Ảnh minh họa.
Trong tuần trước, áp lực bán của quỹ ngoại đã quay trở lại và chiếm ưu thế. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 504 tỷ đồng, theo thống kê từ Chứng khoán Kis.
Hoạt động bán ròng đã quay trở và tập trung chủ yếu trên lĩnh vực Tài chính và Bất động sản, dẫn dắt bởi áp lực bán trên SSI, VCB, KBC, VHM, và VIC. Ngoài ra, nhóm này đã quay trở lại bán ròng trên lĩnh vực Nguyên vật liệu, tập trung chủ yếu trên HPG.
Ở chiều ngược lại, lực cầu ngoại lan rộng trên Tiêu dùng thiết yếu và Năng lượng khi VNM, MSN, VHC, và PVD thu hút phần lớn hoạt động mua ròng.
Đối với dòng vốn ETF, trong tuần vừa qua, dòng vốn tiêu cực đã quay trở lại Đông Nam Á, ghi nhận rút ròng ở mức 16 triệu USD. Cụ thể, áp lực rút vốn tăng mạnh trên các ETF chủ đạo tại Indonesia mức cao nhất trong 2 tháng vừa qua trong khi hoạt động của dòng vốn trên các quốc gia khác là không đáng kể.
Tại Việt Nam, dòng vốn tiêu cực bắt đầu trở lại trong tuần trước, ghi nhận rút ròng ở mức 3 triệu USD. Đáng chú ý, áp lực rút vốn chỉ tập trung chủ yếu trên VFMVN30 và VFMVN Diamond lần lượt bị rút 3,3 triệu USD và 1,9 triệu USD trong khi lực cầu lan rộng trên các ETFs chủ đạo khác như FTSE Vietnam, VNFin Lead, Vinacapital VN100, và Fubon lần lượt vào ròng 0,5 triệu USD, 0,4 triệu USD, 0,1 triệu USD và 1 triệu USD.
Mặc dù lực cầu đã giảm đáng kể trên VFMVN Diamond và Fubon, nhưng các ETFs này đã thu hút dòng vốn khá lớn trong 6 tháng vừa qua và áp lực rút vốn ngắn hạn hiện tại vẫn chưa đáng kể. Do vậy, dòng vốn trên các quỹ ETFs tại Việt Nam vẫn đang ổn định và chưa có dấu hiệu suy yếu.
Dòng vốn ETF vào Việt Nam.
Áp lực điều chỉnh đến từ chứng khoán quốc tế khá lớn nhưng trong nước, những thông tin tích cực từ vĩ mô vẫn đang ủng hộ đà hồi phục của thị trường chứng khoán. Lạm phát tháng 8 tăng 0,005% nhờ giá xăng dầu giảm mạnh tính từ đầu tháng 8 lạm phát chỉ 2,58%; Xuất siêu tiếp tục duy trì, Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung…
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s và Ngân hàng Thế giới gần đây đã nâng dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2022. Moody’s dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5% và Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 7,7% vào năm 2022.
Nhìn chung, hầu hết các quỹ chủ động và ETF ngoại đều chung một nhận định tích cực về triển vọng chứng khoán Việt Nam cho tới năm 2023.