GELEX (GEX) "ôm" rủi ro khi tăng huy động trái phiếu |
GELEX huy động “nước rút” 1.500 tỷ đồng trái phiếu
Theo tìm hiểu GELEX đã liên tục triển khai hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động tổng cộng 1.500 tỷ đồng chỉ trong tuần cuối tháng 12/2021.
Đợt phát hành trái phiếu gần nhất của GELEX là ngày 31/12/2021, Tập đoàn đã chào bán 5.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu.
Trước đó, ngày 23/12/2021, GELEX đã phát hành 10.000 trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Đây đều là lượng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định 8,5%/năm trong năm đầu, sau đó điều chỉnh theo thị trường. Toàn bộ trái phiếu này được bảo đảm bằng một số lượng cổ phần của các công ty con thuộc quyền sở hữu của Gelex như: Viglacera, Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex, Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex,…
Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ ngay sau khi thâu tóm Viglacera hồi tháng 5/2021. Trong cả năm 2020, Gelex đã huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó 2.200 tỷ đồng được dùng cho sản xuất - kinh doanh thông thường, 400 tỷ đồng còn lại dùng để góp vốn vào công ty con.
Các lô trái phiếu của GELEX. (Nguồn: GELEX) |
Đương nhiên, việc gia tăng vay nợ từ trái phiếu của GELEX sẽ làm quy mô nợ phải trả của Tập đoàn này tiếp tục phình to, sau khi đã tăng rất mạnh trong năm 2020.
Theo đó, kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của GELEX ghi nhận nợ phải trả là hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Còn nợ dài hạn cũng tăng gấp 2,2 lần lên thành hơn 17.717 tỷ đồng trong năm 2021.
Điều đáng chú ý là, nợ dài hạn tăng chủ yếu do sự phình to đột biến trong hoạt động vay dài hạn của doanh nghiệp này. Số dư vay dài hạn tại thời điểm đầu năm 2021 của GELEX chỉ ghi nhận mức 7.752 tỷ đồng, nhưng sau 1 năm, con số này đã vọt lên trên 13.749 tỷ đồng. Sự tăng vọt của vay dài hạn có đóng góp tích cực từ hoạt động vay trái phiếu (6.383 tỷ đồng), hoạt động vay dài hạn tại các ngân hàng cũng đóng một phần lớn (8.896 tỷ đồng).
Ngoài ra, bức tranh nợ nần của doanh nghiệp này còn điểm đáng chú ý nữa là việc gia tăng các khoản phải thu; các khoản phải thu khó đòi cũng tăng mạnh trong năm qua.
Ngóng sự hiệu quả của dòng tiền
Thời gian qua, để thực hiện việc mở rộng sản xuất đầu tư, Gelex phải đẩy nhanh huy động vốn, nhất là qua nguồn vốn vay. Tập đoàn GELEX cho biết số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu được GELEX dùng cho việc tăng quy mô vốn hoạt động. Cụ thể số tiền thu được sẽ thanh toán cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp vốn vào các công ty thành viên và một số mục địch khác.
Trong năm 2022, đối với mảng phát triển dự án năng lượng, công ty dự kiến phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục đã chuẩn bị đầu tư như: cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW); Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200MW), điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án tiềm năng khác. Bên cạnh đó, GELEX cũng dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo…
Đối với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2 nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án Giai đoạn 2 vào quý IV/2024.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu công nghiệp đang triển khai; khởi công, đầu tư khu công nghiệp mới. Triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu phát triển 4.300 ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị mới…
Đặc biệt, công ty dự kiến tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng.
Tính tới thời điểm ngày 31/12/2021, GEX đang sở hữu trực tiếp 77,58% và tỷ lệ quyền biểu quyết 99,99% tại CTCP Hạ tầng Gelex, hoạt động trong lĩnh vực quản lý các khoản đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, bất động sản.
CTCP Hạ tầng Gelex đang sở hữu trực tiếp 6 công ty gồm: Tổng công ty Viglacera – CTCP (HOSE – Mã: VGC), CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà; Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng; CTCP Năng lượng Gelex Đắk Lắk; CTCP Hạ tầng Gelex Tây Ninh; và CTCP Dịch vụ Năng lượng Gelex.
GELEX là một doanh nghiệp tham vọng, từ một doanh nghiệp nhà nước được Bộ Công thương thoái vốn vào năm 2015 đã liên tục tăng vốn lớn. Từ mức 1.550 tỷ đồng, Gelex đã thành tập đoàn tư nhân vốn điều lệ hơn 8.515 tỷ đồng và nắm cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp nhà nước khác. Nhìn lại sự vụ năm đó, Ngày 24/12/2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HNX và GELEX về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016. Ngay ngày hôm sau, 122 triệu cổ phiếu GEX đã được khớp lệnh chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở cửa như một sự an bài đã sắp đặt từ trước dù là giao dịch thực hiện bằng khớp lệnh trên thị trường chứng khoán tức ai cũng có thể mua! Phải nói thêm rằng, nếu như thời điểm bây giờ những tổ chức có sẵn "cục tiền" nghìn tỷ để nắm bắt cơ hội là không hiếm nhưng thời điểm 2015 thì hơn 2.000 tỷ chuẩn bị sẵn để nắm bắt cơ hội là điều rất khó. Đó là chưa kể đến, đầu tư một khoản tiền lớn như thế chắc chắn phải trải qua rất nhiều suy tính chứ không thể chỉ vài phút ra quyết định! Phiên giao dịch năm đó đánh một dấu hỏi lớn về việc liệu thoái vốn của GELEX có minh bạch hay không. Nhưng, thời gian trôi qua và mọi việc rồi cũng trôi qua, những đồn đoán, những câu hỏi...của nhà đầu tư rồi cũng trôi vào quên lãng. |