Đổi tên sau loạt sai phạm, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu

05/08/2022 20:13

Vietracimex tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Sau đó, doanh nghiệp đã ít được biết đến hơn với cái tên thay thế là WTO. Sau khi đổi tên chỉ trong vòng hơn nửa năm 2021, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng đã huy động thành công hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu.

Đổi tên sau loạt “vết nhơ”

Cái tên WTO có lẽ ít người biết đến vì trước đây, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng có tên tiếng anh viết tắt là Vietracimex. Vietracimex tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác. Được biết, người đại diện theo pháp luật của Vietracimex là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tổng công ty.

Victracimex vốn là một Tổng Công ty Thương mại của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đã được cổ phần hóa theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 11/2005, Bộ GTVT đã cử ông Võ Nhật Thăng làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng Công ty. Với việc nắm trong tay quyền biểu quyết hơn 74%, ông Thăng được Đại hội cổ đông lần đầu (02/12/2005) được bầu làm thành viên HĐQT, sau đó được giao giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đây có thể coi là điểm khởi đầu cho quá trình cổ phần hóa Vietracimex. Sau 12 năm cổ phần hóa, Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex hiện có nhiều dự án, nhiều khu đất ở Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, và những dự án thủy điện, dự án giấy… quy mô nghìn tỷ. Vietracimex có 15 công ty thành viên, hoạt động ở 04 mảng: BĐS, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.

khu-do-thi-kim-chung-di-trach-1659692444.jpgKhu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nằm “đắp chiếu” nhiều năm do Tổng CTCP Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa của đơn vị này đã diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Theo Kết luận thanh tra số 111/TB-TTCP ngày 20/01/2016 của Thanh tra Chính phủ, cho thấy có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa phần góp của Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cụ thể là việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ngày 03/06/2006).

Được biết, phải mất đúng 02 năm, Thanh tra Chính phủ mới có thể ra được kết luận cuối cùng của vụ việc này. Đến 11/04/2017 tức sau 15 tháng kể từ khi Kết luận thanh tra số 3792/KL - TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc cổ phần hóa Tổng Công ty cổ phần Thương mại  Xây dựng – Vietracimex được công bố ngày 18/12/2015 vẫn chưa được các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm.

Không chỉ dừng lại ở sai phạm trong quá trình cổ phần hoá, bị khách hàng “tố” khuất tất trong huy động vốn hợp tác đầu tư tại dự án Kim Chung - Di Trạch (dự án Hinode Royal Park), “chây ì” khoản nợ chậm nộp tiền sử dụng đất và xây dựng sai phép tại dự án Hinode City, Vietracimex còn vướng vào không ít “lùm xùm” liên quan đến sai phạm tại các dự án năng lượng.

Trong khi đó, tại dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng, tỉnh Lào Cai, Vietracimex đã vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng khi chưa thực hiện việc thuê đất, thậm chí không có GCNQSDĐ đã tiến hành triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động; bị người dân khiếu nại triền miên vì khuất tất trong đền bù GPMB; nợ 46,9 tỷ đồng tiền thuế, phí.

du-an-nha-may-thuy-dien-ta-thang-tinh-lao-cai-vietracimex-da-vuong-nhieu-sai-pham-1659692594.jpgDự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng, tỉnh Lào Cai, Vietracimex đã vướng nhiều sai phạm.

Được biết đến nhiều với cái tên đã quá quen thuộc Vietracimex, tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động với nhiều sai phạm được công bố, thì cái tên Vietracimex cũng biến mất và thay thế vào đó là tên gọi WTO. Cùng với đó, người được ủy quyền CBTT, đại diện ký tên trên các giấy tờ phát hành trái phiếu là ông Lê Tuấn Dũng-Phó Tổng giám đốc công ty.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu

Tại thời điểm tháng 5 năm 2022, thống kê cho thấy WTO đã phát hành thành công rất nhiều trái phiếu. Các đợt phát hành tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 12/2021.

 

Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.

danh-sach-phat-hanh-trai-phieu-trong-he-sinh-thai-vietracimex-1659692597.jpgDanh sách phát hành trái phiếu trong hệ sinh thái Vietracimex (Nguồn: Tổng hợp từ HNX)

Theo đó, ngày 19/5/2021, doanh nghiệp này đăng ký phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 3 lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) và 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng (kỳ hạn 4 năm).

Kết thúc đợt phát hành, số tiền thực tế Vietracimex thu về từ việc phát hành trái phiếu là 420 tỷ đồng, với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Ngày 28/9/2021, doanh nghiệp tiếp tục huy động được 470 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 1.694 ngày). Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được dùng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A do Cà Mau 1A làm chủ đầu tư. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội thuộc sở hữu của Vietracimex; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữa Vietracimex với Cà Mau 1A.

Cũng vào ngày 28/9/2021, Vietracimex đã phát hành 3 lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B. Ngoài ra, trong kỳ, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng cũng đã phát hành thêm 4 đợt trái phiếu trị giá 789 tỷ đồng khác.

Trước đó, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến cuối 2020), Vietracimex cũng đã huy động thành công 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu; trong đó từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, doanh nghiệp phát hành 4 đợt trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng tập đoàn mẹ Vietracimex trong giai đoạn từ cuối 2018 đến nay đã huy động được 5.579 tỷ đồng trái phiếu.

thong-tin-phat-hanh-trai-phieu-rieng-le-tai-ctcp-nang-luong-hoa-thang-1659692607.jpgThông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ tại CTCP Năng lượng Hòa Thắng (Nguồn: HNX)  

Bên cạnh pháp nhân lõi Vietracimex, các thành viên của tập đoàn này cũng rất tích cực trên thị trường trái phiếu. Theo đó, từ ngày 31/8 - 30/11/2021, CTCP Năng lượng Hòa - thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng, đã phát hành thành công 880 tỷ đồng trái phiếu - kỳ hạn 12 năm 4 tháng. Đây là đợt phát hành thứ nhất trong kế hoạch phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.880 tỷ đồng của Hòa Thắng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; 103,4 triệu cổ phần phổ thông do Hòa Thắng phát hành; và các quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Toàn bộ tài sản nêu trên cũng được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 220 tỷ đồng mà Hòa Thắng phát hành vào cuối năm 2019. Số trái phiếu này có kỳ hạn lên tới 14 năm, lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm.

Về phần mình, trong giai đoạn từ 2019 - 2021, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 cũng đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Phần lớn các lô trái phiếu này đều được đảm bảo bởi quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết "Đổi tên sau loạt sai phạm, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).