Trong dự thảo báo cáo Quốc hội mới nhất về tiến độ triển khai Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Bộ GTVT cho hay, UBND TP. Hà Nội (chủ đầu tư) đang rà soát, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt này. Trong đó, Hà Nội đề xuất lùi tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt trên từ năm 2015 sang 2027.
Cùng với lùi tiến độ, Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên gần 36.000 tỷ đồng (tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng). Trong đó, phần vốn ngân sách Thành phố tăng thêm gần 2.500 tỷ đồng, phần vốn vay ODA Nhật Bản giảm hơn 13.600 tỷ đồng.
Hà Nội cũng dự kiến điều chỉnh vị trí ga ngầm C9 (dự kiến ban đầu đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm) và tổng mặt bằng ga này, với phương án đưa ra khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm theo Luật Di sản Văn hóa.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức lấy ý kiến thẩm định các cơ quan liên quan và có báo cáo về kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Vị trí đặt nhà ga C9 của tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn chưa được thống nhất, trong khi dự án chậm tiến độ nhiều năm, dự kiến tổng mức đầu tư tiếp tục tăng thêm gần gấp đôi (ảnh phối cảnh ga ngầm C9).
Về tiến độ triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án được phê duyệt năm 2008, do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu là 19.555 tỷ đồng, từ vay ODA Nhật Bản và đối ứng của ngân sách Hà Nội. Tiến độ khi đó đặt ra là hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai chậm trễ, tới nay dự án phải xin điều chỉnh mốc hoàn thành tới năm 2027 và tăng vốn lên gần gấp đôi.
Về lý do tăng tổng mức đầu tư thêm 16.000 tỷ đồng (lên gần 36.000 tỷ đồng), chủ đầu tư lý giải, do thay đổi về quy mô đầu tư; biến động tỷ giá; giá vật liệu xây dựng, vật tư, thiết bị, nhân công tăng; thay đổi tỷ lệ trượt giá; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến quản lý chi phí đầu tư.
Lũy kế tới hết tháng 8 vừa qua, dự án mới giải ngân được hơn 890 tỷ đồng. Đặc biệt, một hiệp định vay ODA Nhật Bản ký năm 2009 đã hết hạn giải ngân từ năm 2019 khi mới giải ngân được khoảng 17%, chủ yếu cho chi phí tư vấn thiết kế, lãi và phí cam kết. Hiện, phía Nhật Bản đã thông báo đóng khoản vay này.
Về giải phóng mặt bằng, tới nay khu đề-pô (khu kỹ thuật) đã hoàn thành thu hồi phần đất nông nghiệp, đất quốc phòng và các cơ quan, phần đất ở đang kiểm đếm. Phần ga trên cao đã giải phóng mặt bằng được khoảng 92% diện tích; phần ga ngầm thu hồi xong khoảng 79% diện tích.
Bộ GTVT cho hay, dự án đường sắt này chậm triển khai do thủ tục điều chỉnh kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay chưa được phê duyệt vì liên quan tới trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án dự án vay ODA; cần làm rõ cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; làm rõ cơ chế tài chính, giá trị các khoản cấp phát, vay lại ODA của dự án. Dự án cũng gặp vướng trong quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 do liên quan vùng bảo vệ II của hồ Hoàn Kiếm, nhằm giảm ảnh hưởng đến di tích.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài 11,5 km, trong đó có 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao. Ngoài khu đề-pô, toàn tuyến có 10 nhà ga, trong đó có 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Dự án do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, được phê duyệt năm 2008, mục tiêu hoàn thành năm 2015, nay phải gia hạn. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng, nay xin tăng vốn lên gần 36.000 tỷ đồng.