Đồng USD tiếp tục mạnh lên: Doanh nghiệp, nhà đầu tư chịu ảnh hưởng thế nào?

22/10/2022 13:31

Đồng bạc xanh mạnh lên đang tiếp tục gây áp lực đối với các tiền tệ lớn như Yên, Bảng Anh và tác động không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu...

Trên toàn cầu, sự chênh lệch lãi suất này đang làm suy yếu một loạt đồng tiền so với đồng USD - Ảnh: iStock
Trên toàn cầu, sự chênh lệch lãi suất này đang làm suy yếu một loạt đồng tiền so với đồng USD - Ảnh: iStock

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt (gồm Euro, Yên Nhật, Frank Thụy Sĩ, Đôla Canada, Krona Thụy Điển và Bảng Anh) đã tăng 0,7% ngày 19/10. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này tăng gần 18% và hiện đang giao dịch sát ngưỡng kỷ lục gần hai thập kỷ thiết lập hồi cuối tháng 9.

Đồng bạc xanh mạnh lên đang tiếp tục gây áp lực đối với các tiền tệ lớn như Yên, Bảng Anh và tác động không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu.

Điều này xảy ra giữa lúc cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ gồm S&P 500, Nasdaq và Dow Jones, đều giảm sâu ở mức hai con số từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, trái phiếu chính phủ toàn cầu đang mắc kẹt ở một trong những giai đoạn thị trường “gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống) dài nhất trong lịch sử. Thậm chí thị trường vàng cũng có một năm sóng gió.

"Thách thức hiện tại là tốc độ mạnh lên của đồng USD. Điều này có thể ngày càng căng thẳng và gây ra nhiều vấn đề. Diễn biến mạnh như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng về thanh khoản hoặc tín dụng khi doanh nghiệp tại các quốc gia khác cố gắng hoàn thành các nghĩa vụ nợ bằng USD của mình".

Tom Nakamura, AGF Investments

Theo Market Watch, sự tăng giá của đồng USD được mô tả như một “quả cầu thép” có sức công phá mạnh mẽ bởi các chính phủ cũng như công ty tư nhân trên thế giới đang nợ hàng nghìn tỷ USD và đang chật vật để trả nợ.

Về phía Mỹ, nhiều công ty đa quốc gia của nước này đang làm ăn trên khắp thế giới cũng chứng kiến lợi nhuận và doanh thu bị ảnh hưởng. Theo một ước tính của Credit Suisse, mỗi khi chỉ số Dollar Index tăng 8-10%, lợi nhuận của các công ty Mỹ giảm bình quân gần 1%.

Công ty Johnson & Johnson của Mỹ gần đây cho biết đang chịu áp lực lớn từ việc đồng USD mạnh lên. Công ty này đã phải hạ dự báo kết quả kinh doanh năm nay dù quý ba ghi nhận lợi nhuận vượt dự báo. Nhiều công ty khác của Mỹ như công ty phát video trực tuyến Netflix hay Procter & Gamble cũng dự báo triển vọng quý 4 ảm đạm hơn do đồng USD tăng giá, lạm phát.

Theo các nhà phân tích tại JPMorgan Chase, trên thị trường tài chính, giới đầu tư tháo đang chạy khỏi gần như mọi loại tài sản và giữ tiền mặt ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. 

“Thách thức hiện tại là tốc độ mạnh lên của đồng USD. Điều này có thể ngày càng căng thẳng và gây ra nhiều vấn đề”, ông Tom Nakamura, nhà quản lý danh mục đầu tư và chiến lược gia về tiền tệ tại AGF Investments ở Toronto, Canada, nhận xét. “Diễn biến mạnh như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng về thanh khoản hoặc tín dụng khi doanh nghiệp tại các quốc gia khác cố gắng hoàn thành các nghĩa vụ nợ bằng USD của mình”.

“Tình hình hiện tại chưa tới mức như vậy, nhưng tốc độ tăng giá của đồng bạc xanh rất quan trọng, dù với thị trường ngoại hối hay lãi suất, bởi việc điều chỉnh theo là cả một quá trình. Tốc độ tăng càng nhanh thì các nền kinh tế trên thế giới càng khó điều chỉnh theo và hấp thụ một cách suôn sẻ”, ông nói thêm.

Theo các nhà phân tích, đồng USD đang tăng vượt trội hơn nhiều so với các tài sản khác, kể cả khi có nhiều dự báo rằng gần như chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới. Lãi suất ở Mỹ tăng nhanh so với các quốc gia khác là yếu tố chính khiến đồng USD mạnh lên. 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang kiên định với lập trường chống lạm phát bằng cách tiếp tục tăng lãi suất, đặc biệt là sau khi lạm phát cao hơn dự báo với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ở châu Âu, nơi ghi nhận lạm phát tháng 9 là 9,9%, đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng, đẩy Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó với chính sách lãi suất của mình. Còn ở châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn ghi nhận mức lạm phát thấp, cho phép ngân hàng trung ương của họ đảo ngược xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.

Trên toàn cầu, sự chênh lệch lãi suất này đang làm suy yếu một loạt đồng tiền so với đồng USD. Đồng USD không ngừng mạnh lên đến mức nhiều người phải đặt câu hỏi về việc liệu có cần phải có một thỏa thuận can thiệp tỷ giá tương tự như Hiệp định Plaza vào năm 1985 hay không.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng điều này khó xảy ra bởi vì đồng bạc xanh mạnh lên giúp kiềm chế lạm phát ở Mỹ, nhờ giảm chi phí nhập khẩu, do đó giúp Fed hoàn thành nhiệm vụ của mình ở mức độ nào đó.

Bạn đang đọc bài viết "Đồng USD tiếp tục mạnh lên: Doanh nghiệp, nhà đầu tư chịu ảnh hưởng thế nào?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).