Đỉnh nào cho giá vàng 2022?

06/01/2022 07:40

Những phiên giao dịch đầu năm mới, giá vàng trong nước, thế giới tiếp tục giằng co, và có tín hiệu tăng nhanh khi dịch COVID-19, biến thể mới Omicron bùng phát ở nhiều quốc gia. Liệu kim loại quý này có 'lấp lánh' trở lại trong năm 2022, khi vừa trải qua năm giảm giá mạnh nhất kể từ 2015.

Vàng chịu cạnh tranh mạnh

Giá vàng trong nước, thế giới vừa trải qua năm 2021 đối lập mạnh. Trong khi vàng trong nước tăng giá gần 10%, thì vàng thế giới ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ 2015 (bốc hơi tới 4%). Tuy nhiên, kim loại quý này năm qua có điểm chung, phải cạnh tranh ngày càng mạnh với các kênh đầu tư “nóng” như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo.

Trong nước, đích đến của dòng tiền nhàn rỗi đổ dồn vào chứng khoán, bất động sản. Năm 2021, VN-Index tăng 35,7%, nằm trong nhóm những thị trường chứng khoán có đà tăng trưởng mạnh nhất thế giới (xếp thứ 7 theo số liệu trang Stockq). Cũng trong năm 2021, từ Bắc tới Nam ghi nhận cơn sốt đất “điên đảo”. Nhìn lại các chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản, giá đất có xu hướng tăng giảm đan xen trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn luôn tăng mạnh theo thời gian. Không chỉ đất nền, mà các phân khúc biệt thự, liền kề, chung cư, có những vị trí tăng tới 50% so với năm 2020.

Còn giá vàng thế giới “bốc hơi” tới 4% trong năm 2021, chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên, và giới đầu tư chuẩn bị tâm lý cho việc các ngân hàng trung ương tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát cho dù đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh. Theo dữ liệu từ MarketWatch, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã tăng khoảng 6,7% trong năm 2021, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2015.

Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong 2021 cũng thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Năm 2022, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 27%. Bên cạnh đó, vàng còn phải cạnh tranh với tiền ảo. Đồng Bitcoin đã liên tục lập kỷ lục giá, có lúc lên gần 69.000 USD.

Triển vọng giá vàng vẫn “lấp lánh”?

Năm 2022, Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng chống lạm phát. Tại Mỹ, lạm phát đang cao nhất gần 4 thập kỷ. Mặt khác, do đại dịch vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư quốc tế vẫn còn lớn. Nhiều ngân hàng trung ương cũng mua vàng để tăng dự trữ quốc gia. Nếu không có những yếu tố này, giá vàng có thể đã giảm nhiều hơn trong năm nay.

Trong một báo cáo mới đây, nhà phân tích Fahad Tariq thuộc ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong năm 2022, dù Fed chuẩn bị tăng lãi suất. Theo ông Tariq, giá vàng sẽ đạt mức bình quân 1.850 USD/ounce trong năm nay, do áp lực lạm phát tiếp tục tăng trên toàn cầu. Ông cũng cho rằng Fed khó tăng lãi suất mạnh, xét đến mức nợ công khổng lồ của Chính phủ Mỹ.

Vị chuyên gia cho rằng dù Fed có tăng lãi suất 3 lần trong năm nay, thì lạm phát cao vẫn sẽ giữ lãi suất thực âm trong cả năm. Lãi suất thực âm sẽ là một nhân tố quan trọng hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, ông Tariq cũng nói rằng trong dài hạn, giá vàng khó giữ ở mức cao hơn so với trước đại dịch. Ông dự báo đến năm 2023, giá vàng có thể giảm về 1.600 USD/ounce, và trong dài hạn hơn, giá vàng sẽ dao động quanh ngưỡng 1.400 USD/ounce.

“Rủi ro đối với dự báo của chúng tôi bao gồm việc Fed có thể trở nên cứng rắn hơn kỳ vọng, lạm phát giảm về mức bình thường, sức hút của tiền ảo, và nhu cầu vàng vật chất của người tiêu dùng toàn cầu ở mức thấp”, ông Tariq nhấn mạnh.

Với quan điểm có phần bi quan hơn Credit Suisse, ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase nói rằng vàng sẽ khó trụ vững trong năm nay do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong dự báo đưa ra mới đây, giá vàng sẽ rớt về mức trước đại dịch trước cuối năm nay.

“Việc các ngân hàng trung ương rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sẽ là nhân tố ảnh hưởng bất lợi lớn nhất đối với giá vàng và bạc trong năm 2022”, các nhà phân tích của JPMorgan Chase nhận định. “Từ mức bình quân 1.765 USD/ounce trong quý 1, giá vàng sẽ giảm đều trong năm 2022 và về mức bình quân 1.520 USD/ounce trong quý 4”.

Với thị trường trong nước, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, mua vàng lúc này được xem là cách tích trữ tài sản, bảo toàn vốn trước áp lực lạm phát tăng cao. Thời gian qua, thị trường vàng trong nước giao dịch khá trầm lắng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì còn do không liên thông được với thị trường thế giới. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua.

Nhu cầu vàng trong nước luôn có, song sự chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước ở mức cao kỷ lục như hiện nay, lên tới gần 12 triệu đồng/lượng, sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và người dân. Tâm lý e ngại rủi ro là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động giao dịch trở nên ảm đạm.

Bạn đang đọc bài viết "Đỉnh nào cho giá vàng 2022?" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).