Khối ngoại tiếp tục đóng vai trò tích cực trong phiên tăng vọt ngày 17.1 khi tăng gần gấp 3 lần giá trị mua ròng lên gần 800 tỉ đồng, với tâm điểm chủ yếu gom cổ phiếu bluechip. Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 54,13 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.273,3 tỉ đồng, giảm 4,89% về khối lượng và 1,9% về giá trị so với phiên đầu tuần (16.1).
Ở chiều ngược lại, khối bán ra 16,9 triệu đơn vị, giá trị 476,18 tỉ đồng, giảm 60,41% về khối lượng và 55,44% về giá trị so với phiên trước. Như vậy, phiên ngày 17.1, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 37,23 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 797,12 tỉ đồng, tăng 161,7% về lượng và 247,5% về giá trị so với phiên trước đó.
Nhìn lại thời gian qua, tính từ năm 2022, hoạt động khối ngoại là điểm sáng đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch đạt gần 670.000 tỉ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong năm với giá trị hơn 23.600 tỉ đồng.
Khối ngoại tiếp tục gây chú ý trên thị trường ngay những ngày đầu năm 2023, mặc dù phần lớn thanh khoản thị trường vẫn được quyết định bởi dòng tiền nội nhưng không thể phủ nhận tác động từ động thái mua ròng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận một trong các lý do khiến khối ngoại mạnh tay mua ròng là định giá thị trường trong nước ở mức rẻ sau giai đoạn giảm sâu. Sức hấp dẫn của thị trường với định giá P/E vẫn ở mức thấp là điểm tích cực tác động tới đà mua ròng của khối ngoại.
Số liệu từ VnDirect cho thấy, P/E của VN-Index hiện là khoảng 10,3 lần, khá thấp so với các thị trường trong khu vực. Cộng thêm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang duy trì ở mức cao trong khu vực minh chứng cho động thái mua vào ổn định của nhóm này.
Thời gian gần đây, đà mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại đóng vai trò là lực nâng đỡ thị trường, vừa là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh tâm lý thị trường giao dịch thận trọng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VnDirect thì dù chỉ chiếm xấp xỉ 20% tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán, song sự đồng thuận mua ròng cổ phiếu của khối ngoại đã khiến họ trở thành nhóm “lead” chỉ số cả về điểm số và thanh khoản, thậm chí là cả tâm lý một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân trong nước.
VnDirect nhận định tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi và chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc tư vấn quỹ DGCapital - cho rằng, dòng tiền ngoại thường lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành với nền tảng cơ bản tốt. Họ theo đuổi chiến lược tích luỹ, mua ở vùng giá hấp dẫn xét theo định giá. Nếu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng cao sẽ càng thích hợp để mua gom và tích luỹ cổ phiếu.
Giao dịch của khối ngoại càng trở nên đáng chú ý hơn khi nền kinh tế toàn cầu dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, điều ít nhiều sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam. Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lực đẩy nâng đỡ VN-Index trong năm 2023.