Doanh nghiệp xuất khẩu chớ coi nhẹ quy định an toàn thực phẩm

30/06/2022 14:48

Cơ quan quản lý cần nắm bắt kịp thời sự thay đổi quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường, để thông tin hỗ trợ DN chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30/6, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao... các biện pháp đảm bảo đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP) một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng.

Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam, đang dần chuyển đổi phương thức quản lý ATTP nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu. “Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp, mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu”, ông Tấn thông tin.

Ông Tấn lấy ví dụ, hiện nay vấn đề cấp thiết nhất chính là yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide (EO). EU đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kiểm tra dư lượng ra nhiều nhóm mặt hàng chế biến, trong đó một số lô hàng mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam và Hàn Quốc đã phát hiện có dư lượng EO vượt ngưỡng.

ong-nguyen-viet-tan-tai-hoi-thao-1656574437.jpg
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. (Ảnh: Báo Công Thương)

Do đó, từ tháng 1/2022, EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm.

Ngoài EU, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó thực hiện đánh giá hệ thống quản lý ATTP của quốc gia xuất khẩu, kiểm dịch động thực vật nhập cảnh…

Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Riêng với một số mặt hàng được phía Trung Quốc coi là có nguy cơ cao về ATTP, hồ sơ kỹ thuật của DN phải được thẩm xét và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc đáp ứng các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc đối với đảm bảo ATTP.

“Đây là những thách thức đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn DN, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phía Việt Nam góp ý, tham gia vào quá trình đàm phán, vận dụng hiệu quả vai trò thành viên trong các hiệp định thương mại tự do nhằm giảm thiểu các rào cản đối với hoạt động giao thương”, ông Tân cho biết.

Trước những khó khăn trên, ông Tấn cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc đối thoại với EC cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm triển khai các quy định, hài hòa hóa phương thức quản lý. Kết quả bước đầu đã có nhiều DN Việt Nam được giản lược thủ tục đăng ký với phía Trung Quốc.

Cùng thời gian này, EC cũng đã đưa các mặt hàng chế biến bột không kèm gia vị của Việt Nam như mì khô, miến khô, phở khô, bánh đa… ra khỏi diện yêu cầu chứng thư và kiểm tra tần suất cao về dư lượng EO, từ đó giảm thiểu đáng kể số lượng mặt hàng và lô hàng của DN Việt Nam bị ảnh hưởng. Hai bên cũng thống nhất phối hợp rà soát số liệu thống kê để giảm tần suất hoặc huỷ kiểm tra sản phẩm của Việt Nam.

mi-tom-chua-cay-hao-hao-bi-thu-hoi-do-chua-chat-ethlene-oxide-1656574504.jpeg
Mì tôm chua cay Hảo Hảo bị thu hồi do chứa chất Ethlene Oxide. (Ảnh: FSAI)

Thông tin quy định về ATTP cần được cập nhật

Ông Nguyễn Việt Tấn cho rằng, đến nay, với 15 FTA Việt Nam đã tham gia, bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập. Chính vì vậy, đặt ra cho hoạt động quản lý ATTP đối với sản phẩm của ngành Công Thương những yêu cầu cấp bách.

Trong đó, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo ATTP; tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ, ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ hệ thống quản lý ATTP.

“Khi nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, các cơ quan quản lý cần nắm bắt kịp thời sự thay đổi quy định về ATTP, từ đó thông tin hỗ trợ DN đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Cùng với đó, DN cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Tấn khuyến nghị.

Theo ông Tấn, việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích to lớn cho DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, ông Tấn cho rằng DN xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho DN về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu./.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp xuất khẩu chớ coi nhẹ quy định an toàn thực phẩm" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).