Những lùm xùm của Vietracimex trước khi đề xuất làm dự án 2,5 tỷ USD tại Bình Thuận

23/07/2022 22:01

Mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Vietracimex vừa đề nghị thực hiện một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận với ước tính có tổng vốn đầu tư hơn 57 ngàn tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) vừa có đề nghị thực hiện tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến. Dự án có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 900ha, tọa lạc tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Dự án bao gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch. Tổng vốn đầu dự án khoảng 57.640 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, đã bao gồm cả lãi vay.

Trong đó, cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: khoảng 8.740 tỷ đồng là vốn tự có, khoảng 10.480 tỷ đồng là vốn vay và khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn huy động khách hàng (chiếm 67% tổng mức đầu tư). Dự kiến tiến độ dự án thực hiện trong 7 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư.

Điều đáng chú ý là trong tổng số gần 900ha nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án này có gần 110ha đất rừng nằm trong tổng diện tích khoảng 2.500 ha đất rừng đặc hữu ven biển thuộc khu Lê Hồng Phong.

Doanh nghiệp từng vướng phải không ít "bê bối"

Vietracimex được biết đến là một doanh nghiệp có máu mặt trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp này cũng không ít lần vướng tới nhiều “lùm xùm” và “bê bối” khiến dự luận dậy sóng.

Điển hình, phải kể đến "bê bối" của Vietracimex ở dự án BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Theo đó, dự án BOT xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty Cổ phần ВОТ Vietracimex 8 làm nhà đầu tư ( công ty con của Vietracimex).

Theo hợp đồng được ký kết với Bộ GTVT, Vietracimex 8 được đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Hà Nội và thu phí từ đầu năm 2011 để hoàn vốn cho dự án ở Vĩnh Phúc, thời gian thu phí là 16 năm 10 tháng 11 ngày.

cong-ty-co-phan-thuong-mai-xay-dung-vietracimex-1658553123.jpg

Tuy nhiên, nhiều người dân bức xúc việc trạm đặt ở Hà Nội mà thu cho đường ở Vĩnh Phúc. Ngày 18/12/2018 đến 15/3/2019, nhiều lái xe tiếp tục tụ tập để phản đối việc thu phí trở lại đã bị lực lượng chức năng giải tán. Trước sự bức xúc của người dân, UBND TP.Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng từng vướng sự cố sập hầm Đạ Dâng (Lâm Đồng) khiến dư luận chấn động vào năm 2014. Dự án này do Vietracimex là chủ đầu tư. Sự cố sập hầm này từng khiến 12 công nhân mắc kẹt.

Ngày 22/12/2014, ông Võ Nhật Thăng (Chủ tịch HĐQT Vietracimex) chính thức lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố. Theo ông Thăng, sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu.

Đến cuối năm 2017, nhà máy thuỷ điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, Hà Giang) cũng xảy ra sự cố xả nước hồ chứa làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và khiến nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng. Dự án này do Vietracimex làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công tháng 11/2014, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý 1/2018.

Điều đáng nói, qua kiểm tra cho thấy Vietracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, điện lực,…

Còn tại dự án bất động sản, doanh nghiệp này cũng vướng phải không ít "tai tiếng", điển hình như dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, được triển khai theo Quyết định của UBND Tỉnh Hà Tây số 1256/QĐ-UBND v/v phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 ngày 17/7/2007 và Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của UBND Tỉnh Hà Tây số 135/TĐ-SXD ngày 11/10/2007 Công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, dự án thuộc địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) có quy mô 176,05 ha.

Được xây dựng từ hơn 10 năm trước, khu đô thị này được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt phía Tây TP Hà Nội. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, trong đó nổi bật là nguyên nhân chỉ xây nhà ở mà không có các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại kèm theo khiến nơi này bị "đóng băng" cả thập kỷ. 

Đáng nói, sau hơn một thập kỷ bị đắp chiếu, thời gian gần đây dự án này bỗng được rao bán ồ ạt, thậm chí từ đầu tháng 10/2020, dự án còn được thổi giá gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Ngoài dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại Hà Nội, Vietracimex còn triển khai Dự án xây dựng Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (Hinode City) tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Đáng chú ý, dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan Nhà nước doanh nghiệp Nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016. Theo đó, Vietracimex nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng; xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án không đúng quy định.

Ông chủ của Vietracimex là ai?

Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) làm chủ tịch HĐQT, có trụ sở tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng đã thâu tóm 93,37% cổ phần doanh nghiệp này.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, tính đến ngày 14/2/2022, Vietracimex có vốn điều lệ 12.510 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Dũng (sinh năm 1960). 

Hiện nay, Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Ở mảng bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư nhiều dự án như: khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); dự án tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (4.816m2); dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); dự án Bình Thạnh tại TP. HCM (17,4ha) dự án khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha);  dự án Bình Khánh quận 2, TP. HCM (3,18ha); sân golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…

Những năm gần đây, các thành viên của Vietracimex đã liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, qua đó thể hiện tham vọng rất lớn của Vietracimex trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp này hiện sở hữu một số dự án thủy điện như: thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW); thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW); nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (150MW) và Hồng Phong 1B (100MW) tại Bình Thuận; nhà máy điện gió Hòa Thắng tại Bình Thuận (100MW)...

Ngoài ra, Vietracimex cũng triển khai hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).

Đối với mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.

Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện, làm dự án…

Bạn đang đọc bài viết "Những lùm xùm của Vietracimex trước khi đề xuất làm dự án 2,5 tỷ USD tại Bình Thuận" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).