Flurona là sự kết hợp đáng lo ngại giữa Covid-19 và cúm. (Nguồn: WPTV)
“Flurona” là thuật ngữ được dùng để gọi triệu chứng ở những người vừa mắc đồng thời cả virus cúm và virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Hiện nay, trên toàn cầu đã ghi nhận một số ca nhiễm đồng thời cả 2 loại virus này.
Tại Mỹ các trường hợp lây nhiễm kép này được phát hiện từ tháng 2/2020. Tại Israel, hồi cuối tháng 12/2021, một người phụ nữ đang mang thai chưa tiêm vaccine Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và cúm tại một bệnh viện. Người này có triệu chứng nhẹ và sau đó đã được xuất viện. Không chỉ Israel hay Mỹ, các trường hợp nhiễm trùng kép cũng đã được báo cáo ở Tây Ban Nha, Brazil...
Hiện biến thể Omicron đã gây ra sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới ở Israel, quốc gia này cũng đang chứng kiến sự gia tăng của bệnh cúm vào mùa Đông này.
Theo các chuyên gia, sự “kết hợp” này có khả năng lây lan rộng khi biến thể Omicron đang xuất hiện phổ biến hơn, nhất là trong thời điểm phát triển mạnh của cúm mùa.
Đáng chú ý, đây cũng không phải là hiện tượng mới khi các báo cáo về các trường hợp “đồng nhiễm trùng” đã có từ đầu năm 2020
Vì sao Flurona giờ mới nhận được sự chú ý?
Khi đại Covid-19 bùng phát khiến hàng triệu người tử vong, bệnh cúm mùa diễn ra hằng năm tạm thời bị lãng quên. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi người dân đã dần quen thuộc với Covid-19 và thế giới đang chuẩn bị cho mọi bước ngoặt mới của đại dịch, viễn cảnh vừa mắc cúm, vừa mắc Covid-19 cùng lúc lại là việc khiến một số người lo lắng.
Thời gian gần đây, khi nhiều nơi trở lại cuộc sống bình thường mới, căn bệnh cúm mùa đã quay trở lại sau thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.
Nhiều trường hợp mắc đồng thời cả bệnh cúm mùa và Covid-19 đã được báo cáo. Thêm vào đó, với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, nỗi lo ngại về sự kết hợp giữa bệnh cúm mùa và Covid-19 đang trở thành mối quan tâm lớn đối với nhiều người.
Có nên lo lắng?
Theo chuyên gia khoa học về khí dung, đồng thời là giáo sư Kỹ thuật Sinh học tại Đại học Harvard (Mỹ) David Edwards, không nên quá lo lắng vì khả năng nhiễm đồng thời cả hai loại bệnh trên xảy ra không nhiều.
“Xác suất cả hai điều đó xảy ra cùng lúc giống như xác suất một người bị cướp bởi đối tượng trong cùng một ngày. Tuy không thê không loại trừ khả năng xuất hiện trường hợp trên, nhưng sẽ không có chuyện Flurona ‘lấn át’ Omicron”, ông David Edwards nói:
Trong một phân tích tổng hợp các nghiên cứu khác nhau vào tháng 5/2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Wisconsin (Mỹ) đã phát hiện, 19% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đồng thời có kết quả dương tính với một mầm bệnh khác (cái gọi là “đồng nhiễm trùng”) - có thể là virus, vi khuẩn hoặc nấm.
Họ phát hiện ra rằng 24% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Covid-19 sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với một loại mầm bệnh khác nhau (cái gọi là “bội nhiễm”). Các chuyên gia nhận thấy, đối với cả hai loại tình trạng trên, kết quả có liên quan đến "tiên lượng bệnh nặng, bao gồm cả tỷ lệ tử vong tăng".
Theo đó, nghiên cứu đã khẳng định sự cần thiết phải kiểm tra các bệnh ngoài Covid-19 để mọi người có thể được điều trị đúng cách.
Bệnh cúm có quay trở lại không?
Ở nhiều quốc gia, mùa cúm năm ngoái là mùa ít nguy hại nhất trong hơn một thập kỷ qua. Theo CDC Mỹ, số ca nhập viện do cúm được ghi nhận thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2005.
Cho đến nay, tại thời điểm mùa Đông, các bệnh đường hô hấp với các triệu chứng giống cúm đang theo dõi ở mức độ cao hơn nhiều so với những năm trước đại dịch.
Giáo sư Edwards cho biết, đây là việc tất yếu khi hệ thống miễn dịch của mọi người ít được trang bị để chống lại bệnh cúm sau khi không bị lây nhiễm bởi đợt giãn cách xã hội.
Theo Giám đốc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel) Davidovitch, hiện chưa có đủ dữ liệu để khẳng định tỷ lệ nhập viện đối với những người bị mắc cả cúm và Covid-19 cao hay thấp hơn so với những người chỉ nhiễm một trong hai loại virus.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải vật lộn với sự bùng phát của biến chủng Omicron, ông Davidovitch lo ngại có nguy cơ bệnh cúm và Covid-19 kết hợp và gây ảnh hưởng đến các hệ thống y tế, đặc biệt trong những tháng mùa Đông.
"Vào mùa Đông, vì trời lạnh và mọi người thường ở trong không gian kín, nên có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp nói chung. Khi kết hợp cả cúm và Covid-19 có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải", ông Davidovitch nói.
Phòng ngừa thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm và Covid-19 đều là các bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Cả hai bệnh đều lây qua các giọt bắn khi người bệnh hít thở, nói, ho hoặc hắt hơi.
Bị mắc Covid-19 và cúm cùng một lúc có thể là "thảm họa đối với hệ miễn dịch của bạn", bác sĩ Adrian Burrowes tại Đại học Central Florida nhận định.
Để hạn chế sự lây lan của bệnh cúm và Covid-19, đồng thời ngăn chặn tình trạng quá tải đối với các hệ thống y tế toàn cầu, ông Davidovitch nhấn mạnh "sự cần thiết phải bảo vệ mọi người". Ông cho rằng để tránh hệ thống y tế bị quá tải, nhiều người cần phải được tiêm chủng, đồng thời phải tuân thủ các biện pháp khác để giúp bảo vệ những người có nguy cơ cao, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.
Theo WHO, người dân có thể thực hiện các biện pháp giúp bảo vệ hiệu quả trước Covid-19 và bệnh cúm, bao gồm giãn cách xã hội, tiêm vaccine, thường xuyên vệ sinh tay, cách ly và mở cửa sổ để đảm bảo thông gió.