Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD).
Lo thiếu nguyên liệu chế biến
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho rằng cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Trao đổi tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN&PTNT chiều 28/6, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình khó khăn trong việc khai thác thủy hải sản, hiện hơn 50% tàu cá phải "nằm bờ" vì giá xăng dầu tăng quá cao.
Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu giảm do giá vật tư đầu vào tăng mạnh. Ông Luân nói rằng, các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp có lời hàng chục năm qua nên chia sẻ lợi nhuận với người nông dân thay vì giữ quan điểm cần tăng giá để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng, lợi nhuận thì rất khổ cho người nông dân.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm. Về lo ngại này, ông Luân cho rằng ngành thủy sản sẽ cố gắng bám sát tình hình thực tiễn để tham mưu cho lãnh đạo bộ tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng khai thác thủy sản.
Với ngành lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết 5 tháng đầu năm 2022 tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản thuận lợi, tuy nhiên sang tháng 6 giá trị xuất khẩu giảm 11% - mức giảm rất sâu. Trong tuần tới, Tổng cục sẽ họp với các Hiệp hội trong ngành gỗ để giải quyết tình hình tranh chấp thương mại, khuyến cáo sử dụng nguyên liệu trong nước để xuất khẩu.
Nhanh chóng có giải pháp ứng phó
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt phản ánh, nhiều thông tin đánh giá về tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ là cơ hội cho các loại nông sản Việt Nam đến gần với người tiêu dùng thế giới nhưng thực tế đến thời điểm này giá gạo xuất khẩu ở Đồng bằng Sông Cửu Long không tăng, thậm chí giảm.
Trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, giá lúa gạo không tăng sẽ là trở ngại rất lớn với sản xuất lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long vì đây là vùng sản xuất trọng điểm. Theo đó, ông Cường mong muốn Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương thông tin rõ hơn về thị trường để Cục chỉ đạo sản xuất đảm bảo đạt sản lượng 43 triệu tấn trong năm nay.
Với cây ăn quả, ông Cường cho hay có một số vấn đề phát sinh với cây ăn quả có múi như cam, quýt... không xuất khẩu được, chỉ tiêu thụ nội địa. Vì vậy, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần phối hợp với địa phương có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.
"Bộ NN&PTNT cần phối hợp Bộ Công Thương thông tin về thị trường dài hơi hơn để Cục Trồng trọt tính toán đảm bảo xuất khẩu", ông Cường bày tỏ mong muốn.
Điều này cho thấy, việc giá xăng dầu "leo thang" tác tác động tới tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Trước những lo ngại về việc thiếu nguyên liệu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,5%, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; Giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm trên 1,9 triệu tấn; Giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%, tổng sản lượng thủy sản trên 8,7 triệu tấn (nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn); Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4,0%, sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu....
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nông nghiệp đều tăng đảm bảo đủ nguyên liệu cho xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ông vừa qua đi khảo sát nhiều cảng cá tại các địa phương cho thấy thực tế là giá nhiên liệu xăng dầu tăng mạnh đang khiến 45-55% tàu cá phải nằm bờ, một số địa phương như Hải Phòng con số này lên tới 70%.
Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ gói an sinh cho hơn 91 tàu cá để giải quyết vấn đề trước mắt khi giá nhiên liệu tăng. Về lâu dài, ngành thủy sản cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu khai thác thủy hải sản theo hướng tăng cường nuôi biển và trên bờ. Đây là giải pháp đảm bảo nguyên liệu chế biến sâu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng thông tin thêm sẽ cố gắng bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng các mô hình đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất giảm chi phí đầu vào một cách tối đa. Đây là cách thức vừa duy trì sản xuất gia tăng sản lượng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu về tốt nhất cho người nông dân.