Dow Jones tăng hơn 500 điểm sau khi Fed nâng lãi suất, giá dầu tiếp tục giảm, Bitcoin hồi mốc 40.000 USD

17/03/2022 09:24

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với sắc xanh rực rỡ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Tư (17/3), khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô tiếp tục có thêm một phiên giảm khi đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi giá tiền ảo đi lên cùng cổ phiếu.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 518,76 điểm, tương đương tăng 1,5%, đạt 34.063,1 điểm, dù đã chuyển “đỏ” ngay khi tuyên bố của Fed được đưa ra.

Chỉ số S&P 500 tăng 2,2%, chốt ở 4.357,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,7%, đạt 13.436,55 điểm.  

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed nâng lãi suất ngắn hạn 0,25 điểm phần trăm – một động thái không nằm ngoài dự báo – nhằm kiểm soát đà tăng của lạm phát. Tuy nhiên, triển vọng chính sách tiền tệ mà Fed đưa ra đã khiến thị trường ngạc nhiên, đến mức các chỉ số sụt giảm tức thì khi tuyên bố vừa được đưa ra.

Fed dự báo đến cuối năm nay, lãi suất sẽ đạt mức 1,9%, từ mức 0,25-0,5% sau lần nâng đầu tiên này. Như vậy có nghĩa là Fed sẽ có thêm 6 lần nâng nữa trong năm nay, tức là trong tất cả các cuộc họp định kỳ còn lại của năm, lần nào Fed cũng nâng lãi suất.

“Đây là một sự thắt chặt rất quyết liệt”, chiến lược gia trưởng David Kelly của JPMorgan Asset Management phát biểu. “Tôi chỉ muốn Fed duy trì sự linh hoạt nhất định. Trong dài hạn, chúng ta cần lãi quay trở lại trạng thái thực tế dương. Nhưng vẫn còn nhiều bấp bênh, và xin hãy nhớ rằng, chúng ta còn nhiều tài sản tài chính được xây dựng trên cơ sở lãi suất siêu thấp. Họ không thể nhanh chóng đưa lãi suất về trạng thái bình thường mà hy vọng sẽ không có điều gì xấu xảy ra”.

Thị trường “xanh” trở lại vào giờ cuối cùng của phiên giao dịch, khi nhiều nhà đầu tư chuyển sang phản ứng tích cực với chủ trương của Fed, vì tin rằng hướng đi cứng rắn này sẽ giúp kiểm soát lạm phát, mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn.

Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên giao dịch ngày 15-16/3 - Nguồn: CNBC.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên giao dịch ngày 15-16/3 - Nguồn: CNBC.

“Ngày hôm nay, thị trường có vẻ khá bình tĩnh khi đón nhận tin từ Fed. Có vẻ như động thái này đã được phản ánh vào giá tài sản từ trước đó rồi. Vfa cũng đừng quên rằng chính sách tiền tệ thắt chặt đồng nghĩa với việc Fed tin rằng nền kinh tế đang trong trạng thái vững chãi. Xét cho cùng, đây là một điều tốt”, Giám đốc điều hành Mike Loewengart của E-Trade phát biểu.

Theo chiến lược gia cấp cao Charlie Ripley của Allianz Investment, tuyên bố của Fed cho nhà đầu tư thấy rằng Fed không còn phải đợi lâu để đưa ra những bước đi quan trọng để thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Thực tế là kỳ vọng lạm phát đã phát triển tới một mức mà Fed cuối cùng nhận thất rằng họ phải gấp rút đuổi theo”, ông Ripley nói. “Với lạm phát đang ở mức cao dai dẳng, Fed cần có hành động chính sách quyết liệt, không chỉ thông qua việc nâng lãi suất liên tục, mà còn cần thêm những thay đổi đối với bảng cân đối kế toán. Việc có thoải mái với lập trường cứng rắn này của Fed hay không là tuỳ vào thị trường”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2019, gần 2,2%, sau tuyên bố của Fed.

Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm tăng mạnh nhất phiên này, vì lãi suất tăng thường có lợi cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng. JPMorgan Chase tăng 4,4% và Bank of America tăng 3,1%.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi tờ Finnacial Times đưa tin rằng Nga và Ukraine đã đạt “bước tiến quan trọng” về một kế hoạch hoà bình và sự rút quân của Nga. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi nói triển vọng đạt một thoả thuận hoà bình đã bắt đầu “trở nên thực tế hơn”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với đài BBC rằng “có một số hy vọng để hai bên đạt thoả thuận” và truyền thông nhà nước Nga cũng dẫn thông tin từ điện Kremlin với quan điểm tương tự.

“Chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy một giải pháp nào đó cho vấn đề Ukraine. Ở thời điểm này, hai bên còn đang đàm phán và điều mà chúng ta thực sự muốn thấy là một thoả thuận ngừng bắn. Cho tới khi có thoả thuận, có lẽ sự bấp bênh vẫn còn nhiều”, Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của Homrich Berg nhận định.

Dù sao, những tín hiệu tích cực cũng đã đủ để kéo giá dầu giảm phiên thứ 5 trong vòng 6 phiên trở lại dây.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 98,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,4 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 95,04 USD/thùng.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu biến động mạnh gần đây. Giá dầu Brent đã tăng 28% trong 6 ngày và sau đó giảm 24% trong 6 phiên tiếp theo bao gồm cả phiên ngày thứ Tư. Giá dầu Brent đã đạt đỉnh 14 năm ở mức gần 140 USD/thùng trước khi sụt giảm.

Ngoài những tín hiệu tích cực từ Ukraine, giá dầu còn giảm do Trung Quốc đang trải qua đợt bùng dịch Covid-19 mạnh nhất 2 năm và áp dụng các biện pháp hà khắc, bao gồm phong toả, để chống dịch. Việc Fed nâng lãi suất về cơ bản không thay đổi đường đi của giá dầu trong phiên này.

Chung xu hướng với chứng khoán, tiền ảo tăng giá sau cuộc họp của Fed, với giá Bitcoin tái lập ngưỡng 40.000 USD.

Lúc hơn 7h sáng nay (17/3) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức xấp xỉ 41.000 USD, tăng hơn 4% so với cách đó 14 tiếng. Trong vòng 7 ngày, giá tiền ảo này đã giảm 2,2%.

Bạn đang đọc bài viết "Dow Jones tăng hơn 500 điểm sau khi Fed nâng lãi suất, giá dầu tiếp tục giảm, Bitcoin hồi mốc 40.000 USD" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).