Dòng tiền dồn vào phái sinh

14/11/2022 17:16

Dòng tiền bắt đáy cổ phiếu xuất hiện, nhưng dòng tiền lớn lại tập trung vào thị trường phái sinh và trạng thái bán nhìn chung vẫn chiếm ưu thế.

VN-Index: Vận động yếu

Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa ghi nhận tuần giao dịch “thư giãn”, với sự biến động của chỉ số không quá phức tạp. Tại Mỹ, nhà đầu tư sau phiên “nín thở” đợi thông tin chỉ số CPI tháng 10 được công bố đã bùng nổ giao dịch mua lại các mã cổ phiếu bị chiết khấu sâu trước đó. CPI hạ nhiệt cho thấy, ngân hàng trung ương nước này bắt đầu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát và có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Qua đó, dòng tiền yên tâm hơn và quay trở lại với tài sản rủi ro cao như chứng khoán.

Tuy nhiên, mọi thứ không thật sự dễ dàng với VN-Index, khi chỉ số liên tiếp đi ngược đà phục hồi chung của chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Cấu trúc thị trường tài sản thực tế không có nhiều điểm nhấn, ngoại trừ việc thị trường đã xuất hiện tín hiệu tốt lên từ các chỉ số lớn. Cụ thể, S&P 500 tiếp tục nâng độ cao trong vùng “giảm mạnh”, một tín hiệu rõ ràng về khả năng thoát khỏi chu kỳ tiêu cực.

Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Thượng Hải và giá vàng vẫn nằm trong vùng tiêu cực, cho thấy yếu tố vĩ mô tuy tích cực nhưng nhà đầu tư cần thêm thời gian để quan sát vận động giá từ các thị trường này trước khi ra quyết định bắt đáy. Với VN-Index, chỉ số không thay đổi nhiều về mặt trạng thái so với tuần trước đó, duy trì trạng thái có mức vận động yếu nhất trong nhóm các tài sản quan sát ngắn hạn.

Điểm nhấn trong tuần qua đến từ giá dầu khi cùng với lãi suất trái phiếu đang trong chu kỳ “tăng trưởng”. Đây là những tín hiệu thể hiện dòng tiền đã tìm đến kênh sản xuất, với mặt hàng năng lượng.

VN30: Khó chinh phục

Thị trường thường xuyên có những diễn biến bất ngờ, với chỉ số VN30, đây là thời điểm vận động mang lại nhiều bất ngờ nhất. Cụ thể, biến động giá liên tiếp dao động trong phạm vi lớn, khiến nhà đầu tư giao dịch với vị thế cơ sở gặp rất nhiều bất lợi vì giới hạn thời gian thanh toán T+2. Đồng thời, điểm khó với chỉ số lớn này còn đến từ nhóm ngành bất động sản, chiếm tỷ trọng hơn 22% trong VN-Index. Chính những biến cố mới trong nhóm bất động sản, đại diện là NVL, đã đè nặng lên những thời điểm chỉ số tìm cách phục hồi.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Dựa vào mẫu hình kỹ thuật, có thể thấy, VN30 đang cố gắng tạo đáy ngắn hạn, với việc giá liên tiếp tạo nền mới nông hơn. Cụ thể, từ tháng 10/2022, giá đã tạo được nhịp nảy 3 đáy, với thanh khoản cao dần theo từng đáy nền. Nói cách khác, các vị thế mua lên tiếp tục nỗ lực bẻ lại xu hướng giảm của giá. Nhìn ở góc độ này, phe mua lên đã thành công trong việc làm giảm đà rơi của chỉ số.

Xét về mặt chỉ báo, thời điểm hiện tại tiếp tục ghi nhận phân kỳ dương với chỉ số RSI. Từ cuối tháng 10, RSI đã không còn tạo đáy mới và tiếp tục gom nhặt những lệnh mua lên theo từng phiên để tích lũy sát vùng 30, nơi giao thoa giữa việc giao dịch bình thường và trạng thái quá bán. Kết hợp với thanh khoản tăng từng phiên, dòng tiền bắt đáy xuất hiện mỗi khi giá giảm sâu.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh bán

Thị trường phái sinh tiếp tục là nơi dành cho những nhà đầu tư yêu thích sự biến động của chỉ số, nhưng không hẳn mọi biến động đều có thể đoán trước với vận động từ VN30F1M trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, mức vênh (Basis) giữa chỉ số cơ sở và giá phái sinh liên tiếp co giãn với phạm vi lớn hơn 20 điểm mỗi phiên, tạo ra thử thách lớn cho cả 2 bên mua (Long) và bán (Short).

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Vận động giá từ VN30F1M tuân thủ các biến động của chỉ báo, nhưng không ghi nhận tác động từ VN30, cho thấy dòng tiền lớn đang tập trung vào thị trường phái sinh. Mức Basis âm 20 điểm bất ngờ trong tuần hoàn toàn đến từ vị thế Short khối lượng lớn và sự theo sau của dòng tiền cá nhân. Khi dòng tiền này chốt lời, mức vênh nhanh chóng trở về 0 để chuẩn bị cho làn sóng Short tiếp theo.

Nhìn về bức tranh xu hướng, rõ ràng, giá đang trong câu chuyện điều chỉnh tiếp diễn. Theo đó, trạng thái Short nhiều khả năng vẫn sẽ chiếm ưu thế và vận động từ VN30F1M tiếp tục theo quy luật Basis của tuần qua. Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế bán khi giá kiểm chứng thành công vùng kháng cự 967 điểm, tương đương vùng Fibonacci 38,2%.

Mục tiêu của vị thế bán tập trung tại vùng nền giá tròn số 900 điểm. Ngược lại, với nhà đầu tư theo quan điểm vĩ mô, thời điểm này có thể ưu tiên vị thế mua, nhưng chỉ nên hành động khi mức vênh âm hơn 20 điểm, đồng thời RSI nằm trong phạm vi quá bán.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền dồn vào phái sinh" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).