Trước đó, như ANTT đã đưa tin, Dự án kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Bình Lạng đến cầu Đôi) dài gần 1,5km do TX Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt cách đây gần 3 năm với tổng mức đầu tư ban đầu là 20 tỷ đồng.
Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Thảo Nguyên
Sau khi trúng thầu, Công ty Cổ phần Thảo Nguyên đã tổ chức thi công nhưng không liên tục, ngắt quãng. Điển hình là sau đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 10/2020, công trình này đã bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 50 gãy sập dầm mái ngang dọc và đế chân kè, đất đắp mái kè bị xói lở tạo thành những khoảng trống lớn, thậm chí tường nhà dân cũng đã bị sập trong mùa lũ năm 2020.
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là UBND thị xã Hồng Lĩnh liên tục xin điều chỉnh, bổ sung và nâng vốn mức đầu tư ban đầu từ 20 tỷ đồng lên hơn 32,588 tỷ và tiếp tục xin điều chỉnh, bổ sung lên mức hơn 43,579 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ, chủ đầu tư cho rằng là do trong quá trình triển khai thực hiện, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Đặc biệt là tái định cư cho 8 hộ dân, hiện nay vẫn chưa thực hiện được đồng thời chịu ảnh hưởng lớn của mùa mưa lũ năm 2020 và phải thực hiện công tác điều chỉnh bổ sung dự án nên đã chậm tiến độ thi công.
Một trong các vị trí đã sạt lở hết sức nghiêm trọng, các hộ dân ở đây phải sơ tán khi có mưa lũ
Theo chủ đầu tư, trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người, công trình và tài sản của các hộ dân hai bên tuyến kè trong mùa mưa lũ 2021, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đồng ý để nhà thầu triển khai thi công tường chắn tại 3 vị trí xung yếu tại các lý trình: Bờ phải từ K0+400 đến K0+430 (sau nhà ông Trần Xuân Phong, nhà ông Lê Văn Học và bà Lê Thị Danh); tại lý trình K0+ 470 đến K0+477 (sau nhà ông Nguyễn Văn Huệ); Bờ trái K0+ 563 đến K0+595 (sau nhà anh Trung và chị Như).
Do phần điều chỉnh bổ sung tăng thêm làm vượt tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt, vì vậy đề nghị Sở NN&PTNT xem xét, báo cáo UBND tỉnh cho phép dự án được tiếp tục điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư để đảm bảo điều kiện thi công hoàn thành dự án đưa vào sử dụng an toàn, phát huy hiệu quả (Phần vốn bổ sung do vượt tổng mức đầu tư đề xuất đầu tư từ nguồn ngân sách thị xã Hồng Lĩnh).
Sau khi nhận được Báo cáo tình hình hình thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng của UBND thị xã Hồng Lĩnh, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, xử lý đề xuất xin điều chỉnh, bổ sung thiết kế BVTC - dự toán công trình Kè chống sạt lở 2 bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Bình Lạng đến cầu Đôi) nâng tổng mức đầu tư lên đến hơn 43,579 tỷ đồng.
Phía sau nhà ông Trần Xuân Phong từng bị sạt lở hết sức nghiêm trọng đang được gia cố tạm
Về vấn đề này, sau khi xem xét các văn bản của các bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ký công văn yêu cầu chủ đầu tư (thị xã Hồng Lĩnh) cần làm rõ các nội dung điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, yêu cầu giải trình các nội dung tồn tại và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc quản lý thực hiện dự án.
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND thị xã Hồng Lĩnh báo cáo giải trình cụ thể các nội dung tồn tại trong quá trình thực hiện từ giai đoạn lập dự án đến quá trình triển khai thi công công trình.
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc quản lý thực hiện dự án như: Chất lượng hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế còn nhiều tồn tại dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, làm tăng tổng mức đầu tư dự án, sự chậm trễ trong việc hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đầu tư dự án, công tác bồi thường, GPMB, tình trạng chậm tiến độ kéo dài.
UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý, trước mắt, khi chưa triển khai thực hiện được các giải pháp gia cố mái taluy phía các nhà dân, yêu cầu chủ đầu tư phải có các biện pháp tạm thời tránh phát sinh sạt trượt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân.
Đồng thời nhấn mạnh, chủ đầu tư dự án là UBND thị xã Hồng Lĩnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự an toàn của các hộ dân này trong mùa mưa lũ.
Đơn vị thi công dự án là Công ty Cổ phần Thảo Nguyên có trụ sở tại nhà ông Nguyễn Thanh Tuấn, khối 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thanh Tuấn.
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Thảo Nguyên bắt đầu hoạt động vào năm 2004, có ngành nghề kinh doanh là: Xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, điện; Bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh...
Đơn vị tư vấn giám sát thi công công trình là Công ty CP tư vấn và xây dựng 888 có trụ sở tại số 305, đường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh). Người đại diện pháp luật là bà Phan Thị Toàn.
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty CP tư vấn và xây dựng 888 bắt đầu hoạt động vào năm 2010, có ngành nghề kinh doanh chính là: Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin./.