Nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CSV, VCSC kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng
Dựa trên triển vọng kinh doanh, kết quả định giá cùng với các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CSV. Mức giá mục tiêu cho năm 2022 là 48.300 đồng/CP, cao hơn 12,32% so với giá đóng cửa tại ngày 15/07/2022.
Theo VCSC, CSV có P/E trượt là 7,7 lần so với mức trung bình 5 năm là 5,9 lần (CSV) và 10,2 lần (trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực). VCSC kỳ vọng lợi nhuận của CSV sẽ tăng so với cùng kỳ trong ngắn hạn, tương ứng P/E dựa trên lợi nhuận tương lai của CSV sẽ rẻ hơn.
Kết quả kinh doanh quý II/2022 khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 102 tỷ đồng, tiếp tục là động lực tăng cho cổ phiếu CSV, dù đà tăng thu hẹp hơn trong tuần trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CSV tăng 1.000 đồng (+2,33%) từ mức giá 43.000 đồng/CP lên 44.000 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị có thể giải ngân ACV một phần tại vùng giá 80
Với diễn biến hiện tại, các nhà đầu tư có thể giải ngân 1 phần tại vùng giá 80 và gia tăng tỉ trọng khi giá có dấu hiệu vượt vùng kháng cự này và đặt giá mục tiêu quanh khu vực 90 – 95.
Gần đây, lượng khách hàng nội địa tăng mạnh mẽ trở sau và ACV đã điều chỉnh mục tiêu sản lượng khách hàng nội địa tăng từ 65 triệu lên 75 triệu, đồng thời lãnh đạo Công ty đánh giá lợi nhuận quý II/2022 sẽ tăng trưởng tốt. Những thông tin tích cực này là động lực giúp cổ phiếu ACV có tuần hồi phục tích cực. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV tăng 4.700 đồng (+5,85%) từ mức giá 80.300 đồng/CP lên 85.000 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua cổ phiếu PAN với giá mục tiêu 26.500 đồng/CP
Cổ phiếu PAN hiện tại đang giao dịch sát đường hỗ trợ trên đồ thị tuần, quanh vùng giá 20.000 đồng/CP. Vùng giá này là hỗ trợ tương đối chắc chắn khi đã được kiểm định thành công 4 lần kể từ năm 2014 tới nay. Nhà đầu tư có thể chốt lời khi giá tiến đến quanh vùng giá 26.500 đồng/CP, đây cũng là vùng PAN từng kiểm định trong 4 lần từ năm 2016 tới hiện tại.
Không được như kỳ vọng của AGR, cổ phiếu PAN đã có tuần diễn biến lình xình với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày cuối tuần 22/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PAN tăng nhẹ 150 đồng (+0,68%) từ mức giá 22.150 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 178.500 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua với SAB với giá mục tiêu là 178.500 đồng (tăng 16% so với mức tham chiếu ngày 29/06/2022) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ tâm lý tiêu dùng cải thiện cũng như hoạt động vui chơi giải trí tại các tháng cao điểm mùa hè và cuối năm thúc đẩy doanh số tiêu thụ khả quan hơn. Ngoài ra, nhờ kiểm soát tốt chi phí nguyên liệu đầu vào và các phụ phí liên quan, biên lợi nhuận gộp của SAB đang trong xu hướng được cải thiện.
Mặc dù thuộc top 3 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn HOSE, nhưng SAB đã có tuần giao dịch khởi sắc với đà tăng khá tốt cả về giá và thanh khoản. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB tăng 12.000 đồng (+7,79%) từ mức giá 154.000 đồng/CP lên 166.000 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá mục tiêu 60.200 đồng/CP
Dựa vào phương pháp chiết khấu dòng tiền và giả định về tiềm năng của sợi tái chế trong tương lai, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu STK với mức giá mục tiêu 60.200 đồng/CP.
