Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt kịp với các quốc gia châu Á khác trong việc đầu tư vào sản xuất – lĩnh vực “xương sống” của dòng FDI vào khu vực ASEAN.
Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu tiếp cận lĩnh vực sản xuất của ASEAN, trong đó, Nhật Bản đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, còn Hàn Quốc thành công trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chính sản xuất điện thoại thông minh của họ trên toàn cầu.
Nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp, và trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI nói chung lớn nhất vào ASEAN (không tính đầu tư nội bộ trong ASEAN) vào năm 2021, ngang bằng với Nhật Bản.
Nếu xét trong lĩnh vực sản xuất, các nước bao gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng FDI từ Trung Quốc – vốn trước đây tập trung đầu tư nhiều vào bất động sản.
“Mặc dù quá trình này bị gián đoạn một phần do đại dịch, nhưng sau khi mở cửa trở lại, việc thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tiếp tục phát triển mạnh”, HSBC nhận định trong báo cáo gần đây về kinh tế khu vực ASEAN.
HSBC đánh giá thêm rằng, một số dự án FDI nổi bật của Trung Quốc tại ASEAN gần đây cho thấy hầu hết rơi vào các lĩnh vực mà các nước tiếp nhận có lợi thế cạnh tranh.
Trong trường hợp của Việt Nam, Goertek và Luxshare – hai trong số ba nhà cung cấp chính của Apple (ngoài Foxconn của Đài Loan), đã rót thêm vốn trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và đa phương tiện.
Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng của Apple tại Việt Nam, với kế hoạch di dời gần đây nhất là chuỗi cung ứng MacBook tương đối phức tạp, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2023.
Trong khi FDI vào Indonesia có xu hướng giảm trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, triển vọng trung hạn của nước này vẫn sáng sủa. Đặc biệt, đầu tư của Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken ở Indonesia – nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất pin xe điện (EV).
Đơn cử, hãng CATL có trụ sở tại Trung Quốc đã ký thỏa thuận với doanh nghiệp nhà nước ANTAM và IBI của Indonesia để cùng phát triển hệ sinh thái từ khai thác đến sản xuất pin trị giá gần 6 tỷ USD.
Indonesia không phải là ứng cử viên duy nhất cho FDI của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện. Trên thực tế, BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuất ở Thái Lan, với công suất sản xuất 150.000 xe điện mỗi năm.
Điều này sẽ biến Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất đầu tiên ở ASEAN của hãng, một phần nhờ vào khoản trợ cấp hào phóng của quốc gia này lên tới 150 nghìn THB trên mỗi xe điện.
Và BYD không phải là công ty duy nhất nhận được ưu đãi, khi nhà phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan WHA Group đang thảo luận với một trong số năm nhà sản xuất EV hàng đầu của Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia cũng quan trọng không kém, khi Risen Energy, công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc, đã công bố khoản đầu tư cơ sở đầu tiên vào Đông Nam Á, trị giá hơn 10 tỷ USD trong hơn 15 năm, để sản xuất các module quang điện hiệu suất cao.
Trong khi Trung Quốc không phải là nhà đầu tư chiếm ưu thế ở Singapore, một số công ty Trung Quốc cũng đã có động thái. Gần đây, hai công ty Trung Quốc, WuXi Biologics và WuXi AppTec, đã công bố khoản đầu tư 4 tỷ SGD vào sản xuất dược phẩm – tiểu ngành lớn thứ hai sau điện tử.
Không giống như các quốc gia phụ thuộc vào thương mại, Philippines với tư cách là một nền kinh tế định hướng nội địa cũng sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc nhưng không ở mức độ tương tự. Thay vào đó, các dự án FDI gần đây từ Trung Quốc là trong lĩnh vực kim loại.