được. Đây là nguyên tắc để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Năm nay, dự kiến ngày 11-7 sở sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10.
Không lo thiếu chỗ học
* Năm nay, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS ở TP.HCM tăng hơn 10.000 em nhưng chỉ tiêu lớp 10 công lập chỉ tăng hơn 5.000 chỗ học. Vì sao vậy thưa ông?
- Thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, những năm gần đây chúng tôi tính toán tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập đạt 70%. 30% học sinh còn lại sẽ chọn học nghề, học tiếp văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục, trường quốc tế...
Tổng chỉ tiêu của các trường này cao hơn rất nhiều so với số thí sinh rớt khỏi ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Thế nên, phụ huynh không lo rằng con mình sẽ thiếu chỗ học. Quan trọng là phụ huynh cần xem xét để chọn cho con em mình một hình thức học tập phù hợp nhất.