Ngày 5/8 tới đây, Sợi Thế Kỷ sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành thêm hơn 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, giá bán 10.000 đồng/CP. Thông tin này không giúp cổ phiếu STK giao dịch khởi sắc và sôi động hơn trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK chỉ tăng 300 đồng (+0,6%) từ mức giá 50.100 đồng/CP lên 50.400 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/CP
FPT hiện đang được giao dịch ở mức khá hấp dẫn P/Ef 2022 ở mức 15,9x. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/CP trong vòng 1 năm (Upside 39% từ thị giá hiện tại). Tỷ lệ cắt lỗ là 10%.
Mới đây, FPT công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng trưởng hơn 20%, lần lượt đạt 19.826 tỷ đồng và 3.637 tỷ đồng. Thông tin khả quan này đã phần nào giúp cổ phiếu FPT có tuần giao dịch khởi sắc sau những phiên rung lắc trong tuần trước đó – tuần giao dịch giữa tháng 7. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 19/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 2.900 đồng (+3,53%) từ mức giá 82.200 đồng/CP lên 85.100 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị khả quan dành cho HDG với giá mục tiêu 52.800 đồng/CP
Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu HDG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô lên khả quan và giá mục tiêu 1 năm lên 52.800 đồng/cổ phiếu.
Trong 2 tuần gần đây, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản đã có nhịp hồi phục tích cực sau đợt giảm mạnh, trong đó HDG cũng là một trong những mã trong xu hướng này. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng 2.450 đồng (+5,46%) từ mức giá 44.850 đồng/CP lên 47.300 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu HAH tại ngưỡng 78.5
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 tuy nhiên hiện vẫn nằm dưới đường MA50.
Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 67.9, chốt lãi tại ngưỡng 78.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 63.5.
Hiện Hải An chưa có báo cáo tài chính quý II/2022 nhưng theo ước tính lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng trưởng 79% so với quý II/2021. Cổ phiếu HAH đã có những phiên giao dịch tích cực với đà tăng mạnh cả về giá và thanh khoản trong tuần, điển hình là phiên 19-20/7. Tổng cộng, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, giá cổ phiếu HAH tăng 4.000 đồng (+6,45%) từ mức giá 62.000 đồng/CP lên 66.000 đồng/CP.
* VCSB khuyến nghị khả quan đối với QNS và SBT
Chúng tôi điều chỉnh dự phóng cho QNS với các yếu tố nêu trên, tuy nhiên chúng duy trì khuyến nghị khả quan do thị giá QNS đã điều chỉnh giảm. Giá mục tiêu mới là 50.500 đồng/cp (upside 13%), từ mức giá mục tiêu cũ là 62.900 đồng/cp. Chúng tôi sẽ cung cấp các dự phóng chi tiết trong báo cáo cập nhật tới khi QNS công bố báo cáo tài chính.
SBT đang được giao dịch tại EV/EBITDA 9,7x lần, khá thấp so với bình quân nằm trong khoảng 12x-16x lần trong 5 năm qua. Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với SBT với giá mục tiêu là 22.500 đồng/CP (upside 18%).
Mặc dù phân tích đánh giá khá tích cực với các cổ phiếu ngành đường, nhưng diễn biến cổ phiếu QNS và SBT trong tuần qua không được như kỳ vọng. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS giảm nhẹ 100 đồng (-0,23%) từ mức giá 44.300 đồng/CP xuống 44.200 đồng/CP.
Trong khi đó, SBT đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBT giảm 150 đồng (-0,82%) từ mức giá 18.350 đồng/CP xuống 18.200 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP
BMP được hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm và nhu cầu dần phục hồi trên mức nền thấp của năm 2021. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ và được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong quý 3 khi năm ngoái bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid ở khu vực miền Nam. Chúng tôi đánh giá khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 68.000 đồng/cp (upside 18,3%), cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 53.000 đồng/cp.
Mặc dù giao dịch lình xình trong những phiên đầu tuần nhưng BMP đã khởi sắc hơn so với diễn biến chung của thị trường trong trong nửa cuối tuần. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 2.000 đồng (+3,57%) từ mức giá 56.000 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP.