Giá thực phẩm tăng cao trở lại, gia tăng áp lực lạm phát cuối năm

05/07/2022 14:08

Theo các chuyên gia, với nền kinh tế hội nhập sâu rộng có độ mở lên đến 200% GDP, nhiều loại hàng hóa Việt Nam đang phụ thuộc và chịu tác động rất lớn từ bên ngoài. Đặc biệt, hiện giá xăng dầu neo ở mức cao, kèm theo giá lương thực thực phẩm tăng trở lại khiến áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm rất lớn.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, giá các mặt hàng trong nền kinh tế đang tăng rất mạnh, từ giá vận tải hành khách, giá lương thực thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, giá các mặt hàng may mặc, giày dép...

"Tổng cục Thống kê công bố lạm phát 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trên thực tế cảm nhận 'sức nóng' từ việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ còn cao hơn nhiều. Từ xe ôm, dân văn phòng…đến bà nội trợ giờ đều cảm nhận rất rõ áp lực tăng giá trong từng bữa ăn", ông Long nói.

Theo ông Long, hiện, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, lượng cầu tăng rất nhanh, trong khi cung đáp không đủ khiến giá hàng hóa có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua diễn biến 6 tháng vừa qua, có thể thấy lạm phát của Việt Nam không phải đến từ chính sách tiền tệ, mà chủ yếu do “nhập khẩu lạm phát”.

"Dù năm ngoái 'nhập khẩu lạm phát' đã tác động đến Việt Nam nhưng mới chủ yếu là khâu sản xuất. Tức chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán sản phẩm tăng thấp hơn (kết hợp với sức mua yếu) nên CPI không những không tăng cao hơn mục tiêu mà còn thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, năm nay tình thế đã khác, lạm phát một mặt đến từ 'chi phí' sản xuất chuyển sang, mặt khác do giá nhập khẩu tiếp tục leo thang, trong bối cảnh sức mua cao", chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với nền kinh tế có độ mở lên đến 200% GDP, nhiều loại mặt hàng Việt Nam đang phụ thuộc và chịu tác động rất lớn từ bên ngoài. Đặc biệt, tác động mạnh mẽ nhất là giá xăng dầu, dự báo còn neo ở mức cao trong thời gian tới (khả năng neo trên 100 USD) khi xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn chưa có tín hiệu kết thúc. Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát còn cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, dù GDP quý II tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao cũng đi kéo theo áp lực về lạm phát.

“Khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là một thách thức rất lớn đối với cơ quan chức năng và sự điều hành của Chính phủ. Hiện, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề và đưa ra giải pháp kiểm soát, nhưng việc thực hiện ra sao mới đáng bàn”, ông Long chia sẻ.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Quản lý giá, Tổng cục Thống kê, thừa nhận áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm rất lớn, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.

"Điều này sẽ tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, giá thành sản phẩm, đẩy giá hàng hóa lên cao, tăng áp lực lạm phát. Đặc biệt, hiện giá lương thực thực phẩm (chiếm 28% quyền số trong rổ hàng hóa CPI) tăng trở lại khi dịch được kiểm soát, nhu cầu người dân tăng lên cũng gây áp lực không nhỏ với lạm phát", bà Oanh nhận định.

Bạn đang đọc bài viết "Giá thực phẩm tăng cao trở lại, gia tăng áp lực lạm phát cuối năm" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).