Giá vàng giảm sâu, USD tăng giá, đầu tư thế nào để hưởng lợi?

20/07/2022 10:27

Trong những phiên gần đây, giá vàng liên tục lao dốc ở cả thị trường trong nước và thế giới. Trong khi đó, USD vẫn ở mức cao sau khi phá đỉnh 24 năm. Như vậy, dù cùng là những “vịnh tránh bão” truyền thống, nhưng vàng dường như chưa phát huy vai trò tốt như USD, vậy đây có còn là kênh đầu tư tốt trong thời điểm này?

Giá vàng "nhảy múa" liên hồi trong hai phiên đầu tuần

Sau phiên biến động mạnh ngày 18/7, thị trường vàng miếng trong nước tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ vàng giá cao lo lắng khi tiếp tục tăng giảm khó đoán định trong ngày 19/7. 

Cụ thể, mở cửa phiên sáng nay, giá vàng được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết có thời điểm đã rơi về mức 60 triệu/lượng ở chiều mua và 62,5 triệu/lượng ở chiều bán. So với cuối ngày hôm qua, giá mua vào tại SJC đã giảm tới 3,5 triệu đồng trong khi giá bán ra cũng giảm 2 triệu/lượng.

Nếu tính ở vùng giá này, vàng miếng SJC đã mất tổng cộng 7,35 triệu đồng chiều mua và 5,45 triệu đồng chiều bán chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu tuần này.

Đến phiên chiều, ghi nhận vào lúc 14h15, giá vàng miếng SJC đã phục hồi về mức 62 - 64 triệu/lượng theo hai mua vào - bán ra.

Tuy nhiên, so với cuối ngày hôm qua, mức giá này vẫn thấp hơn 1,5 triệu đồng chiều mua. Còn nếu so với cuối tuần trước, giá mua vào đã giảm tổng cộng 5,35 triệu/lượng trong khi giá bán ra giảm 3,45 triệu đồng. 

gia-vang-1658285254.png Vàng SJC tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 14h15. (Tổng hợp: Như Huỳnh)

Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, giá vàng miếng niêm yết ở mức 63 - 65,5 triệu/lượng mua vào - bán ra khi mở cửa nhưng đến khoảng 10h giá đã giảm xuống mức 60 triệu ở chiều mua và 62 triệu đồng ở chiều bán.

Đến phiên chiều, giá kim loại quý đã hồi lên mức 62 - 64 triệu đồng/lượng. Dù vậy, mức giá này vẫn thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua và thấp hơn 5,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và gần 4 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối tuần trước.

gia-vang-2-1658285592.png Diễn biến giá vàng tại Tập đoàn Doji trong hai phiên giao dịch gần đây. (Nguồn: Doji)

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở mức 1709 USD/ounce vào lúc 14h40 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giảm khoảng 9 USD/ounce so với đêm qua.

Mức giá này sau khi quy đổi tương đương gần 48 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.

gia-vang-3-1658285629.png

Đầu tư thế nào để hưởng lợi?

Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư nên "xuống tiền" như thế nào để hưởng lợi vào lúc này?

Chia sẻ với người viết, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, cho rằng sau thời gian chênh lệch cao với giá vàng thế giới cùng với nhiều đề xuất thu hẹp khoảng cách giữa vàng trong nước và quốc tế, vàng SJC đã có một cú rơi thẳng đứng. Tuy nhiên, nếu nói rằng việc tụt giá của vàng có phần tác động từ đồng USD thì ông Khánh cho rằng nó không rõ ràng hoặc nếu có sẽ không đáng kể.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay vàng là nơi trú ẩn tốt cho dòng tiền nhưng chỉ nên chiếm khoảng 10-20%, hoặc nhiều nhất là 30% trong danh mục đầu tư và không nên tất tay với tài sản này bởi đây không phải là kênh làm giàu nhanh chóng như chứng khoán, bất động sản... 

Chưa kể, trong bối cảnh giá vàng miếng liên tục biến động bất thường, để tránh rủi ro các tiệm vàng nới rộng chênh lệch giữa giá mua vào bán ra lên từ 2-3 triệu đồng/lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng mua, bán trong thời điểm này đều bất lợi.  

Trong khi đó, tài sản an toàn nhất nên nắm giữ là VNĐ bởi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, nhiều đồng tiền lớn như euro, yen Nhật và vàng đều rớt giá, bất động sản cũng đang trong tình trạng đóng băng. 

"Với việc nắm giữ VNĐ và gửi Ngân hàng với lãi suất 6%, con số lãi thực là rất lớn so với các kênh đầu tư khác đều trong cảnh lỗ nặng như chứng khoán đã lỗ hơn 70%. Quyết định giữ VNĐ là điều đúng đắn tính từ đầu năm đến nay và khả năng sẽ còn duy trì đến hết năm", ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Với mức giá bán ra ở vùng 64 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng trong nước đã giảm tới 10 triệu đồng/lượng so với mức kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng đạt được hồi cuối tháng 2.

Cú rơi mạnh này của vàng trong nước được cho là chịu tác động từ giá vàng thế giới khi giá kim loại quý đã "bốc hơi" trên 100 USD/ounce trong hai tuần qua sau khi lao dốc từ vùng trên 1.800 USD/ounce. 

Theo Reusters, giá vàng giảm hơn 2% trong tuần qua và ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong suốt nhiều năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm ước tính 7%. 

Nguyên nhân chính đẩy giá vàng lao dốc là do báo cáo lạm phát của Mỹ tháng 6/2022 tăng hơn 9%. Điều này khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng vọt cũng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Theo CNBC, ông Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Dòng tiền khổng lồ đổ vào đồng USD của nhà đầu tư và dự báo lãi suất cao hơn, do lạm phát tăng nhanh, đang gây áp lực lên vàng”.

Một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ bao gồm chỉ số giá tiêu dùng CPI, doanh số bán lẻ và sản lượng nhà máy – sẽ cung cấp ý tưởng về mức độ lạm phát gia tăng trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong tuần tới. Theo đó, lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.

Trong khi đó, đồng USD đã có cú lập đỉnh mới trong vòng 24 năm trong những ngày qua và tiếp tục ở mức cao.

Tỷ giá trung tâm ngày 18/7 niêm yết ở mức 23.245 VND/USD, tăng tới 20 đồng so với phiên liền trước và là phiên tăng thứ năm liên tiếp của tỷ giá trung tâm. 

Theo bảng niêm yết tỷ giá hối đoái của các ngân hàng thương mại, hiện tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng đã chạm mức 23.400 đồng/USD, tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng vọt trên 2,85%.   

Tỷ giá USD trên thị trường tự do hiện ở mức khá cao, bứt tốc mạnh hơn trong thời gian gần đây và chính thức vọt lên mốc 24.700 đồng/USD trong phiên giao dịch hôm qua (18/7).

Đầu giờ sáng nay (19/7), tỷ giá tự do vẫn đang được niêm yết phổ biến quanh mức 24.330 đồng/USD (mua vào) và 24.530 đồng/USD (bán ra).

Việc USD tăng giá không ngừng cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh như một tài sản an toàn tăng cao. Như vậy, dù cùng là những “vịnh tránh bão” truyền thống, nhưng vàng dường như chưa phát huy vai trò tốt như USD.

Bạn đang đọc bài viết "Giá vàng giảm sâu, USD tăng giá, đầu tư thế nào để hưởng lợi?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).